Họa sĩ Công Quốc Hà:Tình yêu say đắm với hội họa và quê hương

Họa sĩ Công Quốc Hà sinh ra và lớn lên tại khu phố cổ Hà Nội. Vì thế, rất tự nhiên, Hà Nội là tình yêu, là máu thịt, là nơi mà dẫu có đi đâu ông vẫn luôn nhớ về.

Trong phần lớn tác phẩm của Công Quốc Hà, đề tài nổi bật luôn là về Thủ đô, đặc biệt là thiếu nữ Hà thành và phố Hà Nội. Chính tình yêu sâu sắc đó đã làm nên thương hiệu cho tranh Công Quốc Hà.

Họa sĩ Công Quốc Hà luôn vẽ về Hà Nội với một tình yêu say đắm.

Họa sĩ Công Quốc Hà luôn vẽ về Hà Nội với một tình yêu say đắm.

Mang đến cho hội họa vẻ đẹp hiện đại và tươi mới

Trong nền mỹ thuật đương đại, Công Quốc Hà là một trong những tài năng có thể sáng tạo với nhiều chất liệu. Được đào tạo bài bản tại khoa Sơn mài của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vì thế sơn mài với ông là thế mạnh. Là một trong những họa sĩ điển hình của sơn mài đương đại Việt Nam, Công Quốc Hà sớm định hình ngôn ngữ tạo hình riêng và duy trì phong độ trong gần 50 năm làm nghề. Chủ đề phố phường Hà Nội, thiếu nữ, nude, tĩnh vật... tuy không mới nhưng cách tạo hình của Công Quốc Hà khiến tác phẩm của ông không lẫn vào đâu được.

Sau khi tốt nghiệp năm 1979, Công Quốc Hà xuất hiện chững chạc, tài hoa và bản lĩnh trong giới mỹ thuật. Từ bức “Ra khơi trở về” đến “Phố mùa đông” (bức tranh tham dự triển lãm ở Pháp năm 1998, và cũng là bức sơn mài đầu tiên về phố của ông), Công Quốc Hà nổi lên với những sáng tác có bút pháp cá tính.

Tác phẩm "Trước gương" (sơn mài).

Tác phẩm "Trước gương" (sơn mài).

Đặc biệt, chủ đề “Thiếu nữ Hà Nội” đã làm nên thương hiệu Công Quốc Hà. Ông thường khắc họa hình tượng thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài - vẻ đẹp mang tính biểu tượng của phụ nữ Việt Nam - cùng điểm nhấn là suối tóc đen mềm mại, bồng bềnh như mây làm nổi bật gương mặt, làn da thiếu nữ. Mái tóc giúp cân bằng bố cục và màu sắc, và cũng là đặc điểm nhận dạng tranh Công Quốc Hà.

Họa sĩ còn một mảng tranh nổi tiếng không kém - tranh về phố Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc ở phố Hàng Trống, Công Quốc Hà gắn bó với từng hàng cây, con đường Hà Nội nên thật dễ hiểu khi tranh ông luôn mang chất hào hoa của người Hà thành. Tư duy hình ảnh tốt lại chịu khó quan sát, Công Quốc Hà lưu giữ vẻ đẹp thâm trầm, quyến rũ của Hà Nội qua những hình khối đơn giản có tính ước lệ cao, được ghép lại hết sức tự nhiên và kết nối bằng những đường viền khỏe khoắn, dứt khoát. Tranh phố của ông có nét trầm mặc của một Hà Nội cũ, nhưng cũng mang vẻ tươi mới của một Hà Nội hiện đại đang chuyển mình từng ngày.

“Tôi yêu Hà Nội. Và tôi chắc rằng bất kỳ ai từng đến, sống và làm việc tại Hà Nội cũng sẽ có một tình cảm đặc biệt như thế. Phố Hà Nội và những ngôi nhà với mái ngói lô xô, những ngõ nhỏ, phố nhỏ luôn trở đi trở lại trong tâm trí và tôi muốn lưu giữ lại vẻ đẹp vĩnh hằng ấy cho những người yêu Hà Nội” - họa sĩ Công Quốc Hà từng tâm sự.

Tác phẩm "Phố cổ Hà Nội" (sơn mài).

Tác phẩm "Phố cổ Hà Nội" (sơn mài).

Việc thành danh ở tranh sơn mài không khiến ông dừng lại, mà thôi thúc ông tìm tòi, sáng tạo với sơn dầu, acrylic, tranh in lito, cắt giấy, thậm chí cả làm tượng, vẽ gốm... Với chất liệu sáng tác nào ông cũng thành công. Ông cho rằng, mỗi chất liệu có một thế mạnh riêng và họa sĩ giỏi là người biết tận dụng lợi thế đó để thể hiện cảm xúc của mình: “Hội họa Công Quốc Hà không chỉ là sơn mài. Chất liệu không quan trọng. Trái tim mới quan trọng. Chúng ta truyền cảm hứng từ trái tim đến trái tim. Cái đó cần nhất cho người nghệ sĩ và cho công chúng”.

Lan tỏa tình yêu nghệ thuật

Bất cứ ai tiếp xúc với Công Quốc Hà đều cảm nhận được ở ông tình yêu say đắm với hội họa và quê hương. Và ông muốn lan tỏa tình yêu ấy đến với tất cả mọi người. Từ những năm 1990, Công Quốc Hà đã tham dự nhiều triển lãm quốc tế, năng giao lưu nghệ thuật quốc tế. Qua hội họa, ông truyền thông điệp về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè năm châu. Ông vẽ về con phố nơi mình sinh ra và lớn lên, về những ngày sơ tán ở quê nội (thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Hà Nội), về vẻ đẹp của phụ nữ Hà thành, phố phường, ngoại ô... và những điều đẹp đẽ ấy đã theo ông ra thế giới, tới rất nhiều triển lãm mỹ thuật.

Tác phẩm "Hoa" (sơn mài).

Tác phẩm "Hoa" (sơn mài).

Trước khi định cư ở Thụy Điển vào năm 2012, Công Quốc Hà ấp ủ ước mơ xây dựng một trung tâm nghệ thuật nhỏ làm nơi giao lưu với bạn bè quốc tế. Chính vì thế, ông âm thầm góp nhặt, sưu tầm tranh, tượng của các họa sĩ Việt Nam và thế giới. Năm 2016, họa sĩ biến căn biệt thự 123 năm tuổi của gia đình mình ở thành phố Linkoping, cách thủ đô Stockholm 200km, thành bảo tàng hội họa thu nhỏ. Tại đây, ông thường tổ chức các buổi triển lãm để bạn bè và đối tác đến xem, khiến họ hiểu thêm về hội họa và nghệ sĩ Việt Nam. Ông cũng tổ chức một số triển lãm ở Thụy Điển cho các họa sĩ Việt Nam sang giới thiệu tác phẩm. Tâm nguyện của ông là hoàn thành một bảo tàng nghệ thuật tại Thụy Điển để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Họa sĩ từng chia sẻ: “Bảo tàng là nơi lưu giữ các tác phẩm đặc biệt, là sự kết hợp của di sản văn hóa phong phú, tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ với tay nghề thủ công tinh tế, chất lượng. Mục đích của tôi là biến nơi đây thành điểm giới thiệu di sản văn hóa và kỹ thuật thủ công sơn mài tinh tế của Việt Nam đến với các bạn quốc tế”.

Tác phẩm "Hà Nội mới" (trong series Những con đường mới - acrylic).

Tác phẩm "Hà Nội mới" (trong series Những con đường mới - acrylic).

Giấc mơ còn dang dở

Sau 10 năm ở Thụy Điển, năm 2022, Công Quốc Hà trở về Việt Nam và mở triển lãm công bố các tác phẩm tiêu biểu của ông sau gần 50 năm hoạt động nghệ thuật. Thời gian dự định lưu lại chỉ là vài tháng để thực hiện kế hoạch triển lãm, thế nhưng Hà Nội đã níu giữ ông ở lại mãi mãi với nơi này.

“Trở về Hà Nội sau những năm sống và làm việc ở Thụy Điển, gặp lại người thân, bạn bè, gặp lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc và nhất là những con đường mới của Thủ đô, trong tôi ngập tràn cảm xúc tích cực, điều đó cho tôi năng lượng để vẽ về một Hà Nội mới”, đó là lời tâm sự của Công Quốc Hà khi tôi đến thăm ông sau khi ông tổ chức liên tiếp 3 cuộc triển lãm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian ngắn.

Tác phẩm "Nữ sinh Hà Nội" (sơn mài).

Tác phẩm "Nữ sinh Hà Nội" (sơn mài).

Hà Nội đã tạo niềm hứng khởi bất tận cho ông. Công Quốc Hà say sưa vẽ, sáng tác nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây bởi cảm xúc dâng trào khi được trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn". Thủ đô vẫn là mảng đề tài mà ông tập trung, với tình yêu sâu đậm nhưng cách thể hiện mới, hiện đại và sáng tạo hơn. Cảm giác mỗi ngày ông đều có tác phẩm mới, để theo kịp cảm xúc nên thời gian này ông thường chọn chất liệu acrylic, sơn dầu, cắt giấy... dù sơn mài vẫn là chất liệu không thể thiếu.

Thời gian biểu mỗi ngày của ông luôn kín đặc, nếu không ở nhà sáng tác thì có nghĩa ông đang nặn tượng, vẽ gốm tại Bát Tràng hay tham gia trại sáng tác cùng các hội, nhóm mỹ thuật, đi thực tế ở Hòa Bình, Sơn La, Hải Phòng, vẽ minh họa cho các báo, tạp chí.

Nói về minh họa, với tôi Công Quốc Hà là một cộng tác viên tuyệt vời. Ông làm việc chuyên nghiệp và trách nhiệm. Là họa sĩ đã thành danh, công việc vô cùng bận rộn nhưng khi tôi đặt vấn đề cộng tác với Báo Hànôịmới, ông luôn nhiệt tình, vui vẻ. Đều đặn mỗi tuần, Công Quốc Hà vẽ những bức minh họa xinh xắn cho chuyên mục Hà Nội tạp văn của Hànôịmới Cuối tuần. Với tôi, được cộng tác với ông là một may mắn.

Tác phẩm "Đêm trăng phố cổ" (acrylic).

Tác phẩm "Đêm trăng phố cổ" (acrylic).

Cho đến những ngày đầu tháng 12-2024, chúng tôi gửi nội dung minh họa cho ông nhưng không thấy Công Quốc Hà phản hồi... Rồi ngày 22-12-2024 tới với tin họa sĩ Công Quốc Hà ra đi vì trọng bệnh. Cái rét tê tái hơn, thành phố ngàn tuổi như trầm mặc hơn khi mãi mất đi một họa sĩ luôn yêu Hà Nội theo cách của riêng mình, mất đi một họa sĩ tài hoa còn đang ấp ủ nhiều dự án nghệ thuật làm đẹp cho đời. Ông đã dừng lại, nhưng tôi tin nguồn cảm hứng, niềm đam mê, tầm nhìn nghệ thuật và giấc mơ sáng tạo của Công Quốc Hà còn mãi.

Sinh năm 1955 tại Hà Nội, Công Quốc Hà là một trong những họa sĩ sơn mài đương đại nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Việt Nam và quốc tế; tham gia hàng trăm cuộc triển lãm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển… Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng và hàng loạt triển lãm trên thế giới, là đối tượng đáng quan tâm của nhiều nhà sưu tầm mỹ thuật trong nước và quốc tế.

Nguyệt Thơ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-cong-quoc-ha-tinh-yeu-say-dam-voi-hoi-hoa-va-que-huong-689279.html
Zalo