Hòa Phát bất ngờ dừng kế hoạch cổ tức tiền mặt vì thuế quan Mỹ
Do lo ngại tình hình thuế quan từ Mỹ và trên cơ sở thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn tiền mặt, Hòa Phát muốn điều chỉnh sang chi trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu.

"Vua thép" đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỉ lệ dự kiến năm 2025.
Cụ thể, theo tài liệu công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT "vua thép" dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát dự kiến chi gần 3.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành thêm gần 960 triệu cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ thông qua.
Tuy nhiên, tại phương án thay đổi mới nhất, Hòa Phát bất ngờ điều chỉnh sang chi trả cổ tức năm 2024 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nếu được thông qua, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm gần 1,3 tỷ cổ phiếu.
Doanh nghiệp đưa ra lý do điều chỉnh là từ diễn biến của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của chính quyền ông Donald Trump và trên cơ sở thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn tiền mặt.
Với tỷ lệ chia cổ tức 2025, Hòa Phát giữ nguyên tỷ lệ dự kiến là 20%.
Tại tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng 25%.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay của “ông lớn” ngành thép.
Đối với ngành thép, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố quyết định áp thuế sơ bộ dao động từ 40% đến hơn 88% đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong nhóm các doanh nghiệp bị điều tra, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) bị áp mức thuế cao nhất lên tới 59%. Tôn Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát và Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cùng chịu mức thuế 49,42%.
Trong khi đó, Công ty Tôn Đông Á (HoSE: GDA) là doanh nghiệp đại chúng duy nhất được hưởng mức thấp nhất, ở 39,84%.
Một số công ty khác như Tôn Pomina, Thép TVP, Thép Tây Nam, Tôn Phương Nam, cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Maruichi Sun Steel, Sam Hwan Vina và Tôn Thép Việt Pháp cũng bị áp mức thuế 49,42%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam không được nêu tên cụ thể trong quyết định sơ bộ sẽ phải đối mặt với mức thuế lên tới 88,12%.