Dịp cận Tết nguyên đán vừa qua, Ngọc Hân đã có chuyến công tác dài ngày tại xứ sở mặt trởi mọc, nhân dịp được Tổng lãnh sự quán Fukuoka (Nhật Bản) mời tham gia một sự kiện văn hóa dành cho người Việt Nam. Với tư cách là nhà thiết kế thời trang, nàng hậu đã mang 2 bộ sưu tập áo dài để trình diễn cho các kiều bào và đông đảo người dân Nhật Bản thưởng lãm.
Một bộ sưu tập được Ngọc Hân lấy cảm hứng từ Obi - chiếc thắt lưng trên trang phục truyền thống Kimono với những hoa văn, họa tiết thể hiện văn hóa đặc trưng của người dân xứ hoa anh đào.
Bộ sưu tập thứ hai người đẹp mang sang Nhật chính là có chủ đề về tranh Kim Hoàng, dòng tranh dân gian từng thất truyền một thời gian dài và hiện tại được các nghệ nhân phục dựng - từng được cô giới thiệu trong lễ hội áo dài tại Văn Miếu đầu tháng 1/2024.
Ngọc Hân cho biết, cô rất hạnh phúc khi cả hai bộ sưu tập áo dài đều được mọi người khen ngợi, thể hiện được những nét đẹp văn hóa truyền thống của hai quốc gia Việt Nam, Nhật Bản. Hơn 10 năm qua, nàng hậu luôn cố gắng quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế thông qua tà áo dài.
Với cô, áo dài giống như một “cầu nối” đưa văn hóa dân tộc vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và trở nên gần gũi hơn trong mắt người nước ngoài.
Mỗi khi có cơ hội tham gia các sự kiện giao lưu quốc tế, Ngọc Hân luôn dành nhiều tâm huyết sáng tạo bộ sưu tập áo dài có chủ đề riêng cho từng chương trình, từng quốc gia cô đặt chân đến.
Sau 6 năm mới trở lại Nhật Bản công tác, nàng hậu cũng tranh thủ thực hiện bộ ảnh kỷ niệm tại một số đền chùa nổi tiếng của Fukuoka. Thời tiết mùa đông lạnh giá, dao động từ 0 đến 2 độ C nhưng Ngọc Hân vẫn rạng rỡ khoe nhan sắc trong các thiết kế áo dài mỏng manh.
Cô tiết lộ, để giữ ấm cơ thể ở điều kiện khắc nghiệt, cô mặc 2-3 lớp áo giữ nhiệt và áo len bên trong áo dài mà vẫn thấy run rẩy mỗi khi tạo dáng trước ống kính.
Ngọc Hân với áo dài lấy cảm hứng từ tranh Kim Hoàng. Sắc đỏ là tông màu đặc trưng của tranh Kim Hoàng, một dòng tranh hình thành vào nửa sau thế kỷ 18 từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp lại, sau này được gọi là Kim Hoàng. Chủ đề của tranh rất gần gũi với đời thường, cụ thể là tranh lợn, gà, nông thôn Bắc Bộ…
Tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo để tạo nên một tác phẩm tranh uyển chuyển nhưng đường nét dứt khoát. Hơn nữa, chủ đề của dòng tranh rất phong phú nên việc in tranh lên áo dài cũng đòi hỏi nhiều lần test trên các chất liệu vải khác nhau mới không bị lỗi.
Ngọc Hân đã nhờ đến sự tư vấn của các nghệ nhân để đưa bức tranh về rồng, phượng, cá chép hóa rồng, mã giám mang ngựa quý tặng quan… lên tà áo truyền thống.
Trên các chất liệu quen thuộc như lụa, tafta, đũi… NTK Ngọc Hân sáng tạo các phom áo truyền thống thắt eo hay dáng suông… để phù hợp với nhịp sống hiện đại và nhu cầu thẩm mỹ của phái đẹp. Nhờ kỹ thuật in 3D, dập nhăn cùng các tông màu rực rỡ từ tranh Kim Hoàng, mỗi thiết kế đều giúp người mặc trở nên duyên dáng và nổi bật khi dạo phố, du xuân.
Ở bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng Kimono, Ngọc Hân tiết lộ, cô sưu tập Obi (thắt lưng của trang phục Kimono) trong rất nhiều chuyến thăm Nhật Bản và ấp ủ may áo dài từ chính những mảnh vải Obi này. Bộ sưu tập được cô ra mắt vào năm ngoái nhưng chưa có cơ hội trình diễn trên một sân khấu lớn.
Hà Phương/VOV.VN