Hoa hậu 2024 ồn ào và đáng thất vọng
Ông Nawat bị nghi bán giải, người đẹp Myanmar trả vương miện Á hậu Miss Grand International là 2 trong những bê bối lớn của thế giới sắc đẹp năm nay.
Những cô gái đăng quang năm nay không gây tranh cãi kết quả, nhưng cuộc thi họ tham gia lại dính nhiều thị phi. Một số thí sinh đã quay lưng, "bóc phốt" tổ chức Miss Grand International và Miss Universe sau mùa giải. Còn các sân chơi khác thuộc Big 6 như Miss Earth, Miss International bị phàn nàn khâu tổ chức.
Góc khuất của Miss Universe
Năm đầu tiên Miss Universe do JKN Global Group x Legacy Holding Group USA Inc. kết hợp tổ chức tồn tại nhiều góc khuất. Đại diện Uzbekistan, Slovakia, Brazil... tố bị đối xử bất công trong việc phân chia giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, thời lượng lên hình ít. Riêng người đẹp Brazil nói thêm rằng cô bị cấm đăng bài viết, video hoặc livestream.
Chuyên trang Missuupdates cho biết gần 130 cô gái gần như "bị nhốt" trong khách sạn InterContinental Presidente Hotel (Mexico) mà không có nhiều hoạt động bên ngoài. Lùm xùm giữa Italy Mora - đại diện Panama, và giám đốc quốc gia của cô xảy ra ở khách sạn này, dẫn đến việc Mora bị loại. Đại diện Nam Phi là thí sinh tiếp theo rút lui.
Chuỗi ồn ào kéo dài khi doanh nhân người Paraguay - Omar Hivan Castorino Montanaro - lên tiếng về bê bối quỵt tiền của tổ chức Miss Universe. Montanaro tiết lộ đã trả cho bà Anne Jakrajutatip, đồng chủ sở hữu Miss Universe, nửa triệu USD để giành quyền đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ 2025 tại Paraguay, nhưng sau đó ban tổ chức đã phớt lờ anh và thậm chí Paraguay không có trong danh sách các nước đấu thầu đăng cai.
Ở diễn biến khác, người dẫn show Good Morning America, Janai Norman, phỏng vấn nhiều nhân vật liên quan lĩnh vực sắc đẹp như Rodrigo Goytortua - cựu giám đốc điều hành của Hoa hậu Hoàn vũ Mexico và Annemarie Pisano - cựu giám đốc báo chí của Hoa hậu Hoàn vũ. Họ tiết lộ môi trường làm việc trong cuộc thi này "độc hại, các lãnh đạo hạ thấp, chỉ trích nặng nề, làm tổn thương người khác".
Trước loạt tranh cãi, tổ chức Miss Universe phủ nhận các cáo buộc. Đại diện MUO khẳng định: "Không có chuyện như các đơn vị đã cáo buộc. Những cáo buộc này làm giảm giá trị cốt lõi của chúng tôi và làm mất phẩm giá 73 năm cống hiến của chúng tôi. Sẽ có những biện pháp ngăn chặn hành vi gây tổn hại danh dự của tổ chức Miss Universe".
Victoria Kjær Theilvig - tân Miss Universe người Đan Mạch - mới đây bị chỉ trích vì đăng video hát nhép theo Empire State of Mind, một bài hát có chứa ca từ phân biệt chủng tộc.
Mùa giải Miss Grand International ồn ào nhất
Mùa giải Miss Grand International (MGI) năm nay được nhận định bất ổn nhất trong lịch sử 11 năm tổ chức khi liên tiếp dính ồn ào, mở đầu là vụ ông Nawat tước quyền đăng cai của Campuchia, chuyển mọi hoạt động về Thái Lan.
MGI tố đơn vị ở Campuchia thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế cho cuộc thi. Vụ bữa tiệc sơ sài trên du thuyền với những chiếc ghế nhựa, món ăn đơn giản (trong đó có trứng cút lộn) được coi là giọt nước tràn ly. Tuy nhiên, phía Campuchia tố ngược chủ tịch MGI độc tài, thích gây chiến dù cuộc thi hô hào thông điệp hòa bình.
Thí sinh Campuchia Sotheary Bee bỏ thi ngay lập tức. Các thí sinh Costa Rica, Hong Kong (Trung Quốc), Ukraine cũng lần lượt rút lui. Trong đó, Kateryna Bilyk - đại diện Ukraine - tố bị ban tổ chức gây tổn hại sức khỏe, tinh thần. Vì thế, cô thuê luật sư để khởi kiện.
Vụ khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất phải kể đến người đẹp Myanmar Thae Su Nyein không hài lòng kết quả Á hậu 2 và bỏ về. Cô này đã livestream tuyên bố trả vương miện vì cảm thấy "không nhận được những gì xứng đáng với công sức đã bỏ ra".
Cùng lúc đó, Giám đốc quốc gia Miss Grand Myanmar, Htoo Ant Lwin, tố chủ tịch Nawat kêu gọi anh bỏ ra 25.000 USD để có giải Miss Popular Vote và bất kỳ thứ gì mong muốn (vương miện) nhưng anh từ chối.
Phản pháo cáo buộc, Nawat phủ nhận nghi vấn bán giải, đồng thời cho rằng người đẹp Myanmar còn trẻ nhưng háo thắng, ảo tưởng năng lực dù có sắc vóc tốt. Tổ chức MGI đưa ra thông báo tước danh hiệu của cô mà không chọn người khác thay thế.
Loạt xung đột xoay quanh MGI khiến trang chủ cuộc thi bị sụt giảm hàng nghìn lượt followers. Nhiều bình luận trên mạng xã hội chê sân chơi này là "cooking show".
Khâu tổ chức của Miss Earth gây thất vọng
Miss International - Hoa hậu Quốc tế được lòng khán giả ở chỗ công bố rõ ràng thứ hạng thí sinh, tuy nhiên gây thất vọng bởi khâu tổ chức thiếu đổi mới, thậm chí sơ sài, dù đây là một trong 3 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh theo bình chọn của Missosology.
Từ bán kết 10/11 đến chung kết 12/11, cả hai sân khấu đều có diện tích hình chữ T khá nhỏ, phần background gần như không nằm trong danh mục phải đầu tư, hay hệ thống đèn LED thiếu sáng và chưa tập trung vào việc giúp thí sinh khoe vẻ đẹp ngoại hình.
Đường catwalk được dựng thành sàn gỗ với hệ thống đèn chiếu sáng được nhận xét như đêm diễn hội chợ. Sau lưng thí sinh là chi chít logo nhà tài trợ, kém tinh tế.
Miss Earth - Hoa hậu Trái Đất thậm chí bị nhận xét còn tệ hơn. Điển hình là vào chung kết hôm 10/11, sau khi MC công bố xong top 20, màn hình LED phía sau hiện ra chữ CapCut. Hình ảnh cẩu thả trong việc chỉnh sửa video khiến ban tổ chức bị chê bai dữ dội.
Vì sân khấu khá nhỏ, thí sinh phải đứng chen chúc. Công tác truyền thông sau cuộc thi cũng không được đầu tư. Người đẹp đăng quang Jessica Lane (đến từ Australia) không có nổi một bộ ảnh riêng với chiếc vương miện.
Quy mô tổ chức của Miss Earth ngày càng tỷ lệ nghịch với những kỳ vọng của giới mộ điệu suốt nhiều năm qua.
Miss Supranational - Hoa hậu Siêu quốc gia không bị phàn nàn khâu dàn dựng, song cô gái đăng quang Harashta Haifa Zahra (người Indonesia) khá mờ nhạt, không được truyền thông chú ý.