Hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới

Hòa giải ở cơ sở - một trong những thiết chế vô cùng quan trọng trong xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật giữa bối cảnh cả nước đang quán triệt triển khai 2 nghị quyết, trong đó Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Người dân phát biểu trong một hội nghị tập huấn hòa giải ở cơ sở.

Người dân phát biểu trong một hội nghị tập huấn hòa giải ở cơ sở.

Những năm qua, Bình Thuận là một trong những tỉnh, thành trên cả nước thực hiện khá tốt Luật Hòa giải ở cơ sở. Bởi sự nhận thức được rằng, hòa giải là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Nếu thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Tuyên dương hòa giải viên đạt thành tích xuất sắc.

Tuyên dương hòa giải viên đạt thành tích xuất sắc.

Chính vì vậy, hàng năm Bình Thuận đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương có liên quan đến hòa giải ở cơ sở triển khai đến tất cả địa phương trong cả nước. Điển hình năm 2024, có Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”. Bình Thuận đã triển khai bằng cách ban hành các kế hoạch, quyết định về kiện toàn đội ngũ Tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh. Sở Tư pháp – cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực của công tác tư pháp cũng đã có kế hoạch tổ chức 3 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho lãnh đạo UBND, công chức tư pháp và hòa giải viên TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, đồng thời sẽ cấp phát 540 quyển sách Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cho người tham dự hội nghị.

Một trong những cuộc hòa giải về đất đai.

Một trong những cuộc hòa giải về đất đai.

Ngoài ra, tổ chức 15 hội nghị tập huấn tăng cường tiếp cận pháp luật và truyền thông chính sách, cấp phát hơn 1.500 các đầu sách gồm Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cho tất cả hòa giải viên ở 15 xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Trong đó có xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; các xã Bình Tân, Phan Điền, Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết… Cùng với đó, tổ chức lồng ghép kiểm tra công tác hòa giải cơ sở với kiểm tra công tác tư pháp tại 4/10 đơn vị cấp huyện và 8/124 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 693 tổ hòa giải với 4.215 hòa giải viên. Theo thống kê năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã hòa giải 1.325 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 1.061 vụ việc, đạt tỷ lệ 80%. Tuy vậy, theo Sở Tư pháp đánh giá, chất lượng, mô hình hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương còn thấp, chưa rõ nét. Trên cơ sở đó, Sở xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác này, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ngăn ngừa vi phạm pháp luật ở địa phương. Mới đây Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức quán triệt triển khai Nghị quyết quan trọng số 66-NQ/TW.

Ông Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, "Trong tình hình mới hiện nay muốn xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, cần đẩy mạnh một trong những thiết chế vô cùng quan trọng, đó chính là công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng với Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, thẩm phán, người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, góp phần thực hiện tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao".

"Hòa giải ở cơ sở góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội", ông Đào nói thêm.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoa-giai-o-co-so-trong-tinh-hinh-moi-130560.html
Zalo