Hòa Bình: ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế

Hòa Bình phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhất là tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu.

Trên 80% doanh nghiệp tại Hòa Bình đã ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh.

Trên 80% doanh nghiệp tại Hòa Bình đã ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh.

Từ năm 2022 đến nay, ngành Công Thương của tỉnh đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn, hỗ trợ trên 1.400 hộ sản xuất và hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức hàng chục hội nghị và lớp đào tạo về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm khi tham gia thị trường số.

Đến nay, đã có hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh tham gia các hội chợ tại tỉnh, trong nước và quốc tế như: Vietnam Expo, hội chợ OCOP Quảng Ninh và các sự kiện tại Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ. Các hoạt động này đã giúp doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và nâng cao giá trị thương hiệu.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực, hiện nay, việc số hóa dữ liệu và tích hợp các nền tảng công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp tiếp cận, giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn quy trình sản xuất, tiếp thị và phân phối. Trên 80% doanh nghiệp tại Hòa Bình đã ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, trong đó, khoảng 30% có trang web riêng và cập nhật thường xuyên.

Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh ban hành Quyết định 785/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về việc ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình sẽ chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Hòa Bình sẽ trở thành một trong những địa phương có chỉ số khá về Chính phủ số và kinh tế số.

Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Về chính quyền số, UBND tỉnh Hòa Bình tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Theo đó, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 1.023 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh; 287 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, người dân có thể thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh cũng như cổng dịch công quốc gia.

Về xây dựng xã hội số, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trong y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã cung cấp các nền tảng học trực tuyến để cho các cơ quan, người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện để tiếp cận với các kiến thức phát triển kinh tế xã hội.

Trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ sử dụng các ứng dụng, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế để giúp cho người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh từ xa, hoặc là đăng ký khám hoặc là theo dõi số sức khỏe điện tử, các dịch vụ để mà người dân chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Về kinh tế số, tỉnh Hòa Bình có 90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 20% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột. Phấn đấu tỉnh Hòa Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của quốc gia trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI vào năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; tiếp tục triển khai chuyển đổi số trên ở các lĩnh vực ưu tiên phục vụ thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh bền vững; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp trên toàn tỉnh; phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đẩy nhanh tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan Nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.

Tâm Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoa-binh-ung-dung-chuyen-doi-so-de-thuc-day-kinh-te.html
Zalo