Ngân hàng Nhà nước chỉ ổn định thị trường vàng chứ không can thiệp vào giá vàng trong nước
Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán vàng trực tiếp (3/6/2024) thì giá vàng thế giới còn tăng nhanh hơn giá vàng miếng trong nước...
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố nội dung trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: “Giá vàng biến động liên tục, chủ yếu theo hướng tăng lên, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, cũng như đời sống của nhân dân. Kiến nghị có biện pháp quản lý giá vàng phù hợp".
ĐÀ TĂNG CỦA GIÁ VÀNG TRONG NƯỚC THẤP HƠN GIÁ VÀNG THẾ GIỚI
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, căn cứ các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 giải pháp để quản lý thị trường vàng.
Thứ nhất, triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp với khối lượng phù hợp.
Thứ hai, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Thứ ba, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường để ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội. Đến nay, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã bước đầu có sự thu hẹp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng, do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh…
Theo cập nhật của VnEconomy từ các bản tin thị trường, so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai phương án bán vàng miếng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC (ngày 3/6/2024), đến 4/2/2025, giá vàng thế giới đã tăng hơn 487 USD/oz, tương đương mức tăng 17,3%. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trong nước tăng 81 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 9%. Như vậy, đà tăng của giá vàng trong nước thấp hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
"Như vậy, giá vàng diễn biến tăng cả trên thế giới chứ không chỉ có ở Việt Nam và tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán vàng trực tiếp thì giá vàng thế giới còn tăng nhanh hơn giá vàng miếng trong nước”, Ngân hàng Nhà nước trả lời cử tri tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết theo Luật Giá năm 2012 và Luật Giá sửa đổi năm 2023, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
TIẾP TỤC XỬ LÝ CHÊNH LỆCH GIÁ VÀNG TRONG NƯỚC VỚI THẾ GIỚI
“Giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng chủ động niêm yết. Thực tiễn trên thế giới, các ngân hàng trung ương cũng không quản lý giá vàng mà giá vàng do cung, cầu thị trường quyết định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện can thiệp, nhằm hướng tới sự ổn định của thị trường vàng, không can thiệp vào giá vàng trong nước”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Cử tri TP. Hà Nội cũng có kiến nghị liên quan đến quản lý thị trường vàng. Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước đánh giá hiện vẫn còn có một số tồn tại như: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp.
Phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, đồng bộ bình ổn thị trường vàng, tiếp tục xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để “vàng hóa” nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh, an toàn tài chính quốc gia. phát triển thị trường vàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.