Hòa Bình: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP
Quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước là một trong những nỗ lực của tỉnh Hòa Bình để phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, phấn đấu tổng số sản phẩm chuẩn hóa tới năm 2030 là 210 sản phẩm, phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế, nâng cấp 40-50 tổ chức đã có tham gia Chương trình OCOP. Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết, hiện tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực thực hiện chủ trương đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu phát triển bền vững, qua đó tăng cường xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình; quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn.
Bên cạnh xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Hòa Bình cũng hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình -thông tin thêm: Bên cạnh thị trường truyền thống, sàn giao dịch thương mại điện tử (địa chỉ: www.hoabinhtrade. gov.vn) được Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, qua đó đã góp phần đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nổi bật lên sàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm đạt OCOP nói riêng.
Đến nay, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 67 cơ sở với 137 sản phẩm lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình với sàn hợp nhất (sanviet.vn), qua đó đưa 79 sản phẩm của 33 cơ sở lên sàn hợp nhất.
Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hòa Bình cũng thường xuyên tổ chức, kết nối các sản phẩm OCOP tỉnh tham gia Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư, Hội chợ thương mại, hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP trong nước để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP mới, đặc thù gắn với địa phương; tăng cường đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước.
Kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, phụ nữ
Tại các cấp Hội phụ nữ, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều hoạt động tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như chương trình "Phụ nữ Hòa Bình hội nhập phát triển kinh tế bền vững". Chương trình được tổ chức với mục đích nhằm Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh nhằm giúp chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp, có cơ hội tìm được đầu ra sản phẩm ổn định, yên tâm sản xuất và phát triển sản phẩm của địa phương.
Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hoạt động kết nối thị trường là cơ hội để quảng bá các sản phẩm tiêu biểu đạt tiêu chuẩn về chất lượng của các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Các sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm Vietgap và các chứng nhận cho sản phẩm dược liệu, sản phẩm đạt chất lượng trong hoạt động chăn nuôi, sản xuất chế biến, với 11 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thông qua hoạt động này, Hội LHPN tỉnh sẽ có những kết nối giữa đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh với các đơn vị sản xuất sản phẩm do phụ nữ làm chủ và tham gia quản lý nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ, du lịch... của phụ nữ Hòa Bình ra khắp các tỉnh/thành trong nước, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Từ đó giải quyết công ăn việc làm cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em cuộc sống ổn định và gia đình hạnh phúc, tiến tới bình đẳng giới thực chất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.