Hòa Bình cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Ấn Độ phát triển lâu dài

Nhiều tập đoàn Ấn Độ bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh Hòa Bình như: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng, y tế hiện đại, công nghệ thông tin…

Đồng chí Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình tiếp xã giao ông Sandeep Arya- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình tiếp xã giao ông Sandeep Arya- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Tháng 11/2024, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) và các doanh nghiệp Ấn Độ đã tham dự hội nghị “Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024” tại Hòa Bình.

Du lịch chất lượng cao là một trong những trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác với thị trường Ấn Độ. Ông Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, chia sẻ Hòa Bình là cái nôi của người tiền sử, nổi tiếng với các di chỉ văn hóa thuộc thời Đồ đá cũ, được các nhà khảo cổ thế giới công nhận và lấy tên tỉnh để đặt tên nền “Văn hóa Hòa Bình”.

TIỀM NĂNG HỢP TÁC DU LỊCH, NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Tỉnh có 173 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 40 di tích cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”; có 04 Khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú với trên 5.300 buồng, phòng; có 10 điểm du lịch địa phương; 1 khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận, có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy, là tài nguyên để phát triển những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo lớn nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tình có tiềm năng phát triển lịch đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia, tỉnh đang xây dựng các tiêu chí, dự kiến được công nhận vào năm 2025.

Trong những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình có mức tăng trưởng nhanh, trên 10% và ổn định. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 73 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 38.000 tỷ đồng.

Tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh Hòa Bình khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư du lịch. Đặc biệt, mời gọi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng thể thao vui chơi giải trí trên Khu du lịch hồ Hòa Bình và tại một số huyện như: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi...

Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị " Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024" tại tỉnh Hòa Bình

Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị " Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024" tại tỉnh Hòa Bình

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế và khả năng ngành du lịch của Hòa Bình, ông Trường mong muốn hợp tác phát triển du lịch với Ấn Độ trong trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước; phối hợp triển khai tổ chức các sự kiện du lịch.

Tỉnh cùng với Đại sứ quán Ấn Độ sẽ vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia các sự kiện du lịch, các hội nghị, hội thảo về du lịch, lễ hội lớn do Hòa Bình và Ấn Độ tổ chức.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với INCHAM tổ chức đoàn Famtrip đến các điểm đến của Hòa Bình để mời các doanh nghiệp Ấn Độ đến khảo sát xây dựng chương trình du lịch.

Ngoài thế mạnh hợp tác du lịch, ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh rằng Hòa Bình và Ấn Độ còn có nhiều cơ hội hợp tác phát triển nông nghiệp.

Hòa Bình có khả năng xuất khẩu sang Ấn Độ các sản phẩm thế mạnh như: hoa quả, nông sản, sản phẩm từ gỗ, ván ép; sản phẩm dược liệu chế biến… Nhiều sản phẩm của tỉnh đã có mặt tại các thị trường lớn như: Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á…

Đặc biệt, ông Yến nhấn mạnh tới ba mặt hàng tiềm năng của Hòa Bình đang có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ, đó là bưởi, cam, mía. Hòa Bình có nhu cầu hợp tác, mời gọi đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến nước mía nguyên chất đóng lon, nước ép bưởi và cam; chưng cất tinh dầu bưởi...

ĐỀ XUẤT HỢP TÁC XÂY DỰNG NHÀ MÁY SẢN XUẤT THUỐC ĐẠT TIÊU CHUẨN PIC/S-GMP HOẶC EU-GMP

Ấn Độ là một trong các nước hàng đầu cung cấp thuốc generic và nguyên liệu làm thuốc là hóa dược sử dụng tại Việt Nam. Sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ chiếm tỉ trọng lớn trong các mặt hàng dược phẩm đang lưu hành tại Việt Nam. Bà Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết tỉnh mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành y dược Ấn Độ để tận dụng những lợi thế sẵn có của tỉnh.

Nhắc lại chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7- 1/8/2024, bà Hằng cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp dược Ấn Độ và mời đến Việt Nam thăm, làm việc, thảo luận về các lĩnh vực hợp tác. Đây chính là nền tảng để thắt chặt hơn nữa việc hợp tác y dược nói chung và y dược cổ truyền nói riêng giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trên cơ sở thỏa thuận định hướng hợp tác chính phủ giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, bà Hằng đề xuất hợp tác với các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP hoặc EU-GMP tại tỉnh Hòa Bình.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình, là tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông đi lại thuận tiện nên tỉnh Hòa Bình dễ có nguồn nhân lực dược cao cấp, có thị trường đầu ra cũng như đầu mối để xuất khẩu.

Hòa Bình cũng là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc. Hơn nữa trong 6 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Bộ chưa có nhà máy sản xuất thuốc hóa dược đáp ứng tiêu chuẩn GMP, do đó, xây dựng nhà máy sản xuất tại tỉnh Hòa Bình là rất phù hợp.

Mặt khác, tỉnh đã có các Khu công nghiệp ở thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn… cách Hà Nội 30-60 km nên việc đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm rất phù hợp. Đầu tư nhà máy dược đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, không ô nhiễm, không tốn quá nhiều quỹ đất.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa bình chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu Ấn Độ đến tham dự hội nghị Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa bình chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu Ấn Độ đến tham dự hội nghị Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, khẳng định: "Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững của các nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cam kết mạnh mẽ không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, tối giản hóa thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Ấn Độ tạo đột phá thành công, phát triển lâu dài trên mảnh đất Hòa Bình".

Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư và các cuộc gặp gỡ, thảo luận với các đối tác Ấn Độ, Hòa Bình mong muốn tận dụng những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Ấn Độ để thúc đẩy kinh tế địa phương, đặc biệt là các dự án công nghệ cao.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoa-binh-cam-ket-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-an-do.htm
Zalo