Hỗ trợ việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù, cai nghiện

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định chính sách hỗ trợ việc làm đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Sáng 7/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, dự thảo luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

Làm rõ đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung từ các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 8, Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 7, bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị, cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng người lao động nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan; đặc biệt là đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu cho biết, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức (buôn bán nhỏ lẻ, lao động gia đình không trả lương, thợ thủ công cá thể,...) và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến (như tài xế công nghệ, giao hàng công nghệ, người làm việc tự do online).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định các tiêu chí nhận diện linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc, như: xác nhận của tổ dân phố, tổ chức đoàn thể; hay căn cứ vào hồ sơ hoạt động nghề nghiệp như lịch sử giao dịch, hợp đồng dịch vụ với nền tảng số..; hoặc dựa trên kê khai trung thực và kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan chức năng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Cũng về nội dung này, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn; hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định.

Bảo mật dữ liệu cá nhân của người lao động

Phát biểu về quyền riêng tư dữ liệu, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) kiến nghị bổ sung quy định mới: “Tổ chức quản lý hệ thống thông tin thị trường lao động có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người lao động theo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Người lao động có quyền tra cứu, yêu cầu chỉnh sửa, hoặc rút lại thông tin cá nhân trong hệ thống dữ liệu thị trường lao động”. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh cần thiết lập quy chế phân quyền truy cập dữ liệu, tránh việc tổ chức môi giới việc làm tư nhân hoặc các tổ chức thương mại khai thác thông tin trái phép.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại hội trường.

Nói về bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng: “Bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ”. Đại biểu đề nghị cán bộ công chức có thể thất nghiệp khi tinh gọn bộ máy cần được bảo hiểm hỗ trợ, đồng thời kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi bộ máy công vụ do tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ho-tro-viec-lam-doi-voi-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-cai-nghien-i767541/
Zalo