Hỗ trợ trực tiếp cho học sinh sẽ bảo đảm công bằng
Thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí cần theo hình thức hỗ trợ trực tiếp cho học sinh sẽ bảo đảm tính công bằng giữa học ở công lập và dân lập, tư thục.
Người dân và cử tri rất ủng hộ việc miễn, hỗ trợ học phí
Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương), các đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự thảo luận tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
“Việc ban hành các Nghị quyết này được người dân, cử tri cả nước rất ủng hộ, đồng tình, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội”, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nhấn mạnh.
Cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và thể hiện tính ưu việt về chăm lo cho thế hệ tương lai của dân tộc.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
Đại biểu cũng khẳng định, trong thời gian qua, các địa phương cơ bản đã khắc phục được những hạn chế như tình trạng có những nhóm trẻ mầm non không đảm bảo điều kiện chăm sóc; trẻ em mầm non chịu cảnh bạo hành, điều kiện học tập không tốt; từ người quản lý, người trực tiếp giảng dạy chưa được bồi dưỡng...
Liên quan đến chính sách miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu hình thức hỗ trợ để đảm bảo tính công bằng. Hiện nay dự thảo Nghị quyết đang đề xuất hỗ trợ đến cơ sở giáo dục đào tạo (không phân biệt trường công lập hay tư thục) hoặc hình thức hỗ trợ trên đầu học sinh.
Đại biểu đề nghị, cần hướng đến việc hỗ trợ trực tiếp cho học sinh để bảo đảm tính công bằng giữa học ở công lập và dân lập, tư thục.
Theo thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh. Do đó, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện chính sách miễn học phí, hỗ trợ học phí là khoảng 30.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ lưu ý, dù chưa có quy định này thì hàng năm đã chi ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm để thực hiện các hình thức hỗ trợ học phí, nên chỉ phát sinh thêm khoảng 8.200 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn này có thể cân đối được.
Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu lưu ý, cần quan tâm bảo đảm nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trường lớp. Trong đó, việc thực hiện sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện sẽ có nhiều nguồn lực về cơ sở hạ tầng, trụ sở dôi dư. Với cơ sở hạ tầng này cần ưu tiên sử dụng cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... góp phần đáp ứng một phần về cơ sở hạ tầng.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
Có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích xã hội hóa
Về các nội dung cần được quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, tại điểm đ, khoản 2, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết cần mở rộng áp dụng chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở cụm công nghiệp, địa bàn phát triển đô thị, bên cạnh khu công nghiệp, khu chế xuất đã được quy định.
Khẳng định “giáo dục mầm non là khu vực dễ thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia nhất trong các bậc giáo dục”, đại biểu đề nghị, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích xã hội hóa, như các chính sách về thuế, đất đai, hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
Để hoàn thiện quy định tại dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị, tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định “xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia phổ cập giáo dục mầm non”, để bảo đảm hài hòa trách nhiệm giữa các bên.
Từ thực tế địa phương, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nhận thấy, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi chưa đầy đủ, chưa đúng với tất cả những khó khăn của giáo dục mầm non ở vùng cao.
Theo đại biểu, cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Việc tuyển dụng nhân viên, giáo viên cho những cơ sở này rất khó khăn, có những địa phương thiếu khoảng 200 giáo viên. “Ở vùng cao không có nguồn tuyển giáo viên, mà nhiều trường hợp tuyển được người cũng không giữ giáo viên gắn bó lâu dài với trường”.
Không chỉ khó tuyển giáo viên, có địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND để sử dụng tiền ngân sách của tỉnh hỗ trợ tiền ăn trưa với những trẻ không thuộc đối tượng hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 45 của Chính phủ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ phải có chính sách ưu đãi đặc thù trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng với nhân viên, giáo viên những cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng được mục tiêu đặt ra. “Quy định các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện trong dự thảo Nghị quyết là chưa rõ, chưa đầy đủ, phải có những chính sách ưu đãi đặc thù cho khu vực miền núi, bãi ngang, hải đảo mới có thể thực hiện các mục tiêu đặt ra với giáo dục mầm non nói riêng, giáo dục phổ thông được hai dự thảo Nghị quyết đặt ra”, đại biểu đề nghị.