Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia tăng giá trị. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả.

Nhờ được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, nông dân thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) trồng rau su su theo hướng thâm canh và theo quy trình VietGAP hiệu quả.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, quyết định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ giống lúa chất lượng cho người trồng lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2020; 2020-2025; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025... Nhờ đó tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gia tăng giá trị ổn định và bền vững.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2024, tỉnh đã dành hơn 207 tỷ đồng để hỗ trợ cấp phát hơn 3.411 tấn lúa giống các loại phục vụ hơn 68,2 nghìn ha gieo cấy, gồm BC15, TBR225, ADI28, ADI168, DQ11, DT39 Quế Lâm, Tân ưu 98….
Riêng năm 2024, tỉnh hỗ trợ hơn 805 tấn giống lúa mới các loại (Tân ưu98, TBR225, ADI168, Hương cốm 4, DT39 Quế Lâm; AID28, Tân Bình) trên hơn 16 nghìn ha; triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới, sản xuất lúa hữu cơ bằng giống DT39 Quế Lâm của Tập đoàn Quế Lâm. Nhờ vậy, mặc dù diện tích đất trồng lúa giảm hằng năm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng năng suất, sản lượng lúa vẫn tăng đều hằng năm.
Nếu như năm 2020, năng suất lúa trung bình đạt hơn 58,1 tạ/ha thì đến năm 2023 đạt 59,82 tạ/ha; riêng năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 đạt hơn 62,4 tạ/ha. Sản lượng lương thực năm 2023 đạt 257 nghìn tấn, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (đến năm 2030, sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt hơn 252 nghìn tấn thóc).
Đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt 77% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh (tăng 0,7% so với năm 2020). Hiệu quả kinh tế trung bình tăng thêm từ 3-6 triệu đồng/ha; có diện tích tăng 6 - 8 triệu đồng/ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, giai đoạn 2020-2024, tỉnh đã hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cúm cho hơn 28 triệu con gia cầm; tiêm vắc xin phòng dịch lở mồm long móng cho gần 550 nghìn lượt con trâu, bò; tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho 269,6 nghìn lượt con trâu, bò; tiêm vắc xin lở mồm long móng cho hơn 385,3 nghìn lượt lợn đực, lợn nái giống; tiêm vắc xin phòng dịch tả cho gần 211,8 nghìn con lợn; tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh 384,3 nghìn lượt con lợn; sử dụng hơn 43 nghìn lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi cho hơn 857,7 nghìn lượt hộ.
Hỗ trợ hơn 1,8 triệu con cá chép lai, hơn 1,2 triệu con cá trắm cỏ và 3,42 triệu con cá rô phi đơn tính trên diện tích 535 ha cho 437 hộ; hỗ trợ 6 nghìn con cá tầm, gần 6.700 con cá nheo Mỹ, 22 nghìn con cá trắm cỏ, 1 nghìn con cá trắm đen và 64 nghìn con ếch Thái Lan trên thể tích 6.400 m3 cho 15 lượt hộ trên địa bàn 5 huyện, thành phố: Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên, Tam Đảo, Yên Lạc…
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hơn 3.100 mô hình, vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả như: Vùng rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch; chăn nuôi ở Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo; mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn, rau quả sạch.
Trong đó, đã có một số sản phẩm tạo dựng được thương hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu như thanh long ruột đỏ, trà hoa vàng, ớt, chuối tiêu hồng… Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với cơ chế, chính sách đúng hướng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, liên tục tăng trưởng qua các năm với giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích liên tục tăng.
Ngành trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh, tạo bước phát triển mới cho ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị bền vững, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2024, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 337,2 nghìn tấn, đạt mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 - 2025 đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt hơn 11.790 tỷ đồng, tăng 1,58% so với năm 2023. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ Nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp.
Báo cáo đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh và Quyết định số 07 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 khẳng định: Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh đảm bảo hiệu quả hơn nữa.
Theo đó, tiếp tục nghiên cứu lựa chọn, ban hành danh mục các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi cây trồng, vật nuôi. Rà soát, tổng hợp đánh giá lại các hạn chế, điều chỉnh phù hợp với sản xuất trong tình hình mới, phát triển ngành Nông nghiệp hiệu quả, bền vững.