Hỗ trợ phát triển bền vững thị trường cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) thủ công mỹ nghệ đang gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Vì vậy, các ngành và địa phương đang nỗ lực hỗ trợ DN gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để phát triển bền vững.

Tăng giá trị sản phẩm

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết: các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình, mô hình quản lý theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng, dễ chịu tác động bởi thị trường.

Họa sĩ Hoài Hương bên tác phẩm gốm sứ tại trại sáng tác gốm sứ năm 2024

Phân tích sâu hơn về các khó khăn nội tại đối với thị trường xuất khẩu, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương chia sẻ, số cơ sở sản xuất gốm sứ tại tỉnh đã giảm tới 70 - 80% so với thời kỳ phát triển hoàng kim, số lao động trong mỗi cơ sở cũng giảm đáng kể. Các cơ sở sản xuất đang đối mặt với bài toán khó cả về thị trường tiêu thụ, lao động và nguyên liệu sản xuất. Thêm vào đó, giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, chi phí sản xuất tăng và nhu cầu thị trường thấp khiến doanh số mặt hàng gốm sứ tại nhiều cơ sở đang giảm 50% so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, ông Vương Siêu Tín cũng kỳ vọng nhu cầu thị trường có thể sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, song cần có giải pháp căn cơ về nguồn lao động cũng như nguyên liệu sản xuất lâu dài. Có như vậy, ngành gốm sứ Bình Dương mới có thể duy trì và cạnh tranh được trên thị trường.

“Ngành gốm sứ đang đứng trước nhiều thách thức như: thiếu liên kết ngành trong tổ chức sản xuất, thiếu sự liên kết giữa các hiệp hội dẫn đến phân tán nguồn lực, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng lao động và không gian trong các hộ gia đình là chủ yếu. Trước khó khăn này, các DN gốm sứ chúng tôi mong muốn tỉnh, địa phương trong quy hoạch ưu tiên phát triển phù hợp với ngành nghề trong thời gian tới. Đồng thời, khi xây dựng các cụm công nghiệp chuyên ngành cần có tính kết nối chuỗi giá trị sản xuất. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp địa phương…”, ông Vương Siêu Tín nói.

Theo họa sĩ Hoài Hương, người gợi mở và tâm đắc nhiều với nội thất gốm sứ cho biết: đã đến lúc cần nắm bắt ý kiến của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu về thẩm mỹ, về tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống, hướng tới các đối tượng cụ thể trên thị trường.

Lãnh đạo ngành Công thương tham quan gian hàng triển lãm sơn mài Bình Dương

Chị Huỳnh Thị Kim Tuyến, giám đốc công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc (Tân Uyên) cho biết: sau 26 năm hoạt động, sản phẩm mây tre đan Thành Lộc đang ngày phát triển mạnh, trở thành thương hiệu quen thuộc, được sử dụng trang trí các không gian nội thất mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Sản phẩm mây tre đan Thành Lộc được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Nga.

“Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, người làm nghề ở đây đã sản xuất ra nhiều loại đồ mây tre đan đơn giản, mộc mạc đậm chất làng quê. Niềm đam mê và tình yêu với nghề truyền thống đã được thể hiện trên từng sản phẩm của những người thợ làm nghề. Mây tre đan là mặt hàng đang rất phát triển, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Để đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng, các sản phẩm luôn được công ty cách điệu, nhất là giỏ, túi xách, khay và các mặt hàng trang trí nội thất khác. Công ty luôn đòi hỏi sự sáng tạo liên tục, tạo ra các sản phẩm mẫu mã đa dạng, chủng loại, chú trọng sản xuất xanh với nguyên liệu được chọn kỹ càng; khâu chế biến đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ của người thợ theo hướng “handmade”, sử dụng chất liệu tái chế, phù hợp với việc sản xuất gắn với tiêu dùng xanh..”, chị Huỳnh Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Hỗ trợ phát triển thị trường

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, đối với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, có tính độc đáo và cá nhân hóa, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Một xu hướng đang chú ý là mua sắm trực tuyến và quốc tế hóa thị trường. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề vươn xa ra khỏi làng, biên giới quốc gia và tiếp cận với khách hàng toàn cầu. Đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các các cấp, chúng tôi khuyến khích các sản phẩm độc đáo, gắn với xu hướng sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.

Sản phẩm mỹ nghệ dự thi chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

“Sở công thương hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh cũng như tạo điều kiện để đưa các sản phẩm lên những nền tảng thương mại trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội cũng như là xu hướng chung mà các đơn vị cần nắm bắt. Để khai thác được thị trường hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh, các cơ sở sản xuất phải đảm bảo việc thực hành sản xuất bền vững, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, xây dựng được câu chuyện hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm.”, Bà Phan Thị Khánh Duyên nhấn mạnh.

Đối với ngành nghề sơn mài, hiện nay tỉnh đang triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một" để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, hỗ trợ các đơn vị sản xuất ngành nghề. Trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, để chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy giá trị; chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học để đào tạo nguồn nhân lực.

Tiểu My - Cẩm Tú

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ho-tro-phat-trien-ben-vung-thi-truong-cho-san-pham-thu-cong-my-nghe-a333880.html
Zalo