Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vụ cuối năm
Còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đây là thời điểm nhiều nông sản, thực phẩm vào vụ thu hoạch chính. Để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã kết nối khâu tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động liên kết với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng.
Đẩy mạnh kết nối sản xuất - tiêu thụ
- Trước hết, bà có thể cho biết nhu cầu, khả năng đáp ứng nông, lâm, thủy sản thiết yếu của Hà Nội hiện nay như thế nào?
- Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân sinh sống, làm việc, học tập cùng hàng triệu du khách trong nước, quốc tế tham quan, làm việc mỗi năm…, nên nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố là rất lớn. Theo thống kê, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông, lâm, thủy sản thiết yếu của thành phố Hà Nội như sau: Gạo khoảng 99,45 nghìn tấn/tháng; thịt lợn khoảng 19,89 nghìn tấn hơi/tháng; thịt gà, vịt khoảng 6,63 nghìn tấn/tháng; thủy, hải sản tươi đông lạnh khoảng 5,52 nghìn tấn/tháng; thực phẩm chế biến khoảng 5,52 nghìn tấn/tháng; rau, củ khoảng 110,5 nghìn tấn/tháng; trứng gia cầm khoảng 132 triệu quả/tháng.
Với khả năng tự sản xuất, việc cung ứng nông, lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt (cá); nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20-70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô và khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị của Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố, một phần nhập khẩu.
- Vậy, hạ tầng thương mại, hệ thống kênh phân phối nông sản khi vào vụ thu hoạch, đặc biệt là thị trường cuối năm như thế nào, thưa bà?
- Hiện về phân phối hàng hóa, thành phố có 29 hệ thống trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai); 5 chợ có tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ Hà Vỹ…); 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; hơn 400 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…).
Nhìn chung, nông sản, thực phẩm khi vào vụ thu hoạch được phân phối, tiêu thụ qua 4 kênh chính. Ở chợ truyền thống, các mặt hàng thiết yếu được thương lái thu mua, tập kết, tiêu thụ tại chợ đầu mối và tính chất đầu mối, sau đó phân phối tới chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh, các bếp ăn tập thể… Còn tại kênh bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng tích cực khai thác. Cuối cùng là tiêu thụ qua các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, mô hình được thành lập trên cơ sở đơn vị sản xuất với hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn được chứng nhận, tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm.
- Để hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, Hà Nội có hoạt động gì, thưa bà?
- Năm 2024, nhiều hoạt động kết nối giao thương được Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố triển khai với hơn 50 sự kiện, chương trình, như: Hội nghị, diễn đàn, hội chợ, festival, tuần lễ kết nối, giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. Cụ thể, thành phố tổ chức Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn, quy mô khoảng 7.000m2 với 100 gian hàng; Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 tại huyện Thanh Oai với hơn 1.000 sản phẩm. Hội chợ có sự tham gia của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cùng 22 tỉnh, thành phố trong nước và hàng nghìn lượt người tham quan, mua sắm…
Bên cạnh đó, Hà Nội còn tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn thành phố năm 2024 tại quận Hà Đông; Tuần hàng/phiên chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024 với quy mô 50 gian hàng, có sự tham gia của 45 tỉnh, thành phố với hơn 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn. Các tuần hàng trưng bày hơn 1.000 loại nông, lâm, thủy sản chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, thu hút hơn 10.000 lượt khách hàng tham quan, mua sắm.
Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức hội nghị quảng bá, kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; Hội nghị kết nối trực tiếp nông, lâm, thủy sản giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của thành phố với cơ sở, hợp tác xã thuộc các tỉnh: Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Ninh Bình. Ngành Nông nghiệp còn tham gia hội chợ tổ chức tại Australia, Thụy Điển… để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, nhằm đưa nông sản an toàn của Hà Nội ra thị trường thế giới… Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm sản của Hà Nội đạt 2,024 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm là 1,3 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hình thành các chuỗi cung ứng bền vững
- Như vậy, ngoài đẩy mạnh kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong khâu sản xuất, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân ra sao, thưa bà?
- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng loạt giải pháp về dự báo thị trường; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với UBND các huyện, thị xã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số. Đến nay, thành phố có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn với 170 chuỗi; đã xây dựng được 1 chỉ dẫn địa lý (bưởi La Tinh, Hoài Đức) và hơn 100 nhãn hiệu tập thể, chứng nhận cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bảo hộ...
Cùng với đó, ngành hỗ trợ, khuyến khích chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn).
Hiện trên địa bàn thành phố có 11.510 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; trong đó có hơn 1.700 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản với chủng loại phong phú, đa dạng. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp phát triển, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở ứng dụng công nghệ cao, khoa học, công nghệ, xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sơ chế, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm chế biến. Đến nay, 72% cơ sở có quy trình sản xuất tự động, bán tự động (tăng 12% so với năm 2020); 27% doanh nghiệp sơ chế, chế biến áp dụng chương trình quản lý theo GMP, ISO 22000, HACCP... (tăng trên 17% so với năm 2020).
- Theo bà, giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của ngành Nông nghiệp Hà Nội là gì?
- Ngành Nông nghiệp Hà Nội luôn quan tâm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể; kết nối hệ thống tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời thông tin đến các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về diễn biến thị trường nông sản trong và ngoài nước; nhu cầu nhập khẩu và thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam để có giải pháp tổ chức sản xuất; kịp thời hướng dẫn nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản theo nhu cầu thị trường; tăng cường tư vấn, hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu quốc gia, quốc tế…
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn phối hợp với một số tỉnh, thành phố có lượng lớn nông sản đưa về Hà Nội để kết nối trực tiếp giữa các vùng sản xuất nông nghiệp với cơ sở chế biến, kinh doanh, hệ thống phân phối thực phẩm của Hà Nội, hình thành các chuỗi cung ứng bền vững. Ngành đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn của các tỉnh, thành phố tại thành phố Hà Nội; phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố tại hệ thống phân phối, sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản…
- Trân trọng cảm ơn bà!