Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống

Các trợ giúp về chính sách, y tế, giáo dục nghề nghiệp, sinh kế… đã góp phần hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vươn lên trong cuộc sống.

Cơ sở sản xuất chổi đót tại nhà tạo việc làm, thu nhập ổn định cho anh Lê Cương và nhiều người cùng cảnh ngộ ở địa phương. Ảnh: N.V.

Cơ sở sản xuất chổi đót tại nhà tạo việc làm, thu nhập ổn định cho anh Lê Cương và nhiều người cùng cảnh ngộ ở địa phương. Ảnh: N.V.

Vượt qua khó khăn của một người bị khiếm thị, với số vốn khởi điểm 50 triệu đồng, năm 2018, anh Lê Cương (34 tuổi, trú tại thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã thành lập cơ sở sản xuất chổi đót tại nhà để tạo công ăn việc làm cho cá nhân và cho những người cùng cảnh ngộ trên địa bàn.

Ông Lê Tư (55 tuổi, bố của anh Lê Cương) cho biết, trước đó, anh Cương đã học nghề này từ Hội người mù ở địa phương. Đến nay, với việc làm chổi đót và bấm huyệt tại nhà, anh Cương đã có thu nhập tương đối ổn định, tự trang trải cuộc sống của mình. “Công việc của Cương giờ cũng tạm ổn rồi. Cương cũng đã lập gia đình. Giờ hằng ngày tôi ở nhà hỗ trợ công việc cho con và đưa đón cháu (con của anh Cương) đi học. Vợ chồng tôi đã an tâm hơn rất nhiều” - ông Tư tâm sự.

Về dự định trong thời gian tới, anh Cương bày tỏ mong muốn, sẽ được các đơn vị liên quan quan tâm, tạo điều kiện vay vốn để mở rộng cơ sở sản xuất chổi đót của mình.

Bà Võ Thị Thúy - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội xã Triệu Long cho biết thêm, bản thân anh Cương đã tốt nghiệp đại học. Theo đó, với trình độ học vấn và ý chí vươn lên, anh Cương được tổ chức tin tưởng bầu là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội xã Triệu Long, giao phụ trách mảng người khiếm thị.

Theo bà Thúy, người khuyết tật trên địa bàn đều có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ cần sự quan tâm, sẻ chia của những nhà hảo tâm, các dự án để tập trung cho họ phát triển sinh kế. Họ cần được trang bị kiến thức phù hợp với mức độ, dạng khuyết tật để phát triển kinh tế, cần được hỗ trợ “cần câu” để tự nuôi sống bản thân.

Ông Trần Đức Nhu - Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong cho hay, tính đến tháng 12/2024, toàn huyện có 3.567 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định. Hiện, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện đang triển khai công tác hỗ trợ người khuyết tật theo quy định, kế hoạch hiện hành, trong đó, tập trung vào 2 vấn đề trọng tâm, gồm: hỗ trợ để người khuyết tật có thể sống độc lập và phát triển sinh kế cho nhóm đối tượng này.

Cụ thể, hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập sẽ mang đến hiệu quả lâu dài, giúp họ xóa bỏ tâm lý tự ti, vươn lên và khẳng định vị trí, đóng góp trong xã hội. Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong đang sử dụng mọi nguồn lực từ các chương trình để xây dựng các công trình, trang bị các thiết bị, phương tiện… hỗ trợ cá nhân cho người khuyết tật. Đối với vấn đề hỗ trợ sinh kế, định kỳ hàng tháng, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách trên địa bàn tổ chức trao đổi, hướng dẫn trực tiếp cho người khuyết tật tại các xã theo định kỳ.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có trên 31.000 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, toàn tỉnh hiện có, 84 trẻ em khuyết tật đi nhà trẻ, mẫu giáo, 597 trẻ khuyết tật học tiểu học, 342 trẻ khuyết tật học trung học cơ sở, 106 trẻ khuyết tật học trung học phổ thông, 131 trẻ khuyết tật học trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Thực hiện trợ giúp người khuyết tật về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, năm 2024, các cơ sở xoa bóp, cơ sở sản xuất tập trung do Hội Người mù tỉnh Quảng Trị quản lý đạt doanh thu hơn 3,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 194 lao động là hội viên, người mù, bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, Hội Người mù ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên điều tra, khảo sát đề xuất để giải quyết các chế độ chính sách xã hội và mở các lớp dạy nghề cho hội viên… giúp tỷ lệ hộ nghèo là hội viên Hội người mù giảm từ 15,99% còn lại 13,78% (364/2.641 hội viên).

Năm 2024, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị đã tích cực vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ. Ước tính, quỹ Hội nhận được hơn 18 tỷ đồng (cao hơn năm 2023) và đã bảo trợ cho 25.864 lượt người.

NGHĨA VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ho-tro-nguoi-khuyet-tat-vuon-len-trong-cuoc-song-10297138.html
Zalo