Hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đáp ứng các chính sách xanh của EU
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới từ các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu (EU).
Thách thức từ các chính cách xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 17/CĐ-TTg, yêu cầu các cơ quan và doanh nghiệp tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững nhằm đáp ứng các yêu cầu của chính sách xanh từ EU.
Công điện nêu rõ, những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU đã được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế bền vững. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm trước. Đáng chú ý, Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao khi hợp tác với EU.
Nhờ tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh. Điều này kéo theo thu nhập của hàng chục triệu lao động trong chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Thỏa thuận Xanh nhằm giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Thỏa thuận này bao gồm các chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động với các quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, việc chủ động chuyển đổi xanh đồng bộ và toàn diện mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, giúp nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững.
Bởi vậy, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó và đáp ứng các chính sách xanh của EU là hết sức cấp thiết.

Doanh nghiệp đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU.
Hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi xanh
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các doanh nghiệp tích cực tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương tăng cường xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp với các cam kết, quy định và tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Cần tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu để đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Song song đó, cần tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu tái chế và năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm để nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm. Cần đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm và kiểm kê phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn và quy định xanh của Liên minh Châu Âu.
Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên liệu, nhiên liệu mới, tái chế và tái tạo, cũng như các hóa chất xanh và thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững.
Công điện cũng yêu cầu xây dựng và hỗ trợ các hoạt động chứng nhận và dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững để đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế. Cần thúc đẩy xúc tiến thương mại và tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững và các sản phẩm được dán nhãn sinh thái. Đẩy mạnh liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và đào tạo phổ biến các quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hiện quản trị môi trường xã hội để đáp ứng yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính, các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo thông tin sản phẩm xanh, bền vững và hữu cơ, cũng như các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số.
Cần rà soát và nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh Châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, công điện yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ và hết hạn sử dụng, cũng như các quy định nhằm hạn chế và loại bỏ chất thải độc hại trong sản phẩm thuộc các lĩnh vực chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các chính sách và quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR. Thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Công điện cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật gắn yếu tố xanh, tuần hoàn và bền vững để đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, cần chú trọng xây dựng và triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới ứng dụng các công nghệ. Sử dụng nguyên nhiên liệu mới, tái chế và tái tạo để góp phần thúc đẩy việc thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cần ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Cần nghiên cứu và đánh giá các công cụ tài chính xanh của EU để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, thực hành sản xuất kinh doanh bền vững và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và quy định chính sách xanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng chủ động cập nhật và nắm bắt thông tin về nhu cầu thị trường, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu để đề xuất các biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, cần tổ chức phổ biến và cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các quy định chính sách xanh của EU.
Các tập đoàn và tổng công ty cần chú trọng xây dựng tiêu chí và nội dung về phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Hợp tác với các bộ ngành và địa phương để xây dựng và triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường và các quy định pháp luật hiện hành.
Cần chủ động lựa chọn và sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và thân thiện với môi trường. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế và năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải và hóa chất độc hại phát sinh để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ trong việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững, quản trị môi trường xã hội đáp ứng các yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính và các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo thông tin sản phẩm.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động đáp ứng các chính sách xanh của EU để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.