Hỗ trợ hơn 10.000 người dân khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn tiếp cận nước sạch
Hơn 10.000 người, đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương tại Ninh Thuận và Cà Mau đã cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và sinh kế thông qua dự án do UN Women và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Lãnh đạo UN Women và Đại sứ quán Nhật Bản thăm các hộ dân hưởng lợi từ dự án tại Ninh Thuận. (Ảnh: UN Women)
Dưới sự điều phối của UN Women, tài trợ của Chính phủ Nhật Bản và được thực hiện bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau và Ninh Thuận, trong một năm 2024-2025, dự án “Nước là sự sống” đã cung cấp thiết bị nước thiết yếu cho hơn 1.500 phụ nữ, 10 trường học và trạm y tế, mang lại lợi ích cho hơn 10.000 người dân. Sáng kiến này cũng giúp nâng cao năng lực cho 60 cộng đồng địa phương, giúp họ chủ động ứng phó với tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngoài ra, dự án “Nước là sự sống” còn thúc đẩy các biện pháp bền vững nhằm bảo vệ sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tại lễ bế mạc dự án “Nước là sự sống” ở Ninh Thuận ngày 20/2, các hộ hưởng lợi từ dự án, lãnh đạo địa phương, đại diện UN Women, Đại sứ quán Nhật Bản và Hội Liên Hiệp Phụ nữ đã cùng nhau ghi nhận những thành tựu và bài học kinh nghiệm của sáng kiến này.
Chị Tô Thị Như Ngà, người hưởng lợi tại Thuận Nam, Ninh Thuận cho biết: “Nhờ sáng kiến này, chúng tôi đã có thể lắp đặt thêm hệ thống đường ống nước và tưới nhỏ giọt, đảm bảo nguồn nước ổn định cho vườn rau và cây ăn quả.”
Nhấn mạnh những lợi ích lâu dài của dự án, ông Sasaki Shohei, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản chia sẻ: “Năm nay thế giới cùng kỷ niệm 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Dự án ‘Nước là sự sống’ là một mô hình rất có ý nghĩa trong việc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.”

Chị Tô Thị Như Ngà (Ninh Thuận) chăm sóc vườn cây ăn quả được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt. (Ảnh: UN Women)
Trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu do vai trò của họ trong việc đảm bảo thực phẩm, nước và năng lượng. Theo UN Women, 80% hộ gia đình không có nước máy phải dựa vào phụ nữ và trẻ em gái để thu gom nước, khiến họ đối mặt với nguy cơ sức khỏe và bạo lực trên cơ sở giới. Tại Việt Nam, thiên tai do biến đổi khí hậu đang gia tăng, với 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn và hơn 1,5 triệu người thiếu nước hàng năm. Phụ nữ, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, là một trong những đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Bằng cách đảm bảo nguồn nước ổn định, dự án “Nước là sự sống” giúp nâng cao khả năng thích ứng của phụ nữ dễ bị tổn thương (nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, mắc bệnh hiểm nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 18 tháng....) , giúp họ ổn định sinh kế và hỗ trợ gia đình. Dự án đã phân phối bồn chứa nước chất lượng, hệ thống lọc nước và thiết bị tưới tiêu tiết kiệm nước đồng thời thúc đẩy các phương pháp quản lý nước bền vững.
Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động tiếp theo: “Tình trạng khan hiếm nước, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, các giải pháp được phát triển thông qua sáng kiến dự án “Nước là sự sống” sẽ tạo nền tảng vững chắc để mở rộng những can thiệp tương tự tại các khu vực dễ bị tổn thương khác”./.