Hỗ trợ học sinh cuối cấp

Dù chưa biết sẽ xoay xở kinh phí chi trả cho giáo viên ra sao khi thực hiện Thông tư 29, nhưng đa số các trường ở Hải Dương đều duy trì việc ôn tập cho học sinh cuối cấp.

Đa số giáo viên ở Hải Dương đang tự nguyện dạy miễn phí ôn thi cho học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12

Đa số giáo viên ở Hải Dương đang tự nguyện dạy miễn phí ôn thi cho học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12

Không bỏ rơi

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được áp dụng ngay trong học kỳ II năm học 2024 - 2025, trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 THPT đang đến gần càng gây nhiều lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Đặc biệt, các trung tâm dạy thêm cũng chưa thể đáp ứng được ngay nhu cầu của học sinh. Mặt khác, các em đã quen với cách giảng dạy, ôn luyện của thầy cô ở trường. Nếu ra trung tâm học cũng chưa biết chất lượng sẽ thế nào, quản lý ra sao, thậm chí là kinh phí sẽ tăng lên.

Để học sinh, phụ huynh không phải lo lắng, các trường THCS và THPT trong tỉnh đã tuyên truyền, động viên tập thể cán bộ, giáo viên đồng thuận tiếp tục duy trì việc ôn tập cho học sinh cuối cấp với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Cũng như đa số các trường THCS khác trong tỉnh, sau khi Thông tư 29 ban hành, Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng) tiếp tục duy trì việc ôn tập cho học sinh lớp 9. Thầy giáo Nguyễn Thành Đức, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường hiện có hơn 600 học sinh, trong đó có hơn 170 em lớp 9. Để không gián đoạn việc ôn luyện của các em, trường đã sớm họp bàn, thống nhất chủ trương trong hội đồng sư phạm, động viên giáo viên ôn thi miễn phí cho các em.

“Thời gian qua, giáo viên chưa định hình rõ giới hạn kiến thức do hướng dẫn phạm vi kiến thức thi vào lớp 10 THPT của tỉnh hơi muộn. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên học sinh thi theo chương trình mới. Kỳ thi vào lớp 10 được cho là cam go hơn cả đại học. Trong khi thời lượng ôn thi theo Thông tư 29 quy định lại giảm hơn trước. Những điều này khiến cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều lo lắng. Vì vậy, việc ôn tập liên tục cho các em là cần thiết, thời gian không còn nhiều. Trước mắt tất cả giáo viên sẽ dạy trên tinh thần trách nhiệm cao nhất vì học trò của mình”, thầy Đức nói.

Tương tự, Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh) cũng không làm xáo trộn việc ôn tập của học sinh lớp 12. Theo đó, sau khi có Thông tư 29, trường xây dựng lại kế hoạch giáo dục bảo đảm đúng quy định. Việc ôn thi tốt nghiệp THPT vẫn được trường duy trì bình thường.

Một tiết ôn tập cho học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng)

Một tiết ôn tập cho học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng)

Thầy giáo Phạm Bá Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Bến Tắm cho biết đây là trường vùng sâu vùng xa của tỉnh với khoảng 11% số học sinh là dân tộc thiểu số. Trong 317 em lớp 12 thì có tới 9,8% số học sinh dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những năm gần đây, chất lượng thi tốt nghiệp THPT của trường đã từng bước tăng bậc trên bảng xếp hạng toàn tỉnh. Hằng năm có gần 100% số học sinh tốt nghiệp THPT. Để tiếp tục duy trì và phát triển, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của con em địa phương cũng như của đơn vị, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên luôn đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhất mục tiêu và nhiệm vụ từng năm học. Điều này tiếp tục được minh chứng khi tất cả giáo viên cùng đồng thuận dạy miễn phí ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Riêng học sinh lớp 10 và lớp 11, giáo viên từng bộ môn cũng quan tâm hỗ trợ thường xuyên, giao bài tập về nhà và có kiểm tra đánh giá để nâng cao tinh thần tự học của các em.

“Kỳ thi đang đến gần, nếu không tổ chức ôn thi cho các em, chúng tôi cảm thấy bất an và có lỗi với học trò”, thầy Huy nói.

Khó duy trì lâu dài

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ ngày 14/2/2025 chỉ có 3 đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học, trong đó có học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, thông tư mới quy định hoạt động dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Các trường phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi trả cho hoạt động này. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này các trường cũng chưa biết lấy từ đâu.

Nhiều hiệu trưởng các trường THPT, lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cũng đều băn khoăn thực tế là thầy cô luôn trách nhiệm, hết lòng vì học sinh nhưng “Có thực mới vực được đạo”. Không có kinh phí chi trả hoặc hỗ trợ giáo viên thì giải pháp trên cũng chỉ mang tính chất tạm thời, khó có thể lâu dài được. Tinh thần nhiệt huyết có lẽ sẽ khó có thể thăng hoa. Bởi ngân sách hằng năm và tiết kiệm chi của các trường chỉ đủ chi trả lương và đầu tư, sửa chữa nhỏ lẻ về cơ sở vật chất.

Một tiết ôn luyện của giáo viên và học sinh lớp 12 Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh)

Một tiết ôn luyện của giáo viên và học sinh lớp 12 Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh)

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết đã có văn bản chỉ đạo thực hiện Thông tư 29. Trong đó có đề nghị các trường tập trung tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12 bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

“Về kinh phí chi trả cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường đang là vấn đề khó khăn trong giai đoạn này. Trước mắt, các trường tuyên truyền, động viên thầy cô trách nhiệm vì học sinh. Sở sẽ phối hợp từng bước nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương”, ông Hưng nói.

Sau khi Thông tư 29 ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng đã sớm tham mưu trình dự thảo quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Hiện quy định trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp và sẽ sớm ban hành để triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Kết quả học tập của học sinh sẽ ảnh hưởng đến giáo viên

Ở bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, nhà giáo cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm của thầy cô giáo là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra. Với những học sinh còn đang yếu kém, đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho học sinh. Nếu mỗi thầy cô xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

Bởi lẽ thước đo lớn nhất của người thầy sẽ là chất lượng, kết quả giáo dục của mỗi học sinh, mỗi lớp, mỗi trường học. Kết quả của học sinh sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng chuyên môn của giáo viên đó. Kết quả nhìn thấy rõ nhất sẽ là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT sắp tới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà và Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Và hơn ai hết, trong giai đoạn khó khăn này, mỗi thầy cô nên thể hiện vai trò to lớn của mình đối với sự nghiệp trồng người, sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ông Lương Quang Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Chí Linh

Cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 phù hợp thực tiễn

Thông tư 29 ban hành đã được cả xã hội quan tâm, vì không chỉ liên quan đến nhà trường, giáo viên, mà còn cả học sinh, phụ huynh.

Ảnh hưởng lớn nhất trong giai đoạn này là học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12. Đây là lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trước sự đổi mới của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT. Trong khi các trường đang ổn định kế hoạch giáo dục, ôn tập cho học sinh cuối cấp thì Thông tư 29 không chỉ phần nào làm gián đoạn việc ôn tập mà ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Phụ huynh thì như ngồi trên “đống lửa” trong khi đang là giai đoạn nước rút của 2 kỳ thi quan trọng này.

Trong khi Thông tư 29 siết chặt việc dạy thêm ngoài nhà trường cùng với kinh phí chưa rõ ràng để hỗ trợ giáo viên dạy thêm trong nhà trường thì giáo viên dù dạy miễn phí và trách nhiệm đến mấy cũng khó có thể dốc hết trí lực.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, nhất là học sinh thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm học 2025 - 2026.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giáo viên THCS ở thị xã Kinh Môn

Phụ huynh nên chia sẻ trách nhiệm với giáo viên

Giáo viên đã trách nhiệm với học sinh cuối cấp dạy miễn phí, vậy phụ huynh cũng cần có trách nhiệm chia sẻ với họ trong giai đoạn khó khăn này.

Mỗi phụ huynh có thể hỗ trợ, cảm ơn giáo viên trên tinh thần tự nguyện, đặc biệt nêu cao tinh thần trách nhiệm của những gia đình phụ huynh có điều kiện kinh tế. Nhưng việc tự nguyện hỗ trợ giáo viên có đúng quy định hay không cũng là điều băn khoăn.

Theo tìm hiểu, để vận động tài trợ cho trường học, nhà trường phải thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó quy định rõ không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục...

Với dẫn chiếu quy định ở trên, nhà trường không thể vận động tài trợ để tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường học.

Để trường học được vận động những nhà tài trợ cho hoạt động giáo dục, dạy thêm, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng mở, hoặc sửa đổi Thông tư 16 phù hợp từng điều kiện, đối tượng cụ thể.

Anh Trần Văn Phong ở TP Hải Dương

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ho-tro-hoc-sinh-cuoi-cap-405492.html
Zalo