Hỗ trợ học phí cho HS ngoài công lập đảm bảo công bằng trong giáo dục
Lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập đánh giá cao chính sách hỗ trợ học phí tương đương với HS trường công lập, góp phần hướng tới mục tiêu bình đẳng giáo dục.
Chiều 25/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Dự kiến thời gian trình thông qua, ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV để áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.
Theo đó, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (Trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục: 1,9 nghìn tỷ đồng). Mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. [1]
Đảm bảo công bằng giữa các loại hình trường học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thúy Phương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Văn Lang (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận định, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được nhiều phụ huynh đánh giá là một việc hết sức thiết thực, thể hiện sự quan tâm kịp thời và toàn diện của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là với nhóm học sinh trường tư thục, dân lập.

Cô Nguyễn Thúy Phương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Văn Lang (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: nhân vật từng cung cấp
“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và nếu được triển khai hợp lý, chính sách sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo công bằng giữa các loại hình trường học, đồng thời tạo thêm động lực để các trường ngoài công lập nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đây, phần lớn các chính sách hỗ trợ học phí từ ngân sách Nhà nước chỉ áp dụng cho học sinh học tại các cơ sở công lập. Trong khi đó, các em theo học tại trường tư thục thường không được hưởng bất kỳ chế độ miễn, giảm hay hỗ trợ học phí. Điều này vô hình trung tạo ra một khoảng cách nhất định giữa học sinh ở hai hệ thống giáo dục. Trên thực tế, không phải gia đình nào cho con học tại trường tư cũng có điều kiện kinh tế tốt, bởi một số trường hợp vẫn còn khó khăn nhưng vì trường tư gần nhà hoặc vì lý do cá nhân khác nên quyết định lựa chọn môi trường học tập ngoài công lập. Do đó, việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ học phí cho cả học sinh trường ngoài công lập là cần thiết và đúng đắn”, cô Phương nêu quan điểm.
Theo cô Phương, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh mà còn thể hiện tinh thần bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Trong bối cảnh nhiều trường ngoài công lập đang nỗ lực khẳng định chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là một nguồn lực thiết thực, tiếp thêm niềm tin cho phụ huynh và học sinh.
“Về hình thức triển khai, tôi cho rằng, dù việc chuyển khoản hỗ trợ học phí thông qua nhà trường hay trực tiếp đến phụ huynh đều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, để chính sách đạt hiệu quả cao nhất, tôi đề xuất một số điểm cần lưu ý khi triển khai.
Thứ nhất, Nhà nước cần có hướng dẫn chi tiết, minh bạch về điều kiện hưởng hỗ trợ và quy trình xác nhận danh sách học sinh để tránh tình trạng sai sót hoặc lợi dụng chính sách.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nên có hệ thống kiểm tra, giám sát độc lập, đảm bảo khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không chỉ là một quyết định hợp tình, hợp lý mà còn là minh chứng cho tinh thần cải cách và tiến bộ trong quản lý giáo dục. Tôi tin rằng, với sự đồng thuận của xã hội, sự chủ động từ các trường học và sự điều hành sát sao từ cơ quan quản lý, chủ trương này sẽ thực sự đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu học sinh trên cả nước”, cô Phương bày tỏ.
Cùng bàn vấn đề này, thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh trường ngoài công lập là một bước đi đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đồng đều của Đảng, Nhà nước tới tất cả học sinh, không phân biệt công lập hay tư thục.

Thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Theo thầy Sơn, thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách miễn học phí cho học sinh các trường công lập, mặt khác, thông thường mức thu học phí của trường công lập cũng rất thấp so với các trường tư thục. Điều này khiến không ít gia đình có con học trường ngoài công lập gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Chính vì vậy, với chính sách hỗ trợ lần này, dù mức hỗ trợ không quá lớn, nhưng chắc chắn sẽ giúp san sẻ phần nào gánh nặng tài chính với phụ huynh, đồng thời tạo nên sự công bằng hơn giữa học sinh cả nước.
“Mặc dù học phí ở trường tư thục vẫn cao, nhưng được hỗ trợ ít nào hay ít đó và điều quan trọng là phụ huynh và học sinh cảm thấy được quan tâm, động viên. Đơn cử mỗi học sinh trường công lập được miễn học phí khoảng 100.000 đồng/ tháng, thì học sinh trường ngoài công lập, với mức học phí trung bình khoảng 4 triệu đồng/ tháng, cũng sẽ được giảm 100.000 đồng, tức mỗi tháng chỉ đóng 3.900.000 đồng, từ đó phần nào giúp giảm bớt áp lực tài chính.
Theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của chính sách này không chỉ nằm ở con số hỗ trợ, mà ở thông điệp nhân văn mà Nhà nước gửi gắm: Mọi học sinh, dù học trường nào cũng xứng đáng được động viên, khích lệ để học tập tốt hơn. Chỉ một chút hỗ trợ thôi cũng là động lực giúp các con yên tâm học tập, phụ huynh cũng thấy nhẹ nhõm hơn, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay”, thầy Sơn nêu quan điểm.
Tuy nhiên, thầy Sơn cũng bày tỏ, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, Nhà nước nên xem xét chuyển hỗ trợ đến trực tiếp với từng học sinh để đảm bảo công bằng, minh bạch. Ngoài ra, trường luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan quản lý để triển khai chính sách thuận lợi, đúng đối tượng.
Nên trao trực tiếp khoản hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chính sách mới về việc hỗ trợ học phí cho học sinh học tại các trường ngoài công lập là một bước tiến tích cực, nhằm đảm bảo sự công bằng hơn giữa học sinh các trường công lập và ngoài công lập. Thực tế, đề xuất này đã được các trường tư thục, dân lập đề xuất từ rất lâu, bởi các trường ngoài công lập cũng đã có lịch sử phát triển hàng chục năm, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục chung của đất nước.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Phương Thảo
“Theo tôi, khoản hỗ trợ học phí của Nhà nước nên được trao trực tiếp cho phụ huynh và học sinh, thay vì chuyển thẳng về cho các trường tư thục, dân lập. Bởi lẽ, người học và cha mẹ các em mới là những người có quyền quyết định chọn môi trường học tập phù hợp cho con em mình dù là trường công lập hay trường tư thục. Nếu các em lựa chọn học trường công lập, các em được miễn, giảm học phí như chính sách hiện hành. Còn nếu chọn học trường tư thục, khoản hỗ trợ này sẽ giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng, phần chênh lệch còn thiếu thì gia đình sẽ tự đóng thêm để nộp cho trường”, cô Thúy nêu quan điểm.
Cô Thúy bày tỏ, về nguyên tắc, chính sách hỗ trợ học phí lần này nên nhất quán theo hướng trả lại quyền lợi về cho cha mẹ học sinh và học sinh, để họ được tự do lựa chọn nơi học. Đó mới là cách đảm bảo công bằng thực chất giữa học sinh các hệ thống trường khác nhau. Việc lựa chọn học ở đâu, theo mô hình nào, với mức học phí nào là quyền tự do chính đáng của người dân và chính sách nên tạo điều kiện để quyền đó được thực hiện dễ dàng hơn.
“Tóm lại, khi chính sách được thiết kế theo hướng ấy, tôi tin rằng sự công bằng trong giáo dục sẽ được nâng cao, tạo điều kiện cho mọi học sinh, dù học công hay tư, đều được hưởng quyền lợi như nhau”, cô Thúy nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/de-xuat-ho-tro-hoc-phi-cho-hoc-sinh-truong-dan-lap-tu-thuc-102250425150030855.htm