Quy định dạy thêm rất rõ, dễ hiểu dễ thực hiện, GV nào vi phạm là cố tình?

Quy định Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm rất cụ thể dễ thực hiện.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 14/2/2025 quy định về dạy thêm, học thêm được đánh giá có nhiều điểm sáng so với thông tư 17 trước đây.

Đó là việc không được dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh đang dạy chính khóa…

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhiều người vui, nhiều người cũng "trăn trở"

Công tâm nhìn nhận, không ít phụ huynh trước đây cho con đi học thêm không hẳn vì con họ cần kiến thức. Một số người từng bật mí, nghe con nói thầy cô thường hay nặng nhẹ với con vì không đi học thêm. Số khác cho biết, không đi học thêm là con bị thua thiệt về điểm số vì bài luyện tập ở lớp học thêm khá giống với bài kiểm tra ở lớp.

Một số phụ huynh vì muốn bảo vệ con trước sự khắt khe của thầy cô do con không đi học thêm đã cùng lúc đăng ký 2 lớp học thêm cho một môn học. Lớp học thêm của giáo viên chính khóa chỉ ghi tên và đóng tiền, còn lớp học thêm của giáo viên khác là học lấy kiến thức.

Do phải cho con đi học trong miễn cưỡng nên khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm ra đời, những phụ huynh này đã rất vui mừng, phấn khởi. Nhiều phụ huynh không còn lo lắng, con sẽ bị trù dập nếu không đi học thêm như trước đây.

Chị Ánh Loan, một phụ huynh có con học lớp 6 hào hứng nói: "Từ ngày con không đi học thêm, gia đình đã có những bữa cơm chiều sum họp. Trước đây, ngoài giờ học chính khóa ở trường, mỗi ngày con còn phải chạy 2 lớp học thêm. Đêm nào cũng 10 giờ mới về đến nhà trong bơ phờ, mệt mỏi".

Giáo viên tiểu học đã không được phép dạy thêm trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Giáo viên ở 2 bậc trung học ở các trường công lập, không được dạy thêm thu tiền của học sinh mà mình dạy ở trường, cũng không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.

Không được dạy thêm thu tiền của học sinh mà mình đang dạy ở trường thật ra không phải là quy định mới. Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm trước đây cũng đã cấm, giáo viên không được dạy thêm chính học sinh mình đang dạy chính khóa.

Thế nhưng, phần đông, các thầy cô giáo dạy thêm ở cả 2 bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông khi dạy thêm chủ yếu vẫn là dạy chính học sinh của mình đang dạy trên lớp nhưng vẫn không bị phát hiện.

Vì thế, với quy định không dạy thêm có thu tiền với học sinh chính khóa trong Thông tư 29 lần này, không ít người đặt câu hỏi, tình trạng dạy thêm không đúng đối tượng diễn ra bao năm liệu có được chấm dứt? Liệu những "thủ thuật" che giấu học thêm không đúng quy định có được lặp lại?

Trước đây, có thầy cô giáo đã lựa chọn một số trung tâm dạy thêm trên địa bàn để đăng ký dạy thêm nhằm qua mặt các đoàn thanh kiểm tra.

Theo cách nói của một số người, những trung tâm này thường "làm ăn ế ẩm" nên sẵn sàng cho một số thầy cô mượn địa điểm để dạy thêm. Học sinh học thêm do giáo viên mang đến dạy, còn thu học phí là trung tâm đảm nhiệm.

Phía giáo viên phải chịu tất cả chi phí mà trung tâm đưa ra như chi phí về mặt bằng, chi phí về quản lý của trung tâm, tiền điện nước, tiền phục vụ, tiền khấu hao tài sản…nhiều người nói, đó là tỉ lệ “ăn chia”.

Có một số mức “ăn chia” được các trung tâm đưa ra để thỏa thuận như mức 40-60. Trung tâm nhận 40% tổng số tiền học phí trong tháng của lớp học thêm còn giáo viên sẽ nhận 60%. Hoặc có trung tâm đưa mức 30-70 (trung tâm nhận 30% tổng số tiền học phí trong tháng còn giáo viên sẽ nhận 70%).

Với mức “ăn chia” 40-60 thì một lớp học thêm thu học phí một tháng 6 triệu đến thì người dạy nhận được 3.600.000 đồng/tháng, còn trung tâm nhận 2.400.000 đồng. Có thầy cô bật mí, thu nhập có giảm đi một chút nhưng dạy được an toàn.

Tuy nhiên, để bù lại những chi phí cho phía trung tâm thì những thầy cô này đã chọn cách tăng học phí cho học sinh, đồng thời cũng thỏa thuận lại với trung tâm để có mức “ăn chia” hợp lý hơn. Mức học phí trước đây thầy cô đang thu 300 ngàn đồng/tháng thì nay tăng 400 ngàn đồng. Nếu ai thu 400 ngàn đồng thì nay lại tăng lên 500 ngàn đồng/tháng.

Làm gì để giáo viên không vi phạm quy định dạy thêm?

Thông tư 29 quy định nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Thực tế, quy định tại Thông tư 29 rất cụ thể dễ thực hiện. Cùng với đó, nhiều địa phương còn ban hành quy định hướng dẫn chi tiết dạy thêm, học thêm trên địa tỉnh/thành phố. Có địa phương quy định cụ thể thời gian, công khai danh sách cơ sở dạy thêm đủ điều kiện trên website của sở giáo dục và đào tạo... Theo người viết, hành lang pháp lý để quản lý dạy thêm, học thêm đã rất đầy đủ, chi tiết. Vấn đề hiện này là giám sát và xử lý nghiêm giáo viên, trung tâm vi phạm.

Gần đây nhất, vụ việc một số giáo viên tại Trường trung học cơ sở Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) bị phát hiện dạy thêm chưa đúng quy định.

Về phương thức xử lý, Trường trung học cơ sở Văn Yên đã phê bình, kiểm điểm 3 giáo viên (gồm Đ.T.P.L, V.T.M.H, T.T.V.A) trước Hội đồng sư phạm; xếp loại công chức tháng 4/2025 ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân giáo viên phải cam kết chấm dứt việc dạy thêm ngoài nhà trường không đúng quy định.

Đối với 2 giáo viên còn lại (gồm Đ.T.M.H và N.T.B), Trường trung học cơ sở Văn Yên đã khiển trách, kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trước Hội đồng sư phạm; xếp loại công chức tháng 4/2025 ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân giáo viên phải cam kết chấm dứt việc dạy thêm ngoài nhà trường không đúng quy định [1]. Hy vọng giáo viên nào còn đang cố tình "lách" quy định để dạy thêm không đúng lấy đó làm bài học để thực hiện nghiêm các quy định liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/giao-duc/ha-noi-xu-ly-nghiem-viec-giao-vien-quan-ha-dong-day-them-chua-dung-quy-dinh-20250430012600029.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-day-them-rat-ro-de-hieu-de-thuc-hien-gv-nao-vi-pham-la-co-tinh-post249390.gd
Zalo