Hỗ trợ hiệu quả, số hộ nghèo giảm nhanh

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Bình (Thái Nguyên) còn không nhiều, nhưng đều rơi vào một trong những trường hợp thiếu hụt về kiến thức, thiếu đất sản xuất, lao động, lười lao động hoặc thuộc diện bảo trợ xã hội... nên giảm tỷ lệ hộ nghèo gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, địa phương đã đầu tư trọng điểm, phát huy lợi thế, gắn kết với tình hình của huyện để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả.

Hỗ trợ bò sinh sản là mô hình giảm nghèo phù hợp, phát huy hiệu quả ở Phú Bình.

Hỗ trợ bò sinh sản là mô hình giảm nghèo phù hợp, phát huy hiệu quả ở Phú Bình.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Phú Thanh 2, xã Thanh Ninh có bốn khẩu, hai vợ chồng và hai con, có hơn một sào ruộng nhưng không canh tác được vì cứ hễ mưa là ngập úng. Anh Dũng sinh năm 1980, là con của nạn nhân chất độc da cam, trái nắng trở trời là thần kinh không ổn định, thuộc diện bảo trợ xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, những năm vừa qua thuộc diện hộ nghèo.

Với sự hỗ trợ của anh em trong gia đình, làng xã, chính quyền địa phương, vợ anh Dũng được nhận làm công nhân may gần nhà; con lớn 18 tuổi cũng vừa đi làm công nhân. Sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, giá lên xuống thất thường nên khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cán bộ xã, huyện tính toán hỗ trợ gia đình anh Dũng một con bò sinh sản.

Cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình Nguyễn Thị Khoa chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình anh Dũng, chúng tôi quyết định hỗ trợ bò sinh sản là phù hợp, vì anh em anh Dũng có kinh nghiệm nuôi bò sinh sản, có đất trồng cỏ và hỗ trợ trong quá trình chăn nuôi. Mặt khác, khi nào bê được giá thì bán, không phụ thuộc vào mùa vụ như nhiều loại cây, con khác”.

Theo Trưởng xóm Phú Thanh 2 Đồng Việt Bắc, vợ, con anh Dũng đã có việc làm ổn định; gia đình được hỗ trợ một con bò sinh sản, được quan tâm, động viên, giúp đỡ của anh em, làng xóm, thời gian tới chắc chắn sẽ thoát nghèo. Cả xóm Phú Thanh 2 có 143 hộ, giảm còn 2 hộ nghèo và phấn đấu trở thành xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Với phương châm rà soát điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để có hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, từ năm 2022 đến nay, huyện Phú Bình lựa chọn hỗ trợ bò giống, nuôi gà đồi an toàn sinh học, trồng rau an toàn là những mô hình phù hợp với thế mạnh, gắn với thị trường tiêu thụ của địa phương có công nghiệp, thương mại, xây dựng đang phát triển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình Lê Thanh Sơn cho biết: “Để giảm nghèo có hiệu quả, chúng tôi thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi địa phương, đoàn thể phải có trách nhiệm thực chất, việc làm cụ thể với hội viên, đoàn viên, người dân của mình trong việc giảm nghèo. Đồng thời, các hình thức hỗ trợ phải thật sát thực tiễn, thiết thực đối với hộ nghèo; đi đôi với tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nên các hình thức hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn thực sự mang lại hiệu quả”.

Phương pháp, cách làm như vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình giảm nhanh và mang tính bền vững, đó là khi người dân được hỗ trợ giống, vốn ban đầu, tập huấn kỹ thuật để nuôi gà đồi an toàn sinh học, trồng rau an toàn, nuôi bò sinh sản thì việc quay vòng tái sản xuất, tái sử dụng vốn nhanh. Đầu năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 5,4% số hộ, cuối năm 2022 giảm còn 4,18%, cuối năm 2023 giảm còn 3,03% và dự kiến cuối năm nay giảm còn 2,25% tổng số hộ.

Từ năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên tổ chức một số cuộc thanh tra công tác rà soát hộ nghèo trên trên địa bàn huyện Phú Bình, kết luận việc đánh giá, bình xét hộ nghèo là chính xác, khách quan, không có bệnh thành tích.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-tro-hieu-qua-so-ho-ngheo-giam-nhanh-post819041.html
Zalo