Yên Thế: Đổi thay ở xã đặc biệt khó khăn Đồng Vương

Đồng Vương hiện là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Yên Thế. Với quyết tâm thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Phát triển giao thông nông thôn

Chỉ cách đây mấy năm, từ huyện Yên Thế đến trung tâm xã Đồng Vương đi mất nửa ngày đường, đến bản xa nhất phải thêm vài giờ nữa. Con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh toàn đá nên bà con đi lại khó khăn. Nhưng nay Đồng Vương đã đổi thay nhiều. Những con đường bê tông trải dài dẫn vào những cánh rừng trồng xanh ngắt. Đồng chí Vũ Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, triển khai tới các chi bộ. Trong đó chú trọng lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ chương trình MTQG; đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo. Mỗi nhiệm vụ đều được giao cho từng cán bộ, đảng viên; kiểm điểm, đánh giá tiến độ theo tháng”.

 Tuyến đường đi bản Thái Hà thuộc dự án ổn định dân cư tại chỗ vừa hoàn thành, thuận lợi cho người dân đi lại.

Tuyến đường đi bản Thái Hà thuộc dự án ổn định dân cư tại chỗ vừa hoàn thành, thuận lợi cho người dân đi lại.

Trong các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin được Đảng ủy, UBND xã Đồng Vương quan tâm. Hằng năm, xã cân đối, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi. Trong đó, ưu tiên thi công các tuyến đường có nhiều bản cùng hưởng lợi và nơi khó khăn hơn cả. Điển hình như năm 2024, xã đã phối hợp thực hiện dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại xã Đồng Vương với 3 tuyến, tổng chiều dài hơn 3,6 km. Các tuyến đều được đổ bê tông, mặt đường rộng từ 3,5 - 5 m; tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Công trình hoàn thành tạo điều kiện cho bà con các bản: La Xa, Thái Hà và những vùng lân cận đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Thực hiện dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Chương trình 135, có 46 hộ nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn xã được hỗ trợ téc inox chứa nước. Là một trong những gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, ông Trương Văn Việt, bản Đồng Tân phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi đựng nước bằng xô, chậu, không chứa được nhiều lại không sử dụng được lâu. Được hỗ trợ téc đựng bền chắc, hợp vệ sinh, chúng tôi yên tâm có nước sạch dùng hằng ngày”.

Hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập

Đồng Vương là xã miền núi, địa bàn rộng với hơn 1,3 nghìn hộ dân. Toàn xã có 10 dân tộc anh em sinh sống đan xen ở 10 thôn, bản, trong đó có 5 bản đặc biệt khó khăn gồm: La Xa, La Lanh, Bình Minh, Trại Tre, Trại Mía. Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, Đồng Vương lồng ghép các dự án nhằm hỗ trợ vốn, cây, con giống, phân bón, phương tiện sản xuất và tổ chức các lớp dạy nghề sửa chữa cơ khí, chăn nuôi cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế.

Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đồng Vương trung bình mỗi năm giảm 3%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Năm 2023, xã còn 77 hộ nghèo, 134 hộ cận nghèo.

Hai năm qua, xã triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản cho 71 hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo ở 8 bản với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Cuối năm 2023, chị Võ Thị Nhung (SN 1979) ở bản Đồng Tân được hỗ trợ một con bò sinh sản. Chị Nhung chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, hai con đang tuổi ăn học, việc làm và thu nhập bấp bênh nên cuộc sống khó khăn. Từ năm ngoái, được hỗ trợ bò, tôi tranh thủ thời gian để chăm sóc để bò sinh trưởng tốt. Hy vọng từ đây gia đình sẽ có thêm nguồn thu, dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

Cùng với trao sinh kế trực tiếp, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã giao cho các hội, đoàn thể phát huy tối đa hiệu quả các tổ tiết kiệm, ủy thác cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững. Hiện nay, toàn xã có 19 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 50 tỷ đồng; hiện có 633 khách hàng còn dư nợ. Trong số này, riêng dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hơn 15 tỷ đồng. Hằng năm, UBND xã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề ở các bản để mở những lớp dạy nghề phù hợp gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành, nghề trên địa bàn.

Từ năm 2022 đến nay, xã đã phối hợp mở 5 lớp dạy nghề sửa chữa cơ khí, chăn nuôi với gần 200 học viên tham gia. Với kiến thức được trang bị và nguồn vốn vay, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước ổn định cuộc sống. Đơn cử như hộ chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984) ở bản Tràng Bắn. Qua các khóa đào tạo nghề, chị đã liên kết với 11 hộ dân trong xã thành lập tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ ớt. Tham gia liên kết, tổ viên được cung cấp giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm; mang lại thu nhập ổn định.

Với sự vào cuộc đồng bộ, công tác giảm nghèo ở xã Đồng Vương đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 3%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Năm 2023, xã còn 77 hộ nghèo, tỷ lệ 5,79%; 134 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,8%. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,39%, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Vương tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Tranh thủ nguồn vốn vay từ ngân hàng và vốn hỗ trợ của chương trình MTQG để giúp các hộ nghèo tiếp cận, tăng cường nguồn lực đầu tư sản xuất. Thường xuyên nắm tình hình đời sống người dân; tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh để có phương thức hỗ trợ phù hợp; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác giảm nghèo.

Bài, ảnh: Nhật Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-the-doi-thay-o-xa-dac-biet-kho-khan-dong-vuong-142822.bbg
Zalo