Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu số

Thương hiệu số (THS) là cách thương hiệu được nhận diện trên môi trường số thông qua các ứng dụng online như Website, Landing page và các giao diện mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Instagram… nhằm tạo ra kết nối giữa người tiêu dùng và các sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp. Đây là xu hướng kinh doanh tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số khi thương mại điện tử đang ở mức cân bằng với thương mại truyền thống và tiếp tục có xu hướng phát triển vượt trội. Nhận diện được yêu cầu này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xây dựng THS, nâng cao nhận thức, hình ảnh và phong cách của thương hiệu, thu hút sự quan tâm của khách hàng trên nền tảng số.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).

Xu hướng tận dụng THS của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cũng như tìm kiếm các nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, quảng bá hình ảnh với đối tác. Trong đó có hơn 10 nghìn doanh nghiệp; hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh và cá nhân có tham gia sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số. Nhiều cơ sở kinh doanh, hộ cá nhân đã sở hữu nhiều website bán hàng trực tuyến uy tín cho sản phẩm của mình như: giấm mơ trà xanh của Hợp tác xã thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản); trà thảo dược của Hợp tác xã Dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu); Trà củ sen, tinh bột củ sen, tinh bột sắn dây của Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI… Đây là tiền đề giúp doanh nghiệp bước đầu xây dựng một thương hiệu riêng trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Nam Định hiện có 125 website thương mại điện tử bán hàng; 8 tổ chức, 174 thương nhân và 186 cá nhân đăng ký tên miền trong giao dịch thương mại đảm bảo các tiêu chí xây dựng THS. Các tổ chức, cá nhân còn lại mới chỉ hình thành tư duy phát triển THS một cách sơ khai chưa có chiến lược cụ thể cho thương hiệu của mình và chống lại những rủi ro không đáng có như bị đánh cắp thương hiệu, làm giả, làm nhái, lợi dụng uy tín của thương hiệu khi đã dày công xây dựng.

Để thúc đẩy việc xây dựng THS, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 23/10/2024 triển khai Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Trong đó giải pháp quan trọng được triển khai đó là phổ biến và nâng cao nhận thức, kỹ năng về hiện diện trực tuyến trên môi trường internet cho người dân; thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu trên môi trường internet và mở rộng thị trường; thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sinh viên và người trẻ tuổi thiết lập thương hiệu số, hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia ".vn" trên internet; hiện diện chính thức và phát triển hoạt động kinh doanh trên internet; có kỹ năng số về sử dụng các phương tiện internet để tăng cơ hội phát triển. Nâng cao số lượng tên miền quốc gia “.vn” trên địa bàn tỉnh. Cụ thể sẽ truyền thông lan tỏa tới 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập trong vòng 1 năm, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh; 100% trường đại học, cao đẳng, trường nghề; 50% thanh niên có độ tuổi từ đủ 18-23 về tầm quan trọng của việc hiện diện trực tuyến, xây dựng thương hiệu số trên môi trường internet thông qua việc ứng dụng các dịch vụ số (website, email) sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Đăng ký sử dụng đạt tối thiểu 10% tên miền "id.vn" và 20% tên miền "biz.vn" cùng các dịch vụ số (website, email...) cho các tổ chức, cá nhân trong đối tượng của chương trình. Cùng với tuyên truyền, chương trình hỗ trợ miễn phí 2 năm sử dụng tên miền “biz.vn” và các dịch vụ số (website, email) cho doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 1 năm và hộ kinh doanh cá thể; miễn phí 2 năm sử dụng tên miền “id.vn” và các dịch vụ số (website, email, CV online/blog) cho công dân Việt Nam trên địa bàn tỉnh có độ tuổi từ 18-23.

Để đảm bảo hiệu quả của chương trình, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn triển khai, in ấn tài liệu hỗ trợ truyền thông cho Chương trình tại địa chỉ: https://hiendienonline.tenmien.vn/tai-lieu-truyen-thong; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chủ động triển khai truyền thông về kế hoạch đến các hội viên, học sinh, sinh viên… để trải nghiệm phục vụ nghiên cứu, học tập, nâng cao kỹ năng số; xây dựng thương hiệu cá nhân để tăng kết nối cộng đồng, cơ hội việc làm từ môi trường số an toàn, tin cậy. Bên cạnh đó, các địa phương thành lập đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật tại tỉnh là các đoàn viên, thanh niên, sinh viên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng để giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán lẻ có thể tiếp cận, đăng ký, sử dụng an toàn các dịch vụ số cũng như những kỹ năng cơ bản để xây dựng THS như: xác định sứ mệnh và tầm nhìn của thương hiệu; tìm hiểu nhu cầu của khách hàng; xác định rõ kênh bán hàng và chọn nền tảng kỹ thuật số phù hợp; xuất bản nội dung chất lượng; tận dụng cơ hội thị trường và định vị cạnh tranh.

Việc xây dựng THS không chỉ giúp doanh nghiệp và cá nhân định danh trên môi trường số, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh rộng lớn, tăng uy tín thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Với sự hỗ trợ từ tỉnh và tinh thần chủ động của doanh nghiệp, thương mại điện tử và chuyển đổi số của tỉnh hy vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202502/ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-thuong-hieu-so-474009e/
Zalo