Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có cơ hội tiếp cận thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có cơ hội tiếp cận thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.

Đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn tại hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy, xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc).

Đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn tại hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy, xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc).

Ông Nguyễn Quốc Huy, chủ cơ sở sản xuất tấm lợp tôn tại xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) chia sẻ: Năm 2023, được tiếp nhận hỗ trợ từ Đề án khuyến công địa phương 260 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng của gia đình 281,9 triệu đồng, cơ sở sản xuất của gia đình đã đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị các mặt hàng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của các đơn hàng. Với ngành nghề kinh doanh sản xuất tấm lợp tôn, vật liệu xây dựng, dịch vụ quảng cáo, in ấn, cơ khí, từ nguồn kinh phí khuyến công, gia đình tôi đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị hiện đại, như máy cán tôn 1 tầng 11 sóng dân dụng, máy chấn phụ kiện để phục vụ công việc hiệu quả hơn. Hiện nay, cơ sở sản xuất ổn định, cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Tân Lạc sản phẩm chất lượng, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giá thành rẻ hơn. Chúng tôi cũng tạo việc làm ổn định cho một số lao động có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quốc Huy, đa phần các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công để đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất tại các địa phương đều được đánh giá đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) cho biết, bên cạnh nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), khuyến công còn chú trọng các nội dung hỗ trợ như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp... Thông qua hỗ trợ từ đề án khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao được chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh (SX-KD), nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo đó, cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN một cách bền vững.

Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công không nhiều so với tổng mức đầu tư của các cơ sở CNNT, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn "vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực SX-KD... Trong 2 năm (2022 - 2023), khuyến công địa phương triển khai 7 đề án với tổng kinh phí thực hiện trên 2.556 triệu đồng, kinh phí khuyến công 1.260 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác khuyến công hiện cũng gặp một số khó khăn như: Phần lớn cơ sở CNNT do có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản lý và tiềm lực tài chính hạn chế, nên khi thực hiện đăng ký đề án chủ yếu có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị công suất nhỏ; kinh phí tự đảm bảo theo quy định còn khó khăn… dẫn đến nhiều cơ sở CNNT thay đổi thông số máy móc, thay đổi kế hoạch sản xuất hoặc thay đổi tham gia đề án khuyến công so với đăng ký. Công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các danh mục đề án khuyến công đối với UBND cấp huyện chưa được quan tâm phối hợp với khuyến công tỉnh, vì vậy các đề án khuyến công chưa bám sát vào định hướng phát triển CN-TTCN của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn và quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công đến các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, các giải pháp tập trung giúp các cơ sở CNNT nắm và hiểu rõ ý nghĩa của chính sách khuyến công, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia đầu tư máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm cho thị trường. Cùng với đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công theo kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung và tăng cường tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong thiết kế bao bì sản phẩm; áp dụng công nghệ mới và các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng, tiềm năng, trong đó ưu tiên sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu...

Ðến nay, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao. Các đề án khuyến công góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Ðảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ trọng CNNT trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192738/ho-tro-co-so-cong-nghiep-nong-thon-doi-moi-may-moc,-thiet-bi-cong-nghe.htm
Zalo