Hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi

Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi…

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi

Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 9/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo cập nhật thông tin bước đầu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát biểu về các vấn đề như: việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm đã đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững chưa, có đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan hay không.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, quy định như dự thảo luật đã bao quát hết các đối tượng hay chưa, có phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong độ tuổi, sau độ tuổi lao động để tận dụng thời kỳ dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu ý kiến về việc thành lập hội đồng kỹ năng nghề, cơ chế đảm bảo điều kiện hoạt động, trung tâm dịch vụ việc làm... cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc hội

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông cho biết, đối với một số địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng. Vì trên thực tế đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy, kĩ năng mà họ có sự kế thừa từ thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để luật hóa, từ đó ban hành các chế độ chính sách phù hợp.

Tại Điều 8 quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, góp ý vào điểm d khoản 2 Điều này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quốc hội

Còn đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm đến chính sách Nhà nước về việc làm. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các đối tượng được hưởng chính sách để tránh bỏ sót các đối tượng được hỗ trợ...

Tại khoản 8 (Điều 5) quy định hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị xem xét, bổ sung thêm hai đối tượng. Thứ nhất là phụ nữ ngoài 40 tuổi và thứ hai là người cao tuổi với lý do là đối tượng phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 tuổi thì thường khó duy trì hoặc là tìm kiếm cơ hội việc làm mới bởi vì nhiều lý do như là sự phân biệt về tuổi tác, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề về gia đình, sức khỏe... Thực tế là hiện nay vẫn còn tình trạng là nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc là không tuyển dụng đối với đối tượng này.

Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này cũng là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi nhằm để khuyến khích họ tiếp tục sử dụng hoặc là có chính sách tuyển dụng, sử dụng đối với đối tượng này.

Tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn đều được hỗ trợ vay vốn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Tức chỉ quy định hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn những hộ nghèo ở những nơi khác lại không được hỗ trợ. Quy định như vậy thì không hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.

Về quy định đăng ký lao động ở Chương 3, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là nội dung rất mới và lớn, tuy nhiên quy định không rành mạch, rõ ràng; đồng thời băn khoăn cơ quan, tổ chức cho đăng ký lao động việc làm là ai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hay Phòng Lao động hay ở xã, phường? Nếu các cán bộ xã, phường phụ trách đăng ký thêm việc làm lao động thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Dó đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm tính hợp lý của vấn đề này, nếu không hợp lý thì đề nghị bỏ quy định này ở Chương 3, tránh gây rườm rà cho các cơ sở ở xã, phường.

Liên quan đến quy định về Hội đồng kỹ năng nghề, dự thảo Luật quy định tất cả bộ, ngành ở Trung ương đều thành lập Hội đồng kỹ năng nghề, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giao cho Chính phủ quy định. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như vậy rất bất cập, chỉ bộ ngành nào có liên quan, UBND xã, phường có liên quan thì mới thành lập Hội đồng kỹ năng nghề để đánh giá, còn bộ, ngành nào không liên quan thì không nhất thiết phải thành lập. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.

Ngoài ra, đánh giá riêng về kỹ năng nghề quốc gia, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cho rõ, cụ thể về trình độ, năng lực, học hàm, học vị.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ho-tro-cho-nguoi-su-dung-lao-dong-khi-su-dung-nhieu-lao-dong-nu-ngoai-40-tuoi-402277.html
Zalo