Hồ treo trữ nước trên vách núi: Cứu cánh của vùng cao

Các công trình hồ treo trữ nước trên vách núi đã giúp người dân vùng cao có nguồn nước thường xuyên phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, không còn thiếu nước.

Thành quả của sự bền bỉ và sáng tạo

Trên những triền núi đá sừng sững nơi địa đầu Tổ quốc, có một công trình khoa học lặng thầm mà vĩ đại đang ngày ngày giúp bà con duy trì nguồn nước ngọt quý giá cho sinh hoạt hằng ngày. Đó chính là công trình hồ treo trữ nước vách núi.

Công trình là kết quả lao động bền bỉ và sáng tạo của nhóm tác giả gồm PGS.TSKH Vũ Cao Minh (Viện Các Khoa học Trái đất), cố TS. Vũ Văn Bằng (Viện Công nghệ Nước và Môi trường); Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và kỹ sư Nguyễn Chí Tôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Giang).

Nhờ có tính ứng dụng cao, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương vùng cao, công trình này đã vinh dự được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Đây không chỉ là thành quả của trí tuệ mà còn là biểu tượng cho sự tận tâm vì cộng đồng của các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Vũ Cao Minh phát biểu khi được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Phong Lâm

PGS.TS Vũ Cao Minh phát biểu khi được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Phong Lâm

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TSKH Vũ Cao Minh cho biết, vào những năm 2000, Hà Giang đang trong “cơn khát” nước đúng nghĩa. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Khi đó, bà con các xã Giàng Chu Phìn, Cán Chứ Phìn, Lũng Pù, Sủng Máng, Sủng Chà, Tả Lủng, Thượng Phùng, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc đã phải xuống tận sông Nho Quế, hoặc xuống huyện Yên Minh cách xã trên 20 km cõng nước về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Trời không mưa cũng đồng nghĩa với việc con người không có nước sinh hoạt và sản xuất.

Chính điều này đã thôi thúc PGS.TSKH Vũ Cao Minh cùng các thành viên nhóm tiến hành quá trình nghiên cứu giải pháp tích trữ nước tại các vùng địa hình hiểm trở này.

“Trước khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi đã đứng trước một thách thức thực sự. Đó là đồng bào vùng cao đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Tại những nơi này, nước mưa khi rơi xuống lại nhanh chóng thấm sâu vào lòng đá, trong khi sông suối chủ yếu nằm ở vùng thấp và xa khu dân cư vốn sống phân tán trên cao. Đây là bài toán không dễ có lời giải, khi mà những giải pháp cấp nước tập trung khó lòng phát huy hiệu quả ở địa hình đặc thù này”, PGS. TSKH Vũ Cao Minh cho hay.

Hành trình đi tìm nước cho người dân Hà Giang của PGS.TSKH Vũ Cao Minh cùng các đồng nghiệp của mình cũng hết sức gian nan, vất vả. Nhóm nghiên cứu mất gần 1 năm khảo sát, học tập kinh nghiệm từ chính đồng bào bản địa, phân tích dữ liệu và theo dõi địa hình để xác định được nguồn nước phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các chuyến đi chủ yếu được tổ chức vào mùa khô.

Tình cờ, một lần cả nhóm đi vào mùa mưa. Nhìn mưa trút xuống, trượt trên những khe nứt nhỏ ở bề mặt đá núi, một ý nghĩ bất chợt đến trong ý nghĩ của một thành viên. Có thể thu nước trên vách núi, thay vì tìm nước trong lòng núi, hang động.

Tháng 5/2002, một hồ treo có hình trái tim với sức chứa 3.000m3 nước được xây dựng thành công tại xã Sà Phìn, Đồng Văn. Còn tại huyện Mèo Vạc, hồ treo Tà Lủng, công trình hồ chứa có quy mô lớn gấp 10 lần hồ "trái tim" tiếp tục được xây ở độ cao 1.200m.

Từ thành công đầu tiên của ý tưởng này đã tạo tiền đề để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đồng ý cho ra đời hàng chục hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang.

Giá trị ứng dụng thực tiễn cao

PGS.TSKH Vũ Cao Minh cho biết, công trình hồ treo trữ nước là sự kết tinh của nhiều yếu tố: Địa chất, khí hậu, dân sinh và sáng tạo kỹ thuật. Tính đến năm 2024, đã có 125 hồ treo được xây dựng và 31 hồ khác đang trong quá trình thi công tại vùng cao núi đá.

Hồ xây bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu composite nhẹ, treo hoặc bám theo vách đá, thu gom nước mưa và nguồn nước tạm thời, dẫn vào bể chứa qua hệ thống máng dẫn và lọc đơn giản.

Để đảm bảo độ bền và an toàn, nhóm nghiên cứu đã tính toán tỉ mỉ các yếu tố địa chất, độ dốc, áp lực nước và thử nghiệm qua nhiều mô hình thu nhỏ. Từ đó, công nghệ được hoàn thiện với chi phí xây dựng vừa phải, dễ nhân rộng, có thể duy tu bằng nhân lực địa phương.

Những hồ treo này không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định, mà còn phục vụ chăn nuôi, vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và cải thiện cảnh quan sinh thái cho khu vực.

Công trình hồ treo trữ nước vách núi tại xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công trình hồ treo trữ nước vách núi tại xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù đã ra đời hơn 20 năm, công nghệ hồ treo vẫn khẳng định được giá trị bền vững trong thực tiễn. Các nhà khoa học quốc tế cũng ghi nhận, đây là giải pháp có khả năng cấp nước tốt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nhấn mạnh nhu cầu về nước sinh hoạt, trong đó có nước để phát triển chăn nuôi, ngày một tăng cao và trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, PGS.TSKH Vũ Cao Minh mong các công nghệ tăng cường nước cho các hồ chứa nước trên vùng cao, như công nghệ chống bốc hơi, công nghệ bổ cập nước… sẽ được Nhà nước quan tâm. Đồng thời, ông cũng mong các nhà tài trợ, đầu tư cùng Chính phủ hỗ trợ thêm cho các dự án nước vùng cao.

“Mặc dù phần lớn chúng tôi đều đã nhiều tuổi, song chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bạn trẻ, cùng với các cán bộ địa phương làm tốt hơn nữa công tác đưa nước về cho đồng bào vùng cao, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần để đồng bào các dân tộc vùng cao có điều kiện tốt hơn nhịp bước cùng đất nước”, ông bày tỏ mong muốn sát cánh cùng các nhà khoa học trẻ.

Đánh giá về công trình của nhóm các nhà khoa học do PGS.TSKH Vũ Cao Minh dẫn đầu, GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, công trình hồ treo thu trữ nước vách núi là giải pháp sáng tạo tận dụng địa hình dốc cao để tích trữ nước mưa. Giải pháp khoa học công nghệ này đặc biệt phù hợp với các vùng núi đá, chi phí thấp, dễ triển khai và thân thiện môi trường.

"Giải pháp đã được áp dụng tại nhiều xã vùng cao tỉnh Hà Giang, mang lại nước sạch cho hàng nghìn hộ dân, ổn định sinh kế, góp phần giảm nghèo và giữ chân dân cư. Không chỉ có giá trị kỹ thuật, công trình còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phục vụ thiết thực cho cộng đồng dân tộc thiểu số", GS.TS Chu Hoàng Hà cho hay.

Có thể thấy, công trình hồ treo trữ nước vách núi dù là một công nghệ tuy giản dị, nhưng ẩn chứa bên trong là cả một tầm nhìn nhân văn sâu sắc, là biểu tượng của tình người, trí tuệ và lòng kiên định vì dân. Công trình đã giúp đỡ bà con vùng cao thoát khỏi những ngày thiếu nước trầm trọng, để cuộc sống của người dân nơi đây trở nên thuận lợi hơn.

Đó cũng chính là tinh thần của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, giải thưởng truyền cảm hứng không chỉ cho những người làm khoa học hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau trên hành trình kiến tạo tương lai, vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-treo-tru-nuoc-tren-vach-nui-cuu-canh-cua-vung-cao-388528.html
Zalo