Hồ tiêu Ngọc Hòa - Thương hiệu OCOP từ Giồng Riềng

Tại xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa khẳng định vị thế trên thị trường nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện vào năm 2023, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, an toàn và đóng góp tích cực cho kinh tế nông thôn.

 Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa Trần Quốc Gia (bên phải) tham quan vườn tiêu sạch đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa Trần Quốc Gia (bên phải) tham quan vườn tiêu sạch đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng.

Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa thành lập năm 2014 với 20 thành viên, diện tích trồng tiêu ban đầu là 21ha. Nhờ hiệu quả sản xuất, hiện diện tích trồng tiêu của hợp tác xã mở rộng 25ha với 35 thành viên tham gia. Mỗi năm, hợp tác xã cung ứng khoảng 130 tấn tiêu thương phẩm chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Màu - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa là một trong những người tiên phong trồng tiêu tại địa phương. Ông Màu hiện sở hữu 1ha tiêu, thu hoạch một đợt mỗi năm được 2-3 tấn, giá bán 180.000 - 200.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tấn/ha, giúp ông ổn định kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học. Ông còn tạo việc làm cho 7-8 lao động trong quá trình thu hoạch và xử lý tiêu. Với mỗi tấn tiêu, việc thu hoạch tốn khoảng 100 ngày công, giúp giải quyết việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi.

Ông Nguyễn Văn Màu cho biết trước đây, ông cùng một số hộ dân nhận thấy đất phèn trồng lúa kém hiệu quả nên chuyển sang trồng tiêu. Chi phí đầu tư cho 1ha tiêu (khoảng 2.000 trụ tiêu) khoảng 200 triệu đồng, sau hơn 18 tháng mới thu hoạch. Dù ban đầu gặp khó khăn về kỹ thuật, nguồn vốn nhưng nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông và nguồn vốn 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mua vật tư nông nghiệp cho thành viên hợp tác xã nên hợp tác xã duy trì sản xuất ổn định.

Hiện giá tiêu dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận 150 triệu đồng/tấn/ha, giúp thành viên hợp tác xã có thu nhập ổn định và tạo động lực cho người dân sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Màu - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa vận hành máy sấy tiêu không khói, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Màu - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa vận hành máy sấy tiêu không khói, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bước chuyển mình của hồ tiêu Ngọc Hòa là áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018 và đạt chuẩn GlobalGAP năm 2020. Đặc biệt, công nghệ sấy tiêu không khói được đưa vào sử dụng từ năm 2018 đã giúp tiết kiệm thời gian, nhân công và giữ nguyên vị cay nồng đặc trưng của sản phẩm.

Công nghệ này còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ hạn chế khí thải và không sử dụng nhiên liệu đốt trực tiếp. Mỗi lần sấy, máy có thể xử lý 700kg tiêu tươi, thu được 320kg tiêu khô, chỉ trong 10-12 giờ thay vì phơi 3 ngày như trước. Nhờ đó, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt và tạo sự tin tưởng cho thương lái.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, hồ tiêu Ngọc Hòa còn tạo sức lan tỏa trong nông dân. Ông Nguyễn Văn Thép (65 tuổi), ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa và hoa màu nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy trồng tiêu nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định, giá bán cao nên tôi chuyển sang trồng 1,5ha tiêu hơn 10 năm nay. Mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 3 tấn tiêu, thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha; tạo nguồn nguyên liệu tập trung, không lo đầu ra sản phẩm, giúp kinh tế gia đình tôi ổn định. Tôi và các thành viên hợp tác xã rất phấn khởi”.

Hồ tiêu tươi được thu hoạch, chuẩn bị chế biến theo quy trình sạch.

Hồ tiêu tươi được thu hoạch, chuẩn bị chế biến theo quy trình sạch.

Hồ tiêu Ngọc Hòa được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng... “Thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa mở rộng thị trường, cải tiến bao bì, mẫu mã, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, nhờ chất lượng đạt chuẩn GlobalGAP. Khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, giá trị thương phẩm của hồ tiêu tăng khoảng 30%, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân và mở rộng cơ hội xuất khẩu” ông Nguyễn Văn Màu chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Màu (bìa phải) - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa nhận giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho hợp tác xã tại hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Màu (bìa phải) - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa nhận giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho hợp tác xã tại hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa Trần Quốc Gia cho biết: “Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Ngọc Hòa là mô hình kinh tế tiêu biểu, không chỉ giúp người dân địa phương tăng thu nhập, tạo việc làm lúc nhàn rỗi mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,87%. Địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, tăng năng suất. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ tạo sức ảnh hưởng trong xã mà còn lan tỏa đến các địa phương lân cận, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao và phát triển nông thôn mới, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp sạch tại huyện Giồng Riềng".

Sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa, đặc sản của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa, đặc sản của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Hồ tiêu NGỌC HÒA

Đặc sản Giồng Riềng - Kiên Giang

Hợp tác xã Dịch vụ nông dân trồng tiêu

Địa chỉ: Ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Điện thoại: 0775.064546

Bài và ảnh: BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/ho-tieu-ngoc-hoa-thuong-hieu-ocop-tu-giong-rieng-23728.html
Zalo