Hồ sơ về 'ông trùm' lẩu nướng và đế chế The Coffee House
Theo trang tin tài chính DealStreetAsia thì Golden Gate - 'ông trùm' ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Việt Nam, đơn vị vận hành các chuỗi lẩu nướng nổi tiếng được cho là đã thâu tóm chuỗi cà phê The Coffee House từ Seedcom. Thông tin về hai cái tên này đang được nhiều người tìm kiếm.
Liên quan đến thương vụ thâu tóm đình đám đang được đồn đoán, Seedcom từ chối đưa ra tuyên bố chính thức, trong khi một số nguồn tin cho biết The Coffee House (ngôi nhà cà phê) đã về tay Golden Gate từ tháng 12 năm ngoái.

Chuỗi cà phê The Coffee House được cho là đã về tay Golden Gate. Ảnh: DealStreetAsia.
Được biết, Seedcom - tập đoàn sở hữu thương hiệu The Coffee House - được sáng lập năm 2014 bởi ông Đinh Anh Huân - một trong những người sáng lập của Thế Giới Di Động. Seedcom sở hữu hệ sinh thái bán lẻ bao gồm chuỗi cà phê The Coffee House, Kingfoodmart, ngoài ra còn có thương hiệu thời trang Juno, House...
Thương hiệu The Coffee House ra đời vào tháng 8/2014 gắn liền với tên tuổi của nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh. Trong hơn 10 năm, từ cửa hàng đầu tiên ở số 86 - 88 Cao Thắng (TPHCM), The Coffee House đã mở đến 155 cửa hàng trên khắp cả nước và có thời kỳ ăn nên làm ra.
Thậm chí, Nikkei từng đánh giá The Coffee House là thương hiệu phát triển nhanh nhất trong các công ty khởi nghiệp về cà phê ở Việt Nam. Thương hiệu này đã góp phần tái định nghĩa trải nghiệm cà phê với không gian đầy cảm hứng, nhân viên thân thiện và chất lượng sản phẩm tốt, có mức giá phù hợp với số đông.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự ra đời của nhiều chuỗi cửa hàng cà phê, các chỉ số đẹp của The Coffee House đã có dấu hiệu sụt giảm. Theo số liệu của Vietdata, thị phần của The Coffee House năm 2023 đã giảm so với năm trước đó, về gần mức của năm 2021 là 2,02%; doanh thu giảm 11% về khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023.

Doanh số của The Coffee House liên tục sụt giảm thời gian qua. Ảnh: The Coffee House.
Bết bát hơn là lợi nhuận sau thuế của The Coffee House còn liên tục âm trên trăm tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023. Do đó, chuỗi này buộc phải đóng nhiều cửa hàng và đến nay chỉ ghi nhận 93 điểm bán, giảm hơn 50 quán so với cuối năm 2023.
Năm 2024, The Coffee House dính khủng hoảng truyền thông, bị nhiều khách hàng kêu gọi tẩy chay sau sự cố kính rơi vỡ khiến một nữ bác sĩ trẻ bị thương tại The Coffee House Thái Hà (Hà Nội).
Trong khi đó Golden Gate - tập đoàn được đồn là chủ mới của The Coffee House thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 77,6 tỷ đồng, do ông Đào Thế Vinh - thành viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc điều hành. Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới gồm 506 nhà hàng trên khắp cả nước.
Dcorp đánh giá, Golden Gate là tập đoàn F&B lớn tại Việt Nam, hiện sở hữu hơn 20 thương hiệu chuỗi nhà hàng và quán cà phê với phong cách ẩm thực từ châu Á đến châu Âu, vận hành gần 400 điểm bán và phục vụ gần 20 triệu lượt khách mỗi năm. Các thương hiệu nổi bật của tập đoàn này là Manwah, Kichi Kichi, GoGi House… đồ uống là Universal Tea.
Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Golden Gate, doanh thu của tập đoàn đạt 6.288 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022. Lợi nhuận ròng là 139 tỷ đồng, giảm 79% so với năm trước. Trung bình, mỗi ngày tập đoàn thu về khoảng 17 tỷ đồng nhưng lợi nhuận không đạt kỳ vọng, vì chi phí thuê mặt bằng và nhân công cao.
Thời gian gần đây, lãnh đạo Golden Gate liên tiếp đưa ra hàng loạt chiến lược kinh doanh mới nhằm tái cấu trúc tập đoàn. Minh chứng là tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Golden Gate vào ngày 30/12/2024, Golden Gate thông qua nghị quyết không chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, thay thế cho kế hoạch đã được phê duyệt tại đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6/2024.
Golden Gate cũng đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Điển hình cuối năm ngoái, chuỗi lẩu cao cấp Manwah đã ngừng hoạt động hai chi nhánh tại Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) và Nguyễn Hoàng (Hà Nội); ba chi nhánh trà sữa Yu Tang tại Hà Nội cũng lần lượt đóng cửa từ cuối năm ngoái.

Golden Gate sở hữu các thương hiệu lẩu nướng như Kichi Kichi, Gogi House, Manwah. Ảnh: Phúc Minh.
Việc thâu tóm The Coffee House của Golden Gate được giới chuyên gia đánh giá là một bước đi mới, nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh, thích ứng với điều kiện thay đổi của "ông lớn" F&B này.
Ngoài thương vụ thâu tóm đang được đồn đoán giữa The Coffee House và Golden Gate, thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam cũng liên tục chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập đáng chú ý.
Điển hình là năm 2024, CTCP Thế Giới Di Động bán 5% cổ phần của Công ty Đầu tư Bách Hóa Xanh cho quỹ đầu tư CDH Investments của Trung Quốc, với giá 1.770 tỷ đồng. Trước đó, Masan Group đã thâu tóm một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Việt Nam với giá trị lên tới 1,1 tỷ USD. Hay tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group thâu tóm cổ phần của chuỗi siêu thị nội địa, Central Group thì tăng tỉ lệ sở hữu tại một chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, Alibaba và Baring Private Equity Asia cũng tăng cường đầu tư vào Lazada Việt Nam.
Theo iPOS, ngành kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bởi chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm ngoái, đã có hơn 30.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc đóng cửa. Nguyên nhân là do một số thương hiệu có tính bền vững như The Coffe House đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các thương hiệu mới, nếu không có chiến lược kinh doanh nhạy bén sẽ rất dễ bị tụt hậu và "hụt hơi' trên thị trường F&B Việt Nam.