'Hồ sơ Pandora' gây chấn động: Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới
'Hồ sơ Pandora' (Pandora Papers) tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng.
Hàng triệu tài liệu bị rò rỉ, được "Hồ sơ Pandora" tập hợp, hôm qua tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các "thiên đường thuế". Đáng chú ý trong danh sách lần này có nhiều nhà lãnh đạo thế giới đương nhiệm.
Khoảng 150 tờ báo tham gia cuộc điều tra cùng Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết, trong vụ Hồ sơ Pandora, ngoài nhiều lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu của thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài. Nhiều người sử dụng các công ty vỏ bọc để sở hữu các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh.
Trong số những cái tên có trong Hồ sơ Pandora có Quốc vương Jordani, Tổng thống Kenya, Tổng thống Ukraine. Theo Hồ sơ Pandora, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác. Luke Harding phóng viên quốc tế của tờ The Guardian - tham gia vào nhóm điều tra cho biết:
Những gì chúng ta thấy từ hồ sơ Pandora đó là thuế đang tăng lên đối với những người dân bình thường, nhưng có những nhóm tinh hoa sử dụng hệ thống tài chính ngoại biên tinh vi hơn, không phải ai cũng có thể tiếp cận được, để che giấu hoặc quản lý tài sản. Như vậy ta có thể hiểu có hệ thống hai cấp, một cấp dành cho người bình thường, tuân thủ theo luật và hệ thống khác cho những người giàu có. Một số người này sử dụng hợp pháp nhưng một số người sử dụng không hợp pháp hoặc lách luật
Mặc dù không phải tất cả những người có tên trong danh sách này đều có hành vi sai trái, song những thông tin tiết lộ có thể ảnh hưởng lớn uy tín của các nhà lãnh đạo này cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Thủ tướng CH Séc Andrej Babis phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến báo cáo điều tra của Hồ sơ Pandora cho rằng ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp.
Ông cho biết đó là tiền bị đánh thuế và một cuộc kiểm toán đã được thực hiện trước đây để chứng minh rằng ông có đủ thu nhập và bị đánh thuế cho giao dịch. Luật sư của Quốc vương Giooc-đa-ni Abdullah II cho biết, ông đã sử dụng tài sản cá nhân của mình để mua nhà và không gì sai trái khi nắm giữ những tài sản đó thông qua các công ty nước ngoài.
Trong khi đó Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố, sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ”. Theo Hồ sơ Pandora, các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, được cho là bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD.
Hồ sơ Pandora là thông tin mới nhất và lớn nhất về khối lượng dữ liệu trong loạt vụ rò rỉ dữ liệu tài chính ngoại biên so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017). Trước đó, Hồ sơ Panama năm 2016 tiết lộ đã khiến hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria.
Guardian và các phương tiện truyền thông khác dự định sẽ công bố những phát hiện mới, bổ sung từ hồ sơ Pandora trong những ngày tới./.