'Hố sâu đói khát 2' bị chê

'The Platform 2' mang đến góc nhìn nhiều chiều cạnh về xã hội bên trong cái hố. Tuy nhiên, bộ phim vẫn khiến người xem đói bụng bởi hạn chế về kịch bản.

Genre: Viễn tưởng, Giật gân, Kinh dị
Director: Galder Gaztelu-Urrutia
Cast: Milena Smit, Hovik Keuchkerian, Natalia Tena
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

5 năm trước, xứ sở "bò tót" gây xôn xao với The Platform, một tác phẩm phản địa đàng, xoáy sâu vào cám dỗ, lòng dạ con người trong nghịch cảnh. Điều thú vị ở bộ phim là việc tạo ra dư luận, mang đến một câu chuyện mà người xem vẫn còn tranh luận cho tới hiện tại.

Trở lại cùng The Platform 2 (tựa Việt: Hố sâu đói khát 2), đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia đã tiết chế trong việc cài cắm các lớp nghĩa. Đồng thời, vị đạo diễn người Tây Ban Nha chọn khai thác mặt đối lập, tập trung vào việc trả lời câu hỏi: Chuyện gì xảy ra khi cái hố có tổ chức, luật lệ?

Cái hố có gì mới?

Không ngày, giờ cụ thể, The Platform 2 mở đầu trực diện bằng cảnh lũ trẻ chơi cầu trượt. Chúng dắt tay nhau xếp hàng ngay ngắn, di chuyển có trật tự. Chỉ một khoảnh khắc ngắn là đủ để người xem hiểu rằng luật lệ bên trong cái hố là điều mà đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia muốn truyền tải.

Như thường lệ, những người đến tham gia sẽ phải trả lời 3 câu hỏi về lý do tới đây, món ăn yêu thích, vật dụng muốn mang theo. Theo đó, chuyện phim tập trung vào hành trình của Perempúan (Milena Smit), một nữ họa sĩ u uất. Với Perempúan, cô chọn món bánh khoai tây thịt nguội, họa cụ để vẽ và thời gian để quên chuyện tồi tệ trong quá khứ.

Bầu bạn cùng cô là Zamiatin (Hovik Keuchkerian), sở hữu thân hình to lớn, ông ta là người có lối sống vô kỷ luật, ích kỷ. Từng theo đuổi toán học, tin vào chủ nghĩa thực chứng, Zamiatin không chấp nhận vào cách lý giải khác về một vấn đề. Bởi vậy, ông chỉ tin rằng tầng cao ăn ngon, tầng thấp ăn khổ, phủ nhận luật lệ có thể tồn tại nơi man rợ này.

Hành trình trong cái hố của Perempúan để lại nhiều suy ngẫm.

Hành trình trong cái hố của Perempúan để lại nhiều suy ngẫm.

Cách thức vận hành bên trong cái hố có sự thay đổi, luật đã được phát triển, áp dụng để mọi người cùng tồn tại. Hệ thống tổ chức phân thành các nhóm gồm Môn đồ, họ tôn trọng, tuân thủ và bảo vệ luật bằng cả mạng sống. Đối lập là Man rợ, những kẻ chỉ muốn lấp đầy cái bụng đói. Cuối cùng là nhóm thiểu số như Perempúan và Zamiatin, chấp hành luật một cách khiên cưỡng.

Đáng tiếc, Zamiatin sớm rời bỏ cô, ông dùng mạng sống để trả giá cho việc lách luật. Từ đây, Perempúan dần bị cuốn sâu vào mâu thuẫn, đấu tranh nội tâm khốc liệt. Cô phản đối hành vi của Man rợ, đồng thời không đồng tình với cách Môn đồ duy trì trật tự. Bản chất mâu thuẫn giữa họ là quyền lợi, cho nên chuyện nổi loạn là điều tất yếu.

Năng lực nhân vật chính giúp Perempúan trở thành người sống sót hiếm hoi. Đáng nói, cô là người duy nhất tận mắt chứng kiến cách Ban điều hành dọn dẹp, sắp xếp thứ tự người tham gia. Tương tự Goreng từ phần phim trước, Perempúan cũng tìm thấy đứa trẻ tại tầng sâu nhất, đó chính là tấm vé vàng giúp cô rời khỏi "hố sâu đói khát".

Khán giả là người 'đói bụng'

Xuyên suốt thời lượng 99 phút, The Platform 2 phản ánh chân thực tính hai mặt của một vấn đề. Một mặt, bộ phim cho thấy xã hội đáng sợ đến nhường nào nếu thiếu đi tổ chức, trật tự thông qua luật. Cụ thể, họ chỉ được ăn thứ mình đã yêu cầu, nếu muốn ăn món khác phải qua thỏa thuận. Để cùng tồn tại, họ còn phải thể hiện trách nhiệm bằng việc tuyên truyền, giáo dục người khác.

Mặt khác, đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia mang đến góc nhìn phản biện rằng thực hiện luật cực đoan, phiến diện sẽ để lại hậu quả khôn lường. Có thưởng thì có phạt, Môn đồ sẽ dùng nhiều biện pháp khác nhau để duy trì trật tự. Song, sử dụng bạo lực một cách tùy tiện chỉ khiến mâu thuẫn giữa các nhóm thêm phần phức tạp.

Hồi kết của Perempúan đã phần nào làm sáng tỏ mục đích của cái hố và cách người tham gia có thể khép lại hành trình gian khổ. Đơn giản, cái hố là một hệ thống phân tầng xã hội, nơi người tham gia được trải nghiệm từng khung bậc từ đủ đầy tới đói khổ. Qua bao đắng cay, Perempúan chạm tới tầng 333, nơi được ví như đáy xã hội.

Khoàng thời gian trong cái hố là lúc Perempúan dằn vặt, hối hận về sai lầm trong quá khứ. Cô đã thiếu cẩn thận khi mở triển lãm để rồi một đứa trẻ tai nạn mà qua đời. Thế nên, hành động giải cứu đứa trẻ ở tầng 333 mang tính bước ngoặt. Điều đó thể hiện tình người, sự nhân văn trong nhận thức và hành động.

 The Platform 2 đơn thuần là một hướng khai thác khác về cái hố.

The Platform 2 đơn thuần là một hướng khai thác khác về cái hố.

Trái ngược tầng nghĩa dày dặn, The Platform 2 lại khiến người xem đói bụng bởi một kịch bản cũ kỹ, thiếu đột phá. Thực tế, The Platform 2 sở hữu kết cấu, trình tự tương tự phần phim ra mắt năm 2019. Việc đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia tập trung đơn giản nội dung vô tình tạo ra nhiều tình tiết khó hiểu.

Đơn cử, kích thước bàn ăn chỉ vừa vặn cái hố ở mỗi tầng, song lại trở nên phi lý khi đám Môn đồ có thể treo người phạm tội ở mặt dưới. Đan xen giữa các tình tiết là cảnh lũ trẻ chơi cầu trượt, được sử dụng để truyền tải thông điệp hàm ẩn. Đổi lại, khán giả chỉ để lại hàng loạt câu hỏi, thắc mắc về bộ phim.

"Phần 2 rất rối, nhiều chi tiết phi lý, không logic, tự nhiên xuống tầng dưới tìm bức tranh ăn vào để giả chết, song không thấy giải thích" hay "Xem phần 2 rồi xem lại phần 1 thì hiểu hơn, mình vẫn không hiểu ý nghĩa những đứa trẻ lắm" là một vài bình luận từ khán giả.

Nhật Long

Ảnh: Netflix

Nguồn Znews: https://znews.vn/ho-sau-doi-khat-2-bi-che-post1502560.html
Zalo