Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương - 'Người đàn ông đẹp nhất' của điện ảnh Việt

Khán giả Việt Nam luôn dành sự trân trọng mỗi khi nhắc đến người Nghệ sĩ Nhân dân này và xem ông là người đàn ông đẹp nhất của nền điện ảnh nước nhà một thời. Người nghệ sĩ ấy mang vẻ đẹp khỏe khoắn đầy nam tính và giàu chất trí tuệ.

"Người đàn ông đẹp nhất" của điện ảnh Việt Nam

Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, hễ nhắc về danh hiệu "người đàn ông đẹp nhất nền điện ảnh nước nhà", NSND Trần Phương sẽ là cái tên đầu tiên được nhớ đến. NSND Trần Phương sinh năm 1930, lớn lên ở Thái Nguyên, là gương mặt huyền thoại của điện ảnh Việt Nam.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương thời trẻ. Ảnh: TL.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương thời trẻ. Ảnh: TL.

Ngày trẻ NSND Trần Phương đi theo kháng chiến, học nghề thợ tiện và phục vụ trong xưởng quân giới của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Năm 1952, trong một lần thử đạn, Trần Phương không may bị thương, mất một ngón tay và được phép về làm công tác hậu cần tại Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc.

Bấy giờ, NSND Trần Phương được tiếp xúc với những tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam như: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… để rồi, như mối duyên định sẵn, ông "chạm ngõ" môn nghệ thuật thứ bảy. Nhưng, chính NSND Trần Phương cũng không thể ngờ sau này ông lại đến với diễn xuất và trở thành diễn viên nổi tiếng.

Mới đầu, nam nghệ sĩ học chèo. Năm 1955, ông từng cùng đồng nghiệp theo Bác Hồ sang Trung Quốc biểu diễn. Một thời gian sau, NSND Trần Phương được đạo diễn Phạm Văn Khoa giới thiệu cho xem một số bộ phim điện ảnh của Nga, Trung Quốc và bắt đầu hứng thú với loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương trong phim Vợ chồng A Phủ. Ảnh: TL.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương trong phim Vợ chồng A Phủ. Ảnh: TL.

Thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, NSND Trần Phương và hầu hết đồng nghiệp đều từ sân khấu chuyển sang. Kiến thức về diễn xuất trong nghệ thuật chèo do Thế Lữ hướng dẫn được Trần Phương áp dụng vào điện ảnh khá tốt.

Sau vai diễn đầu tiên trong bộ phim truyện nhựa Chung một dòng sông, NSND Trần Phương thực sự tỏa sáng với vai diễn gắn liền cùng tên tuổi của ông, A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ. Khi biết mình được chọn đóng vai này, NSND Trần Phương tham vấn và được Thế Lữ khuyên đi thực tế ở Tây Bắc. Sau ba tháng sống ở Tây Bắc, nam nghệ sĩ sinh hoạt như người Mèo, biết nói tiếng Mèo, biết cưỡi ngựa không cần yên, làm nương rẫy, hiểu thêm về cuộc sống, phong tục tập quán của người Mèo...

NSND Trần Phương và NSND Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu - Ảnh TL.

NSND Trần Phương và NSND Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu - Ảnh TL.

Sau này, NSND Trần Phương còn có nhiều vai diễn đình đám như vai Khoa trong "Chị Tư Hậu", Khiêm trong "Tiền tuyến gọi", Sơn trong "Biển gọi"… Ông từng đóng chung các nghệ sĩ nữ nổi tiếng như NSND Trà Giang, Tuệ Minh… Ngoại hình nam tính, khỏe khoắn của một người lính chuyển sang diễn xuất càng giúp NSND Trần Phương ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Ông được đánh giá là "người đàn ông đẹp nhất điện ảnh Việt Nam" cũng vì vậy.

Nghệ sĩ nhân dân có sự nghiệp điện ảnh đồ sộ và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật

Không chỉ diễn xuất, NSND Trần Phương còn là một đạo diễn có tên tuổi. Bộ phim đầu tiên ông làm đạo diễn chính là "Mưa rơi trên thành phố", dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, biên kịch Mai Thanh. Sau đó là những tác phẩm để đời như: Dưới chân núi trắng; Tội lỗi cuối cùng; Đứng trước biển; Dòng sông hoa trắng; Hy vọng cuối cùng; Vụ án hồ Con Rùa; Dòng thác; SBC; Thủ môn từ trên trời rơi xuống; Tình ngỡ đã phôi phai; Vệt sáng ngược; Hai năm nữa anh về...

"Tội lỗi cuối cùng" do Trần Phương đạo diễn giành Bông sen Bạc.

"Tội lỗi cuối cùng" do Trần Phương đạo diễn giành Bông sen Bạc.

Trong số đó, bộ phim Tội lỗi cuối cùng từng tạo ra "cơn sốt" vé trong các rạp chiếu khi công chiếu trên cả nước. Trong bộ phim này, diễn viên Phương Thanh đóng vai Hiền "cá sấu", còn nam tài tử Trần Quang đóng vai tướng cướp Long Vân. Bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất và viết ca khúc Đời gọi em biết bao lần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với bộ phim này, Trần Phương đã giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương sau nhiều vai diễn thành công đã trở thành đạo diễn nổi tiếng. Ảnh: TL.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương sau nhiều vai diễn thành công đã trở thành đạo diễn nổi tiếng. Ảnh: TL.

Vốn là người rộng rãi, ngay từ khi gắn bó với điện ảnh, Trần Phương không màng chuyện tiền bạc, thù lao. Đồng nghiệp thường kể rằng, mỗi khi có tiền, Trần Phương đều gửi ra Bắc để chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp tại Hãng phim truyện Việt Nam. Cho tới đầu những năm 2000, khi đã ngoài 70, "lão tướng" Trần Phương vẫn miệt mài với mối duyên điện ảnh.

Những bức ảnh đầy kỷ niệm của nghệ sĩ Thu Hà với nghệ sĩ Trần Phương (áo ca rô) khi đóng "Thủ lĩnh áo nâu".

Những bức ảnh đầy kỷ niệm của nghệ sĩ Thu Hà với nghệ sĩ Trần Phương (áo ca rô) khi đóng "Thủ lĩnh áo nâu".

NSND Trần Phương hướng dẫn Giáng My khi làm phim. Ảnh: TL.

NSND Trần Phương hướng dẫn Giáng My khi làm phim. Ảnh: TL.

Hai bộ phim truyện nhựa quay bằng phim 35mm cuối cùng của ông là Đêm Bến Tre (Điện ảnh Quân đội) và Khi người ta yêu nhau (Hãng phim truyện I, nay là Công ty cổ phần Hãng phim truyện I).

NSND Trần Phương và vợ con. Ảnh: VTV.

NSND Trần Phương và vợ con. Ảnh: VTV.

Năm 2001, nghệ sĩ Trần Phương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. 6 năm sau, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các phim: Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng. Năm 2020, NSND Trần Phương qua đời ở tuổi 91, để lại sự nghiệp điện ảnh đồ sộ và những đóng góp vô cùng to lớn cho nghệ thuật nước nhà.

Tùng Lâm (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-si-nhan-dan-tran-phuong-nguoi-dan-ong-dep-nhat-cua-dien-anh-viet-20424100721430901.htm
Zalo