Hồ Kiên Giang: Miên man sâu thẳm trên chín nhánh tình

Tôi luôn nói với Hồ Kiên Giang rằng anh phải viết tiếp, viết nữa đi. Bởi ngồn ngộn trong anh là những câu chuyện mà đất Cửu Long này ít ai có được. Chân anh ruổi rong muôn nẻo với chín nhánh sông rồi lan ra cả đất bạn Campuchia cho những lần công tác. Nhưng, đâu chỉ có vậy, Hồ Kiên Giang từng có quãng sống khá hay ho ngoài Hà Nội.

Những câu chuyện về đời văn và tình văn mỗi bận nghe anh kể khiến tôi say mê. Tôi đùa, Hồ Kiên Giang còn phong độ lắm! Vậy nên, thời gian này như một cái duyên nối liền nghiệp văn của anh, sau quãng dài anh dành cho báo.

Chuyện “cây kéo vàng” và “thánh đồng bằng”

Có lẽ khi đọc đến trang cuối cùng của tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot” tôi vẫn bồi hồi và ray rứt lòng mình. Gần 250 trang sách với 12 truyện ngắn viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh cách mạng từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, và hình ảnh người lính trong thời bình. Thân phận con người trở nên vô chừng trong chiến tranh. Đi từ cuộc chiến đến thời bình, kỳ thực, năm mươi năm nhưng có những thân phận của buổi tao loạn ấy vẫn khiến người đọc cay sè mắt mình.

Cái hay của Hồ Kiên Giang là khảm chữ “tình” thật đậm sâu vào trang viết, để từ đó độc giả ngày nay soi chiếu cuộc chiến qua lăng kính trái tim. Khóc đó, rồi cười ngay đó. Như chính tôi, một người sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đã hát khúc thanh bình, nhưng khi đọc các tác phẩm có chủ đề chiến tranh vẫn không khỏi rưng rưng tấc dạ.

Nhà văn Hồ Kiên Giang.

Nhà văn Hồ Kiên Giang.

Tôi nhớ lần đầu mình gặp Hồ Kiên Giang là một mùa mưa ngập cả sân Trạm T80 của Quân Khu 9, trong một trại sáng tác. Chiều châu thổ mưa mênh mông, Hồ Kiên Giang lừng lững cầm chén rượu qua bàn tôi mời. Kỳ thực lúc đó tôi đang không khỏe với bệnh trào ngược dạ dày nên đành từ chối. Ấy vậy mà Hồ Kiên Giang nhắc mãi. Đến tận bây giờ, khi anh em đã thân thiết hơn buổi đầu sơ giao đó, đã ngồi chung bàn khề khà với nhau nhiều lần, đã í ới gọi nhau hàng chục cuộc điện thoại mà cuộc nào cũng cả tiếng đồng hồ, thì anh vẫn ghẹo tôi bằng câu chuyện lần đầu gặp nhau ấy.

Hồ Kiên Giang làm báo, viết thơ, rồi cả truyện ngắn và bút ký đều ghi đậm dấu ấn của mình trên văn đàn. Nhưng, để có một Hồ Kiên Giang dạn dày phong sương nhưng đậm đà tình thương như vậy là một hành trình đầy gian nan. Quãng thời gian anh về Hà Nội học viết văn rất khó khăn. Khi ấy phải cày cuốc báo để đắp đổi qua ngày. Có lần ngồi cùng cuộc rượu ở Ninh Kiều, anh bảo vẫn nhớ như in cái truyện “Đào nhì” đăng 2 kỳ trên 1 tờ báo uy tín ngoài Hà Nội. Điều đó là chưa hề có tiền lệ. Thậm chí hồi đó mấy tờ báo luôn thương nhà văn, đôi khi ứng tiền nhuận bút trước dù bài chỉ mới duyệt chứ chưa kịp in.

Có dịp ngồi cùng anh nhiều, mới thấy một Hồ Kiên Giang đắm đuối cùng văn chương mãnh liệt. Trong các sự kiện của bạn bè văn chương anh luôn ân cần và hết mình. Như mới đây, khi tôi về Cần Thơ dự ra mắt sách của nhà văn Cao Thanh Mai, trên đường đi anh điện thoại liên tục hỏi thăm, sợ đói bụng giữa đêm thì ghé nhà anh ăn, để anh nấu cơm. Mới sáng sớm đã thấy anh chạy đến khách sạn để dẫn đi ăn sáng. Vậy đó mà bước vào cuộc ra mắt sách là thấy anh tất bật kiểm tra bàn ghế, phông nền, rồi kịch bản, khách mời… Thể như chính anh mới là chủ nhân của bữa ra mắt sách đó. Tuy nhiên, với ai anh cũng quý trọng và hết mình như thế. Thậm chí đến trưa ngày về, anh giục phải ghé nhà anh để anh nấu bữa cơm mời, xong lên xe cho chắc bụng. Hồ Kiên Giang luôn là dùng cái tình tận tâm đối đãi cùng bạn bè văn chương.

Phụ trách tờ báo Quân khu 9, Hồ Kiên Giang luôn cố gắng chỉnh chu đến từng chi tiết trong bài viết. Có hôm trao đổi cùng anh đến tận hơn 11 giờ đêm về bài viết vừa gửi anh cho số báo tiếp theo vẫn nghe anh bảo đang trực báo. Sáng sớm mới hơn năm giờ sáng đã nhận tin nhắn anh duyệt bài. Tôi với nhà văn Trương Chí Hùng hay đùa anh là “Cây kéo vàng trong làng cắt tỉa”.

Nguyên do là có lần anh gọi Trương Chí Hùng gửi một bài bút ký, nhà văn xứ Bảy Núi đẩy một phát ra hơn 4.000 chữ, trong khi trang báo chỉ tròm trèm 1.200 chữ. Thế là Hồ Kiên Giang gọi điện thoại “nã đạn” Trương Chí Hùng, ấy vậy vẫn cặm cụi cắt gọt xuống cho khớp trang báo. Ngay cả chính tôi cũng đôi lần gặp cảnh “nã” như thế. Nên sau này, chúng tôi quyết phong cho Hồ Kiên Giang là “Thánh chửi đồng bằng”. Nhưng, đó là những câu chuyện vui giữa chúng tôi và Hồ Kiên Giang, chứ kỳ thực, anh rất quý các cộng tác viên đã gửi bài đến cho tờ báo quân khu mình đang phụ trách.

Chữ tình trổ bông từ những ruổi rong

Nghề báo cũng dẫn Hồ Kiên Giang đi rất nhiều nơi, chính trải nghiệm đó đã cho Hồ Kiên Giang có chất liệu để tạo nên những tác phẩm ấn tượng về hình ảnh anh bộ đội, và cả những câu chuyện buồn lộng lẫy mà đẹp đến khánh kiệt con tim người đọc. Truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot” đã đoạt giải Ba của cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014. Một truyện ngắn được viết khi Hồ Kiên Giang theo chiến sĩ các đội K sang đất bạn Campuchia để tìm hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại đây.

Câu chuyện khơi mạch từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2003 lần tiếp theo cùng đội K92 sang phum Đầm-năk Trây-dưng, sóc Khchơi-khang-thhol, huyện Đong-tung, tỉnh Kam-pốt, anh gặp được câu chuyện về một cô giáo Khmer may mắn thoát khỏi bọn Pol Pot được bộ đội Việt Nam che chở, dạy tiếng Việt và cho học làm y tá. Tại bệnh viện dã chiến, cô gái đã yêu anh bộ đội bị thương đang điều trị. Nhưng cuộc chiến đã cướp đi người yêu của cô. Xác anh được chôn tại đây, sau khi bộ đội Việt Nam tiêu diệt được Pol Pot rút về nước thì cô nguyện ở lại nhang khói cho người yêu mình. Hồ Kiên Giang hình thành câu chuyện, tạo nhân vật cô Mết, canh mộ phần người yêu cùng 49 đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên đất này. Tuy vậy, chính Hồ Kiên Giang vẫn thấy chưa ưng ý với truyện ngắn này, anh đành để đó.

Bìa cuốn “Trên núi Tưk-cot” của Hồ Kiên Giang.

Bìa cuốn “Trên núi Tưk-cot” của Hồ Kiên Giang.

Mãi đến năm 2007, anh theo đội K90 sang Campuchia tìm hài cốt liệt sĩ tại ấp Khdan, xã Xô-pây, huyện Sam-ma-ki Min-chi, tỉnh Kông-pông-chnăng thì gặp một cây thốt nốt quỳ. Cây thốt nốt bị bom mìn trong chiến tranh đánh bật gốc, nhưng nó cong thân mình, bám mạch nguồn, sống một cách mạnh mẽ cho đến bây giờ, trông hệt như một người đang quỳ. Chính người lính Pol Pot năm xưa nay đã quy y thành một nhà sư kể câu chuyện chôn sống một chiến sĩ bộ đội tại vườn thốt nốt. Một câu chuyện khiến ông ân hận trong cuộc đời này.

Bộ đội ta đào bới cả tháng ròng không thể tìm ra hài cốt người chiến sĩ. Hồ Kiên Giang bèn quay lại gặp người lính Pol Pot năm xưa để hỏi kĩ càng từng chi tiết một. Ông sư già trong nỗi ân hận cố gắng nhớ lại và bật ra chi tiết chiến sĩ bộ đội bị chôn trong tư thế ngồi. Thế là Hồ Kiên Giang chạy ra cây thốt nốt quỳ, cùng các đồng đội đào song song theo thân cây ngã la đà trên mặt đất. Khi lớp đất thứ hai vừa đào lên thì gặp tóc, rồi bắt đầu là xương cốt. Lần đầu tiên Hồ Kiên Giang đi bốc hài cốt của đồng đội trong sự đau đớn tột cùng. Lồng ngực anh tức nhói buốt từng cơn.

“Trên núi Tưk-cot” hoàn thành ngay sau đó, một truyện ngắn buồn nghẹn ngào nhưng cũng cho ta thấy một Hồ Kiên Giang cực kỳ cẩn trọng trong văn chương. 12 truyện ngắn trong tập truyện này đều khắc họa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ kiên trung cho lý tưởng vệ quốc. Tuy nhiên, cái độc đáo của Hồ Kiên Giang là không kể về cuộc chiến theo những lối viết dựng lại sự gian lao anh dũng, mô tả các trận đánh oai phong lẫm liệt. Hồ Kiên Giang chọn phục dựng cuộc chiến bằng ký ức của người còn ở lại, những nhân chứng của thời cuộc đó, sự kết nối hai miền quá khứ và thời gian bằng cảm xúc, tâm thức và cả sự ân hận lẫn tha thứ khiến cho chiều kích của truyện ngắn nở ra những miên man sâu thẳm.

Hồ Kiên Giang giờ đã về hưu, hành trình phía trước của anh với văn chương lại là một cuộc dấn thân đầy bứt thoát. Tôi tin vậy, nhưng chắc chắn đó vẫn luôn là những chuyến đi khắp miệt chín nhánh sông để chữ “tình” trên trang viết của anh thêm đậm đà. Dẫu anh sẽ khai phóng mình bằng nhiều mảng đề tài khác, nhưng có lẽ với tôi, cũng như độc giả đã yêu quý anh, hình ảnh người chiến sĩ dầu dãi nắng mưa đi tìm hài cốt đồng đội rồi dệt nên những tác phẩm hay khó thể phai mờ trong tâm trí mình.

Tống Phước Bảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ho-kien-giang-mien-man-sau-tham-tren-chin-nhanh-tinh-i751095/
Zalo