Hổ chết hàng loạt vì cúm A/H5N1, nguy cơ lây nhiễm từ động vật sang người ra sao?

Mới đây, thông tin về việc hàng chục con hổ tại hai vườn thú ở Đồng Nai và Long An chết do nhiễm cúm A/H5N1 khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.

Để hiểu rõ hơn về cơ chế lây lan của virus này và những biện pháp phòng ngừa cần thiết, Báo Người Lao Động đã cuộc trao đổi với PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM.

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng lý giải nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ động vật sang người

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng lý giải nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ động vật sang người

* Phóng viên: Trong bối cảnh hàng chục con hổ chết vì cúm A/H5N1, xin bác sĩ cho biết cơ chế lây lan của virus cúm A/H5N1 từ động vật sang người ra sao?

+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Cúm A/H5N1 chủ yếu lây lan giữa các loài chim, bao gồm các loại gia cầm như gà, vịt. Virus này có khả năng tấn công tế bào nhờ vào protein hemagglutinin, một yếu tố giúp virus xâm nhập cơ thể loài chim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus H5N1 có thể đột biến và tấn công các loài động vật có vú như hổ, báo, chó, mèo và cả người.

Mặc dù virus có thể lây lan từ chim sang động vật có vú, khả năng lây truyền giữa các loài động vật có vú, bao gồm cả người, thường bị hạn chế do khả năng nhân bản của virus trong cơ thể chúng bị suy yếu. Điều này có nghĩa là mặc dù nguy cơ lây lan có tồn tại, nó không phải là điều quá đáng lo ngại trong các trường hợp cụ thể như tại các vườn thú vừa qua.

* Với việc hàng chục con hổ bị chết vì nhiễm cúm A/H5N1, khả năng lây nhiễm sang người tại vườn thú nói riêng và lây lan ra cộng đồng như thế nào? Những biện pháp bảo vệ và phòng ngừa nào được khuyến cáo cho nhân viên vườn thú và du khách?

+ Về lây nhiễm cúm A/H5N1 từ hổ sang người, mặc dù khả năng này là có nhưng rất thấp. Virus chủ yếu lây từ gia cầm sang các loài thú như hổ qua thức ăn hoặc môi trường bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trực tiếp từ hổ sang người là rất nhỏ nếu các biện pháp phòng dịch được thực hiện đúng cách.

Bên cạnh đó, cần cách ly hổ bị nhiễm bệnh với người và các loài động vật khác. Đồng thời, áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt như khử trùng chuồng trại và xử lý xác hổ bị chết do bệnh dịch. Du khách và nhân viên tại các vườn thú cũng nên tuân thủ các hướng dẫn an toàn, bao gồm việc đeo khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với động vật.

* Cúm A/H5N1 có nguy cơ lây nhiễm ra các loài động vật khác trong vườn thú hoặc vật nuôi hay không?

+ Cúm A/H5N1, mặc dù có khả năng lây nhiễm cho động vật có vú, nhưng những trường hợp như vậy rất hiếm. Trong lịch sử, cúm A/H5N1 từng được phát hiện ở các loài hổ, báo tại Thái Lan (2005) và Trung Quốc (2016), cùng một số loài động vật khác như hải cẩu, heo và bò. Tuy nhiên, trên lý thuyết, virus này vẫn có thể lây lan sang các loài động vật khác trong vườn thú nếu có sự tiếp xúc gần hoặc chia sẻ môi trường bị nhiễm bệnh.

* Xin bác sĩ chia sẻ về các biện pháp y tế công cộng cần thiết để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của virus cúm A/H5N1 từ động vật sang người, đặc biệt là trong môi trường vườn thú?

+ Đầu tiên, nhân viên và du khách không nên tiếp xúc với gia cầm hoặc động vật có dấu hiệu bệnh lý hoặc đã chết. Cần hạn chế việc đến những khu vực có dịch cúm gia cầm.

Thứ 2, thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc thú vật. Đồng thời, cần tránh chạm vào mặt khi tay chưa sạch.

Khi ăn thức ăn là gia cầm cần nấu chín kỹ, đảm bảo nấu thịt gia cầm đạt đến nhiệt độ an toàn (74°C) trước khi sử dụng.

Thứ 4, nhân viên tại vườn thú cần mặc quần áo bảo hộ đầy đủ, bao gồm găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ, khi tiếp xúc với các loài động vật có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thứ 5, theo dõi tình hình dịch bệnh từ các cơ quan y tế công cộng. Đồng thời, liên tục theo dõi và cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch cúm gia cầm để người dân tuân thủ các hướng dẫn phù hợp.

Tin, đồ họa: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ho-chet-hang-loat-vi-cum-a-h5n1-nguy-co-lay-nhiem-tu-dong-vat-sang-nguoi-ra-sao-196241003143236289.htm
Zalo