Hình tượng rắn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam

Rắn là hình tượng khá quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt Nam và nhiều cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đáng chú ý, trong hình tượng rắn của người Việt Nam lại xuất hiện rất đa dạng với những biến thể khác nhau như rắn, trăn, thuồng luồng hay thậm chí là rồng… Trong dòng chảy văn hóa đó, rắn trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng to lớn, xuất hiện nhiều trong văn học, truyện cổ tích, hay các trò chơi con trẻ và trong cả tín ngưỡng dân gian… Bởi thế, trong bất cứ tạo hình nào thì hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định trong đời sống người Việt.

Rắn trong văn hóa người Việt

Thế giới loài rắn cũng phong phú, kỳ lạ và đầy bí ẩn, vừa hữu ích vừa nguy hiểm trong cuộc sống con người. Thế nhưng, chúng không phải là loài vật thân thiện, bất cứ điều gì gắn với con vật này đều có nghĩa độc ác, xấu xa, không mấy tốt đẹp. Những ý nghĩa về biểu tượng của rắn xuất phát từ chính nét đặc trưng của loài vật này như cách di chuyển khéo léo, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn của chúng. Hình ảnh rắn lột da tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới liên tục. Trong khi nọc độc của rắn lại liên tưởng đến những mặt xấu của con người.

Đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang (một thủy thần gắn với nguồn phúc thủy của nông nghiệp)

Đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang (một thủy thần gắn với nguồn phúc thủy của nông nghiệp)

Trong văn hóa Việt, rắn không chỉ là loài động vật bình thường mà còn trở thành một biểu tượng tâm linh. Từ xa xưa, người Việt có nhiều câu chuyện truyền thuyết về loài rắn trong truyện cổ tích Thạch Sanh, rắn báo oán trong vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc... Bởi vậy, rắn trong tiềm thức mỗi người đã dần trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm, gian xảo, ma mãnh và độc ác… Và từ đó, dân gian thường lấy rắn để ví von, so sánh cho những điều xấu xa của con người. Đối với những người ngoài miệng tử tế, nhưng bụng dạ nham hiểm, người đời thường có câu “khẩu phật, tâm xà”.

Với những người quá quắt thì không có gì đúng hơn câu “miệng hùm, nọc rắn”. Đại thi hào Nguyễn Du còn viết trong Truyện Kiều: “Thân ta ta phải lo âu/ Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”. Còn đối với những người thích vẽ vời, bày đặt thêm những thứ không cần thiết, làm cho sự việc thêm rắc rối, phiền phức thì có câu thành ngữ “Vẽ rắn thêm chân”. Thậm chí, để lên án kẻ gây ác lại đổ vấy tội cho người hiền lành vô tội, dân gian còn có câu: “Giở trò đổ nọc cho lươn/ Mưu ma chước độc còn hơn mãng xà”. Hay những câu cửa miệng quen thuộc như: “Cõng rắn cắn gà nhà”; “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”…

Tuy nhiên, rắn lại được tượng trưng cho sự may rủi, nhất là truyền thống văn hóa phương Đông. Trong đời sống hàng ngày, người Việt Nam có rất nhiều kiêng kỵ, trong đó là việc xuất hành đầu năm mới hoặc mỗi khi có việc quan trọng như cưới hỏi, thi cử… Theo quan niệm dân gian, nếu đi công việc mà gặp được rắn là may mắn, bởi “Rắn đi, Quy về” - nghĩa là ra ngõ gặp rắn thì tiếp tục đi còn gặp rùa thì quay về, hoặc “Khi đi gặp rắn thì may/ Khi về gặp rắn thì hay ăn đòn”… Qua đó, rắn là biểu tượng đa nghĩa, đa diện trong văn hóa Việt Nam.

Các món được chế biến từ rắn được CNN Travel giới thiệu

Các món được chế biến từ rắn được CNN Travel giới thiệu

Từ tín ngưỡng dân gian…

Trong tâm thức người Việt, rắn vừa là biểu tượng văn hóa hiện thân của cái xấu, điều dữ, vừa ẩn chứa trong nó sự bao dung, nhân tình nhân tính. Dù gì thì đó cũng là lối tư duy đầy tính nhân văn và khoan dung của người Việt truyền thống tự ngàn xưa. Bên cạnh đó, xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, rắn lại là loài vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức của người Việt từ rất sớm bởi đó không chỉ là nguồn nước uống, tưới tiêu, canh nông, sinh hoạt hàng ngày mà nước còn là nguyên nhân chính gây nên những hiểm họa từ thiên nhiên như mưa bão, lũ lụt. Cùng với thời gian và sự phát triển về ý thức, tín ngưỡng thờ vật tổ là cơ sở quan trọng của việc hình thành các biểu tượng về cái thiêng, thậm chí là con vật lại là biểu tượng cho vương quyền. Từ đó, tục thờ rắn đã ra đời trên cơ sở tâm lý ấy.

Thời nhà Lý (1010 - 1255), một điều liên quan mật thiết với rắn được thông qua hình tượng “con Rồng thời Lý”, được chạm trổ ở các chi tiết kiến trúc, đại diện cho thế lực vương triều. Theo cảm nhận chủ quan của nhiều người cũng như các nhà sử học, thực chất đó chỉ là một con rắn cách điệu từ con rồng trong dân gian đã có từ lâu đời. Đến thời Trần, Lê, rắn đã trở thành thần, thành hoàng được thờ phổ biến nhiều nơi tại các làng, xã Việt Nam, xuyên suốt từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng châu thổ đến trung du miền núi như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng…

...Đến đời sống ẩm thực

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng loài vật này, rắn cũng giống như những loài động vật khác, chúng cũng trở thành món ăn đặc biệt được ưa chuộng trong ẩm thực người Việt. Làng Lệ Mật ở quận Long Biên, Hà Nội vốn được mệnh danh là “làng rắn”, nơi có nhiều món ăn độc đáo làm từ rắn đã đem lại trải nghiệm thú vị cho nhiều thực khách. Thậm chí, đặc sản rắn Lệ Mật còn được “lên sóng” Kênh truyền hình chuyên về du lịch CNN Travel và được kênh này gợi ý món thịt rắn cho du khách khi đến Hà Nội như một “trải nghiệm mạo hiểm”.

Làng Lệ Mật đã bắt và nuôi rắn từ hơn 200 năm trước để làm thuốc chữa bệnh. Thời xưa, người làng dùng tiết rắn để chữa đau đầu, mật rắn để trị các bệnh xương khớp. Những năm gần đây, người dân làng Lệ Mật mới chế biến rắn thành món ăn và từ đó nhiều người mới biết đến nơi đây như một làng ẩm thực, được quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Thực khách lần đầu thử món thịt rắn sẽ nhận ra những hương vị quen thuộc của rau húng, nước mắm và tỏi. Món nem rắn, rắn cuộn lá lốt và rắn xào lăn cũng được nhiều người ưa thích bởi thịt rắn giòn, bổ dưỡng…

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hinh-tuong-ran-trong-dong-chay-van-hoa-viet-nam-post601518.antd
Zalo