Hình tượng Phật Di Lặc trong Phật giáo Nguyên thủy và Bắc truyền

Ngài được xem là chắc chắn xuất hiện trong thời đại mạt pháp, chắc chắn là một vị Phật sẽ thành, để khôi phục và dẫn dắt chúng sinh biết tới những điều căn bản của Tứ Đế, Bát Chính đạo, vô thường, vô ngã,…

Cư sĩ Phúc Quang (tóm lược)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

Tên gọi “Di Lặc”

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (An Giang) - Ảnh: Minh Nam

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (An Giang) - Ảnh: Minh Nam

Từ Di Lặc là phiên âm tiếng Việt, tiếng Phạn là “Maitreya”, tiếng Pali là “Metteyya” (dịch âm Hán Việt là Di Đế Lệ, Mai Đế Lệ, Mê Đế Lệ,…). Tên Di Lặc dịch theo ý nghĩa là “Từ Thị”, ý nói tới là người có lòng từ bi, lòng yêu thương bao la.

Phần I. Bài kinh Nguyên thủy giới thiệu: “Thế Tôn Di Lặc”

1. Sự xuất hiện trong kinh điển Nguyên thủy

Hình tượng Di Lặc được nhắc tới trong Trường Bộ kinh (Digha Nikaya), bài kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (thuộc hệ thống Tam tạng Nguyên thủy) với danh xưng là Thế Tôn, cụ thể được đặt ở bối cảnh tương lai rất xa so với thời đại của đức Phật Thích ca Mâu Ni.

“Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya sẽ ra đời, là vị A la hán, Chính Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; như Ta nay sinh ra ở đời này, là bậc A la hán, Chính Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng, tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người; như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời và loài Người. Vị này sẽ thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; như Ta hiện nay thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn; như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỷ kheo Tăng đoàn.

Phật tương lai Di Lặc (ở giữa), Gandhara, thế kỷ thứ 3 - Ảnh: Wikipedia

Phật tương lai Di Lặc (ở giữa), Gandhara, thế kỷ thứ 3 - Ảnh: Wikipedia

Này các Tỷ kheo, vua Sankha sẽ cho thiết lập cung điện mà vua Mahà Panada đã thiết lập. Sau khi thiết lập, vua trú tại đó. Sau vua lại bố thí cung điện ấy, dâng cúng cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, các hàng bần cùng, du đãng, ăn xin, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình dưới sự chỉ đạo của Thế Tôn Metteyya, bậc A la hán, Chính Đẳng Giác. Vị này xuất gia như vậy, sống một mình, biệt lập, tinh tấn, trì chú, chuyên tâm, chẳng bao lâu chứng được vô thượng phạm hạnh, mà vì mục đích này các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Với vô thượng phạm hạnh này, ngay trong hiện tại, vị này tự tu, tự chứng, đạt đến và an trú.”.

2. Nét đặc trưng chính của Thế Tôn Di Lặc

Tượng Di Lặc trong Mật tông, Viện bảo tàng Patan, Kathmandu (Nepan) - Ảnh: Wikipedia

Tượng Di Lặc trong Mật tông, Viện bảo tàng Patan, Kathmandu (Nepan) - Ảnh: Wikipedia

Trong kinh điển Pali, Ngài Di Lặc không được nói về thân thế, trú ở cõi đời nào, lý do trụ ở cõi đời đó, hay pháp môn Ngài tu hành, chỉ có một vài đặc điểm chính nhất được nêu lên ở Ngài Di Lặc như sau:

2.1. Bối cảnh Ngài xuất hiện

Bối cảnh đầy đủ được đề cập đến trong kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống

(1). Suy thoái xã hội và đạo đức

Kinh mô tả con người rơi vào sự suy đồi trầm trọng, hành tạo ác nghiệp, đời sống vẩn đục, tuổi thọ con người vì thế mà giảm dần chỉ còn khoảng 10 tuổi.

(2). Sau thời kỳ suy đồi

Một nhóm người vẫn giữ được đạo đức và những người ẩn tu, thương xót chúng sinh mà giáo huấn lại lối sống, khôi phục lại giá trị con người, nhờ đó xã hội chuyển biến tốt đẹp. Trải qua thời gian rất dài, tuổi thọ con người đạt tới 8 vạn tuổi.

(3). Thế Tôn Di Lặc hạ thế Khi tuổi thọ con người đạt tới 8 vạn tuổi, xã hội tốt đẹp, Thế Tôn Di Lặc ra đời.

2.2. Mười Danh hiệu

Ngài được thế gian xưng tụng với 10 danh hiệu thể hiện phẩm chất tối thượng tương tự với đức Thích ca Mâu ni:

(1). A la hán: Vị chứng Niết bàn, cắt đứt toàn bộ mọi kiết sử (phiền não).

(2). Chính Đẳng Giác (Có chỗ ghi là Chính Biến Tri): Là cái biết chân chính, không sai lầm.

(3). Minh Hạnh Túc: Trí tuệ, đức hạnh đều viên mãn.

(4). Thiện Thệ: “Thiện” là thiện lành, “Thệ” là đã đi qua, vượt qua, chuyển hóa,… Ở đây, Thiện Thệ được hiểu là người đã đi qua luân hồi, tới chỗ thiện lành.

(5). Thế Gian Giải: Người thấu triệt, giải nghĩa được mọi thứ trên thế gian.

(6). Vô Thượng Sĩ: Vị cao quý không ai bằng.

(7). Điều Ngự Trượng Phu: Người điều phục được mọi tâm, mọi hạng chúng sinh.

(8). Thiên Nhân Sư: Thầy của Trời, Người.

(9). Phật: Bậc toàn giác (Nhiều tài liệu ghi danh hiệu này là “Như Lai”, cũng nói tới Bậc toàn giác, ngoài ra còn có nghĩa là người đến từ chân lý, đi về chân lý, nương vào Chân như mà thị hiện).

(10). Thế Tôn: Bậc được thế gian tôn kính.

2.3. Chứng ngộ và tuyên thuyết

Ngài chứng ngộ, có trí tuệ, tuyên thuyết cho mọi hạng chúng sinh.

Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ nghĩa lý, dẫn lối đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

3. Tại sao Thế Tôn Di Lặc không ra đời vào thời suy đồi?

Từ trong bản kinh trên, ta nhận thấy rằng Thế Tôn không ra đời vào thời đại xã hội suy đồi, khi con người mất đi đạo đức, cho tới khi nền tảng đạo đức được hồi phục, xã hội chuyển biến tốt đẹp, tới lúc đó Ngài mới xuất hiện.

Sự xuất hiện của một bậc Toàn giác cũng cần hội tụ đủ của nhân duyên, cần sự tương ưng của nhiều yếu tố để thị hiện. Từ kinh, ta có thể suy luận được rằng con người thời kỳ suy đồi không có căn cơ, không đủ khả năng lẫn đạo đức để tiếp nhận giáo lý.

Một xã hội thấp kém như vậy chắc chắn không tồn tại hạt giống của từ bi, của yêu thương, hay trí tuệ. Xã hội vẩn đục ác nghiệp tới mức loài người chỉ thọ 10 tuổi là sự biểu thị cho đời sống đầy tham, sân, si. Những nhân duyên như vậy, con người, xã hội như vậy, không có cơ sở tương ưng cho một vị Phật nương tựa ra đời.

Phần II. Sự phát triển hình tượng ngài Di Lặc qua hệ thống tư tưởng Bắc truyền

Trong kinh điển Nguyên thủy, không có chi tiết về hành trình tu tập của Ngài dưới hình ảnh một danh xưng nào như cư sĩ, tu sĩ, hay Bồ tát, cũng không có sự miêu tả về các Bồ đề hạnh, chỉ đơn giản Ngài được nhắc tới là vị Thế Tôn tương lai, xuất hiện mang ý nghĩa là sự tiếp nối dòng chảy của thời gian trong bối cảnh hồi phục của Chính pháp sau thời kỳ suy tàn.

Tuy nhiên, khi đối chiếu vào hệ thống kinh điển rộng lớn của tư tưởng Phật giáo Bắc truyền, Phật Di Lặc có nhiều câu chuyện hơn, Ngài được xem hiện đang là một vị Bồ tát, tích cực tu tập tại cõi trời khác để thành Phật trong tương lai.

1. Thân thế Bồ tát Di Lặc

Tượng Phật Di Lặc tạc vào vách núi Lạc Sơn (Lạc Sơn Đại Phật) ở Trung Quốc, khởi xây vào năm 713 - Ảnh: Wikipedia

Tượng Phật Di Lặc tạc vào vách núi Lạc Sơn (Lạc Sơn Đại Phật) ở Trung Quốc, khởi xây vào năm 713 - Ảnh: Wikipedia

Theo kinh Di Lặc Thượng sinh và kinh Hiền Ngu Nhân Duyên, tại nước Ba La Nại (Vãrãnasĩ), thành Kiếp Ba Lợi (Kalpali), Bồ tát Di Lặc hạ sinh làm con của một gia đình Bà la môn quyền thế.

Ngài sinh ra với 32 tướng tốt, 80 nét đẹp, thân có màu vàng, tâm tính nhân từ, được gọi với cái tên là A Dật Đa (Ajita). Sau khi lên núi Linh Thứu bái kiến đức Thích ca, A Dật Đa sinh tâm ngưỡng mộ, theo đức Phật xuất gia.

Ngài được đức Phật nhiều lần thọ ký sẽ trở thành vị Phật tương lai. Một hôm Ngài ngồi kiết già, nhập diệt và hóa sinh tại cung trời Đâu Suất, lúc này A Dật Đa được gọi là Bồ tát Di Lặc.

Tại cung trời này, Ngài được mô tả là vị giáo chủ, ngày đêm nói pháp, tiếp tục tu hành, đợi đủ duyên sinh đắc quả thành Phật để xuống cõi Ta bà giáo hóa.

Tiền thân của Bồ tát Di Lặc trong kinh Diệu pháp Liên Hoa

Bồ tát Di Lặc tên là A Dật Đa (Ajita) và họ là Từ Thị. Trong vô lượng kiếp quá khứ, có đức Phật hiệu là Đại Thống Trí Như Lai ra đời thì cả đức Thích ca (tiền kiếp) và Bồ tát Di Lặc (tiền kiếp) cùng phát tâm cầu Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

Đến khi đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì Ngài Di Lặc mới phát tâm xuất gia. Tuy xuất gia nhưng ngài Di Lặc không chú tâm tu hành mà muốn kết thân, cầu danh với những hàng danh gia vọng tộc, quan quyền, giàu có nên Ngài sẽ thành Phật sau đức Phật Thích ca gần mười tiểu kiếp (Chúng sinh trải qua một lần xã hội suy đồi, giảm dần tuổi thọ xuống còn 10 tuổi, rồi xã hội phục hồi, chuyển biến tốt đẹp, lại tăng dần tới 8 vạn tuổi. Một vòng chu kì như vậy gọi là một tiểu kiếp. Khái niệm này có từ thời Ấn Độ cổ, không phải của Phật giáo).

Về sau nhờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy cho pháp tu Duy Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, Vạn pháp duy thức”, nhưng mãi đến thời Phật Nhiên Đăng xuất thế thì Ngài mới chứng được tam muội thiền định. Đến đời Phật Thích ca được thọ ký thành Phật kế tiếp ở hội Long Hoa tại cõi Ta bà.

Trong phần này, những bộ kinh điển Bắc truyền cũng có điểm chưa đồng nhất, kinh Thủ Lăng Nghiêm lại ghi rằng Bồ tát Di Lặc được Phật Thích ca chỉ dạy pháp môn Duy Thức trong thời đại Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh chứ không phải Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy pháp Duy Thức cho Ngài Di Lặc.

2. Nhân vật trung tâm của pháp môn Duy Thức

Trong kinh Diệu pháp Liên Hoa, Luận Du Già, hay kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ tát Di Lặc được biết tới là trung tâm của pháp môn quán Duy Thức (hay Duy Thức tông - Du Già Hành tông).

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ tát Di Lặc là một trong những vị tới Pháp hội nghe Phật Thích ca khai thị cho Tôn giả A - nan và đại chúng về sự viên thông (tức thông hiểu một cách viên dung, không còn ngăn ngại). Tại kinh này, Bồ tát Di Lặc thuyết sự viên thông của mình về thức đại.

“Mọi sự sự vật vật đều chỉ do thức tâm biến hiện. Sự vật sở tri (đối tượng bị biết) là tướng phần (cái tướng bị thấy), tính năng tri (chủ thể nhận biết) là kiến phần (cái thấy). Kiến phần và Tướng phần không thể tách rời nhau, ngoài Kiến phần không có Tướng phần, ngoài Tướng phần không có Kiến phần, nên tuy hình như chia ra có Kiến phần, Tướng phần, nhưng hai phần đều đồng một thức thể, không có sai khác. Tu được định duy thức, thì ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm, đến khi chứng được Vô thượng diệu viên thức tâm, thì nhận thấy tất cả sự sự vật vật, dù tâm, dù cảnh, dù hữu tình, dù vô tình, dù Thánh, dù phàm, đều do tính duy Thức biến hiện, không có sai khác; do đó, rời được Biến kế chấp tính (chấp vào sự biến đổi) và Y tha khởi tính (nương tựa nhân duyên mà khởi), chứng được tính Viên thông.”

Kinh Diệu pháp Liên Hoa và Luận Du Già mô tả Bồ tát Di Lặc đang tu ở cung trời Đâu Suất, chuyên giảng môn Duy Thức học (còn gọi là Luận Du Già).

Trong đó, kinh Diệu pháp Liên Hoa nhắc tới Bồ tát Di Lặc là đại diện của “Trí”, ở đây khi chưa viên mãn nên vẫn còn là “Trí phân biệt”, Ngài cần tu hành cho tới khi cái trí đó diệt tận được sự phân biệt, ngay cả Niết bàn được lập ra cũng chỉ để đối với sinh tử, không phải tối thượng giải thoát, phải diệt cả sự phân biệt Niết bàn – sinh, tử.

3. Hình tượng trong Hoa Nghiêm kinh

Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc không được mô tả về thân thế, không chiếm vai trò trung tâm, thuyết giảng pháp môn, thay vào đó Ngài được xây dựng là một trong bốn khía cạnh của một Toàn thể Pháp giới tính, gồm có:

Đức Tỳ Lô (Tỳ Lô Xá Na Phật) là giáo chủ, cho nên lập ra “thể”. Do ngài Văn Thù đứng đầu nơi tín, cho nên lấy làm “dụng”. Dùng ngài Phổ Hiền để phát khởi hạnh, cho nên chỉ bày cái “nhân”. Khởi đầu từ thập tín, kết thúc bằng ngũ vị (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng Giác), thì thấy “Di Lặc” - tức Ngài là “quả”.

Bốn biểu tượng này không thể thiếu, không thể xa rời nhau, thiếu một thì không thành Phật.

Đối với thể, dụng, nhân và quả của Hoa Nghiêm, chư Phật và chúng sinh như một, nhưng chư Phật tương ưng với tính giác, chúng sinh ứng với tham luyến, cho nên có sự

cách biệt. Đối với kinh này, một niệm xuất hiện mà ứng với tính giác, ắt sẽ gạt bỏ được phiền não, Tỳ Lô, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc của chính mình sẽ hiển hiện trọn vẹn ngay nơi đây.

4. Vai trò biểu tượng ở nhiều bộ kinh khác

Trong nhiều bộ kinh Bắc truyền ví dụ như kinh Đại Bát Nhã Ba la mật đa, kinh Phật thuyết A Di Đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Duy Ma Cật sở thuyết… Bồ tát Di Lặc không đóng vai là một nhân vật cốt lõi, Ngài vẫn được xây dựng là đang ở tại cõi trời Đâu Suất, làm chủ một cõi, tuy nhiên hình ảnh nổi bật của Bồ tát Di Lặc với chúng sinh là biểu tượng của vị tiếp theo thành Phật từ lời thọ ký của Phật Thích Ca.

Hình ảnh của Bồ tát Di Lặc tuy không gắn liền với một đức tính nào đó, như từ bi đã có Bồ tát Quán Âm, trí tuệ là Bồ tát Văn Thù, đức hạnh là Bồ tát Phổ Hiền, vãng sinh Tịnh độ của Phật A Di Đà, cõi Tịnh độ Trần gian của Cư sĩ Duy Ma Cật… tuy nhiên Bồ tát Di Lặc lại mang một ý nghĩa đặc biệt với chúng sinh qua biểu tượng của hy vọng và tương lai.

Ngài được xem là chắc chắn xuất hiện trong thời đại mạt pháp, chắc chắn là một vị Phật sẽ thành, để khôi phục và dẫn dắt chúng sinh biết tới những điều căn bản của Tứ Đế, Bát Chính đạo, vô thường, vô ngã,…

Dẫu không mang nét đặc trưng riêng biệt như các vị Bồ tát khác, nhưng Bồ tát Di Lặc lại dung hòa những phẩm chất cao quý của một bậc toàn diện.

Chi tiết dễ nhận biết nhất là Ngài xuất hiện trong hầu hết các kinh Bắc truyền dưới hình ảnh là vị Bồ tát từ cõi trời Đâu Suất, tới để tham gia Pháp hội, như một cách củng cố niềm tin cho chúng sinh đối với nhiều bài kinh.

Lời kết

Tượng Phật Di lặc khắc vào khoảng thế kỷ 11 trong hang núi của chùa Linh Ẩn Tự tại Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) - Ảnh: Wikipedia

Tượng Phật Di lặc khắc vào khoảng thế kỷ 11 trong hang núi của chùa Linh Ẩn Tự tại Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) - Ảnh: Wikipedia

Hình tượng Ngài Di Lặc trong Phật giáo Nguyên thủy và Bắc truyền mặc dù có những khác biệt đáng kể về nội dung kinh điển và sự phát triển tư tưởng nhưng đều chung một sứ mệnh quan trọng: Biểu tượng của hy vọng, sự giác ngộ, và tiếp nối ngọn đèn Chính pháp.

Trong kinh điển Nguyên thủy, Ngài được nhắc đến như một vị Thế Tôn tương lai, xuất hiện ở thời kỳ thịnh vượng sau sự suy thoái của đạo đức xã hội, cho thấy sự tuần hoàn và hồi phục của đạo đức trên phương diện gắn liền lẽ đời thế gian (có sinh, có diệt, rồi lại sinh). Trong khi đó, Phật giáo Bắc truyền mở rộng hình tượng Ngài qua nhiều câu chuyện, nhấn mạnh vai trò của một vị Bồ tát hiện đang tích cực tu tập ở cung trời Đâu Suất, đại diện cho trí tuệ Duy Thức và là nguồn động lực tinh thần trong thời mạt pháp.

Tuy nhiên, bất chấp những điểm khác biệt, Ngài Di Lặc vẫn đóng vai trò là một hình ảnh biểu tượng cho niềm tin bất diệt. Các bài kinh có thể khác nhau về tiền thân, về đức hạnh đại diện của Ngài, hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác,… nhưng có một điểm nhất quán trong mọi kinh điển như một ý niệm gắn liền với Ngài Di Lặc: Ngài sẽ là vị Phật tiếp theo từ lời tuyên thuyết của đức Thích ca.

Cư sĩ Phúc Quang (tóm lược)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống thuộc Trường Bộ kinh (Digha Nikaya), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu.

2. Kinh Di Lặc Bồ tát Thượng sinh, Thiền Tâm luận Đàn, Việt dịch: Huyền Thanh.

3. Hiền ngu nhân duyên kinh luận giải, Hán dịch: Sa môn Tuệ Giác, Việt dịch: Thích Trung Quán, NXB. Hồng Đức, 2020.

4. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, NXB. Tôn giáo, 2021.

5. Luận Du già sư địa, Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi, Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang, Việt dịch: Nguyên Huệ, NXB. Hồng Đức, 2013.

6. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021.

7. Kinh Hoa Nghiêm thám huyền ký, Đại sư Pháp Tạng, Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ, NXB. Phương Đông, 2012.

8. Kinh Đại Bát nhã Ba la mật đa, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, NXB. Tp Hồ Chí Minh, 1999.

9. Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải giảng ký, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Sa - môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh, Pháp sư Tịnh Không giảng thuật, Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép, Chuyển ngữ bởi Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006.

10. Kinh Quán Vô lượng Thọ Phật, Hán dịch: Lưu Tống, Cương Lương, Gia Xá, Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

11. Kinh Duy - Ma - Cật sở thuyết (Vimalakirtinirdesa - Sutra), dịch bởi Tuệ Sỹ, NXB. Phương Đông, 2008.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hinh-tuong-phat-di-lac-trong-phat-giao-nguyen-thuy-va-bac-truyen.html
Zalo