Hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm văn học nghệ thuật
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác văn học nghệ thuật. Tại Nam Định, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, hình ảnh Bác Hồ đã in đậm trong tâm hồn bao thế hệ văn nghệ sĩ. Từ những bức tranh đầy xúc cảm, đến vần thơ sâu lắng hay giai điệu thiết tha, tất cả đều góp phần khắc họa sinh động chân dung người cha già vĩ đại của dân tộc, giản dị mà cao cả.

Bức tranh “Bác Hồ với công nhân Nhà máy Dệt” của họa sĩ Vũ Minh.
Nhiều họa sĩ Nam Định đã tìm thấy trong hình tượng Bác Hồ một mạch nguồn biểu cảm sâu lắng, từ đó sáng tạo tạo nên những tác phẩm đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Qua từng nét vẽ, họ không chỉ tái hiện hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu, mà còn gửi gắm vào đó lòng biết ơn, sự ngưỡng vọng và trách nhiệm gìn giữ một biểu tượng văn hóa tinh thần bất tử. Họa sĩ Dương Đức Điện đã sáng tác hàng trăm bức tranh cổ động về Bác suốt nhiều thập kỷ. Trên các chất liệu đa dạng như pa-nô bột màu, màu nước, sơn dầu, khắc gỗ hay tranh gốm, ông đều tái hiện hình ảnh Bác Hồ bằng tất cả sự trân quý và ngưỡng mộ. Những bức tranh tiêu biểu như “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967), “Bác thăm Nhà máy Dệt” (1984), “Bác thăm nhà trẻ” (2003) tái hiện Bác vừa uy nghiêm, vừa gần gũi trong đời sống thường nhật. Họa sĩ Đặng Sơn Nam cũng là một tên tuổi kỳ cựu, nổi bật với tác phẩm sơn dầu “Bác Hồ với thiếu nhi” - hoàn thành sau nhiều năm thai nghén và được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1990. Trong tranh, Bác hiện lên hiền từ giữa vòng tay các em nhỏ, phía sau là bồ câu hòa bình bay lượn. Trước khi vẽ, ông đã dày công tìm hiểu tư liệu, mong thể hiện trọn vẹn thần thái của Bác. Với ông, đây là một “đóa hoa tinh thần” dâng lên người cha già vĩ đại của dân tộc.
Một nhân vật đặc biệt trong dòng chảy mỹ thuật Nam Định là họa sĩ Lê Đức Biết. Dù quê gốc Bình Định, nhưng ông đã sống và sáng tác tại Nam Định nhiều năm, coi nơi đây là mảnh đất nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật. Các tác phẩm như “Trên đường chiến dịch”, “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, “Đêm đông Việt Bắc”… khắc họa hình ảnh Bác Hồ giữa chiến sĩ, khi giản dị, khi trầm tư, lúc lặng lẽ đắp chăn cho người bệnh giữa rừng khuya. Ông theo đuổi phong cách hiện thực, mộc mạc, chú trọng chiều sâu tâm lý và cảm xúc. Với ông, mỗi bức tranh là một hành trình tri ân, một nén tâm nhang gửi vào ký ức. Thực tế cho thấy, các họa sĩ Nam Định đã không ngừng vun đắp hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tài năng và lòng biết ơn sâu sắc để mỗi bức vẽ không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là thông điệp về đạo đức, nhân cách và di sản tinh thần còn mãi với thời gian.
Trên sân khấu âm nhạc, hình tượng Bác Hồ cũng ngân vang qua nhiều giai điệu tự hào. Không ít nhạc sĩ Nam Định đã sáng tác các ca khúc ca ngợi Bác với cảm xúc chân thành. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kiều Dư đặc biệt khéo léo khi đưa những lời dạy của Bác trong sáng tác các bài hát. Lời ca trong các nhạc phẩm của ông thường thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Tiêu biểu như bài hát văn “Kết đài hoa dâng Bác” - một sáng tác ca ngợi lực lượng Công an nhân dân - đã vận dụng lời căn dặn của Bác đối với người chiến sĩ Công an làm chất liệu lời ca, vừa giàu tính trữ tình vừa chứa đựng thông điệp sâu sắc.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trọng Dự lại chọn cách gửi gắm tình cảm với Bác Hồ qua những giai điệu tuổi thơ. Ông là tác giả của tập ca khúc “Mẹ em kể chuyện Bác Hồ” gồm 11 bài hát viết riêng cho thiếu nhi. Trong tập nhạc này có nhiều bài đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học trò, như “Tuổi thơ bay xa” hay “Bông hoa tình bạn”, từng đoạt giải cao tại các kỳ hội diễn Hoa Phượng Đỏ toàn quốc ở thập niên 1980. Bằng ca từ trong sáng và giai điệu tha thiết, nhạc sĩ Trọng Dự đã giúp hình ảnh Bác Hồ đi vào tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên, nuôi dưỡng lòng kính yêu Bác từ những ngày còn thơ bé.
Với nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng, là điểm tựa tinh thần trong hành trình sáng tác thơ ca. Ngay từ khi còn là học sinh, Trần Văn Lợi đã bị cuốn hút bởi những vần thơ viết về Bác của Chế Lan Viên, Tố Hữu, Trần Đăng Khoa… và cả những bài thơ do chính Bác sáng tác. Tình cảm ấy lớn dần theo thời gian, thấm sâu vào tâm hồn và trở thành dòng chảy bền bỉ trong thơ. Ghi dấu ấn đặc biệt trong mảng đề tài về Bác Hồ, Trần Văn Lợi từng đoạt giải B tại Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định tổ chức, với chùm 11 bài thơ mang đậm sắc thái trầm lắng và chân thành. Những tác phẩm như "Ngôi nhà Bác ở", "Đường cứu nước", "Trồng cây càng nhớ lời Người"… không cầu kỳ về hình thức nhưng giàu hình ảnh và xúc cảm. Qua từng câu chữ, Bác hiện lên gần gũi, đời thường - từ mái nhà sàn giản dị đến con đường kháng chiến gian nan, từ lời dặn trồng cây đến tầm nhìn xa về thế hệ mai sau. Bên cạnh thơ, Trần Văn Lợi còn dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu, với các công trình như Thư Bác Hồ qua những mùa trăng, nhà thơ Hải Như và những bài thơ về Bác, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lòng yêu nước cho thanh thiếu nhi… Mỗi tác phẩm về Bác là sự tri ân, bài học đạo lý thấm đẫm yêu thương, gửi đến học trò như một cách tiếp nối và lan tỏa những giá trị mà Người để lại.
Với chất liệu điêu khắc gỗ, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Đức đã dành nhiều năm miệt mài tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuất thân từ làng nghề La Xuyên - cái nôi chạm khắc gỗ nổi tiếng của Nam Định, ông khéo léo kết hợp kỹ thuật truyền thống với tư duy sáng tạo đương đại để tạo nên những tác phẩm giàu cảm xúc và chiều sâu tinh thần. Hơn chục pho tượng và phù điêu lớn nhỏ về Bác đã ra đời từ bàn tay ông, mỗi tác phẩm đều được nâng niu như những “đứa con tinh thần”. Tiêu biểu trong số đó là phù điêu “Bác Hồ với nhân dân Nam Định” - hiện được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh. Tác phẩm phác họa cảnh Bác đứng giữa vòng tay đồng bào trong một lần về thăm Nam Định, gương mặt rạng ngời niềm vui và tình thân ái. Một tác phẩm khác là bức tượng gỗ “Em mơ gặp Bác Hồ” (2015), tái hiện hình ảnh Bác ngồi ân cần bên cạnh một em nhỏ - từng được giới thiệu tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức đã hoàn thành bức tượng “Bác Hồ trồng cây”. Tác phẩm diễn tả khoảnh khắc Bác hơi cúi mình, tay cầm xẻng vun gốc cho một mầm xanh, bên cạnh là gương mặt hân hoan của một em nhỏ đang dõi theo Người... Hình ảnh ấy tái hiện hành động quen thuộc của Bác, thấm đẫm triết lý sâu xa về tương lai dân tộc, tinh thần cô đọng trong lời dạy bất hủ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Từ âm nhạc, mỹ thuật đến thơ ca, sân khấu, điêu khắc… ở lĩnh vực nào, các văn nghệ sĩ Nam Định cũng gửi trọn tình cảm kính yêu vào hình tượng Bác Hồ và gặt hái nhiều thành quả đáng trân trọng. Những tác phẩm không chỉ giàu tính nghệ thuật, ca ngợi công lao và phẩm chất cao đẹp của Người, mà còn lan tỏa những thông điệp nhân văn sâu sắc. Qua đó, góp phần bồi đắp lý tưởng sống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và cổ vũ mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống hôm nay.