Hình thành vùng nuôi nhuyễn thể, trồng rong biển chuyên canh
Theo chuyên gia, nếu được đầu tư hợp lý, ngành nhuyễn thể và rong biển có tiềm năng trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực thủy sản, chỉ đứng sau tôm và cá tra. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch và hình thành, phát triển các vùng nuôi nhuyễn thể, trồng rong biển tập trung theo hướng chuyên canh, bảo đảm chất lượng.
Chưa thực sự “chuyển mình”
Cục Thủy sản cho biết, năm 2024, diện tích nuôi nhuyễn thể là 57.000ha (tăng 5,5% so với năm 2022, chiếm khoảng 90% tỷ trọng diện tích nuôi biển), sản lượng nhuyễn thể là 432.000 tấn (chiếm 56% tổng sản lượng nuôi biển); diện tích trồng rong biển là 16.500ha, sản lượng rong biển là 155.000 tấn.
Hiện, cả nước có 635 cơ sở sản xuất, ương dưỡng nhuyễn thể. Năm 2024, tổng sản lượng giống nhuyễn thể sản xuất đạt hơn 190 tỷ con. Các đối tượng nhuyễn thể được nuôi phổ biến bao gồm các loài: ngao/nghêu, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông... 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 195,3 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng xuất khẩu chủ yếu là ngao/nghêu, hàu, sò, vẹm.
Với rong biển, theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng để trồng rong ở nước ta khoảng 900.000ha. Việt Nam cũng đã ghi nhận được 827 loài rong biển thuộc 4 ngành là rong lam 88 loài; rong đỏ 412 loài; rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quy mô thị trường rong biển dự kiến sẽ tăng 5,56 tỷ USD và ước tính sẽ tăng tốc độ CAGR là 7,22% trong giai đoạn 2023-2028. Sự tăng trưởng của thị trường chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm và đồ uống có hương vị rong biển và ý thức ngày càng tăng về sức mạnh sức khỏe của người dùng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, ngành nuôi nhuyễn thể và trồng rong vẫn chưa thực sự “chuyển mình” do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng giống, tiêu thụ sản phẩm, chất lượng môi trường nuôi, dịch bệnh.
Những năm qua, nghề nuôi ngao tại Nam Định luôn được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Hiện, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định với diện tích nuôi là 2.350ha, sản lượng ngao trung bình hàng năm đạt hơn 45.000 tấn/năm. Năm 2023, tỉnh khoảng 4.000 tấn ngao cho xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định cho biết, những năm gần đây, các vùng nuôi ngao thương phẩm thường gặp tình trạng chết hàng loạt, nhất là vào các tháng cuối năm đã ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng ngao thương phẩm. Tình trạng thiếu nguồn ngao giống bố mẹ đạt tiêu chuẩn, hiệu quả sản xuất giống ngao kém, cùng với giá giống ngao giai đoạn ngao cám thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của người dân. Nhiều diện tích nuôi ngao thương phẩm hiện đang bị bỏ hoang; cơ sở sản xuất giống ngao sản xuất ít và chuyển sang sinh sản các đối tượng khác...
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam Nguyễn Hồ Nguyên, ngành nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng môi trường sống, dịch bệnh, cạnh tranh thị trường gay gắt, chất lượng con giống chưa bảo đảm, giá ngao thiếu ổn định và quy hoạch chưa rõ ràng...
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị
Cục Thủy sản cho biết, năm 2025, ngành đặt mục tiêu sản lượng rong tảo biển đạt 180.000 tấn (trong đó 170.000 tấn thu hoạch gần bờ và 10.000 tấn thu hoạch xa bờ), nhuyễn thể 480.000 tấn (trong đó 460.000 tấn thu hoạch gần bờ và 20.000 tấn thu hoạch xa bờ). Năm 2030 đạt sản lượng rong tảo biển đạt 500.000 tấn (trong đó 400.000 tấn thu hoạch gần bờ và 100.000 tấn thu hoạch xa bờ), nhuyễn thể 650.000 tấn (trong đó 550.000 tấn thu hoạch gần bờ và 100.000 tấn thu hoạch xa bờ).
Hướng tới mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đổi mới các chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư vào nông nghiệp; ưu tiên thu hút những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư và tham gia vào xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa bền vững, có giá trị gia tăng cao; phát triển thêm nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Nhật...). Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, nhất là vùng sản xuất giống nhuyễn thể nhằm không ngừng nâng cao chất lượng con giống...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm tạo điều kiện cho tỉnh thường xuyên tham gia các chương trình hợp tác quốc tế và tiếp nhận những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển giống thủy sản gắn với thu hút đầu tư vào trung tâm giống nhuyễn thể; nhập khẩu công nghệ một số đối tượng thủy sản nuôi; đào tạo kỹ thuật và cán bộ quản lý giống thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, giáo dục bảo vệ môi trường...
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể đối với hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm làm cơ sở quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh các loại nhuyễn thể, rong tảo biển.
Bộ cũng tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, tín dụng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, thức ăn nuôi trồng, chế biến thủy sản. Quy hoạch và hình thành, phát triển các vùng nuôi nhuyễn thể, trồng rong biển tập trung theo hướng chuyên canh và quy mô đủ lớn, bảo đảm chất lượng. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, tập trung giải quyết bài toán con giống; chú trọng đến công tác thú y, phòng chống dịch bệnh gắn với an toàn sinh học; mở rộng hợp tác quốc tế; nghiên cứu các phương thức nuôi phù hợp...