Hình thành thói quen văn hóa khi tới bảo tàng

Sau gần 1 tháng mở cửa đón khách, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Được biết, bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí đến hết tháng 12 năm nay.

Nơi lưu giữ hơn 150.000 hiện vật

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới khánh thành ở địa chỉ Km 6+500 Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.

Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng. Kiến trúc bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Bên cạnh đó, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.

Trưng bày bên ngoài Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trưng bày bên ngoài Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thật ấn tượng. Khu nhà bảo tàng nổi bật với sân trước và tòa tháp Chiến thắng cao 45m, tượng trưng cho dấu mốc năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với đó là khối nhà bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính rộng 64.640m2, tổng chiều cao 35,8m.

Cánh bên phải, trái là khu trưng bày các hiện vật ngoài trời. Phía bên trái, trưng bày những vũ khí, trang bị của quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược và sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiêu biểu có: Pháo 85mm; Pháo cao xạ 57mm; Xe tăng PT67 số hiệu 555; Máy bay MiG 17 số hiệu 2047; Máy bay SU22...

Phía bên phải bảo tàng trưng bày những loại vũ khí, trang bị quân đội Pháp và Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tiêu biểu có: Các loại pháo, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng. Đặc biệt có Pháo tự hành M-107 cỡ nòng 175mm được mệnh danh là “Vua Chiến trường” cùng nhiều loại máy bay của quân đội Mỹ bỏ lại sau chiến tranh như máy bay A37, F5E, CH47, C130 và hàng chục loại bom, quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Trong không gian hai bên cánh của tòa nhà là khối biểu tượng khát vọng hòa bình với những cành cây, mầm xanh và cánh chim bồ câu bay lên từ xác máy bay.

Đây là phần trưng bày biểu tượng giới thiệu Việt Nam mong muốn Hòa bình và hiểu được giá trị của Hòa bình với các nước trên thế giới. Quả địa cầu và những tấm gương phản chiếu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương đến thế kỷ XX, qua đó khẳng định từ ngàn xưa, nhân dân Việt Nam đã mong muốn được hòa bình; và đã chấp nhận những khó khăn gian khổ, hy sinh xương máu để đất nước được độc lập, tự do, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Bước qua sảnh chính là nơi trưng bày chiếc “Én bạc” MiG-21 mang số hiệu 4324. Điều gây ấn tượng và bất ngờ đối với khách tham quan đó chính là chiếc MiG-21 khổng lồ được treo trên các sợi cáp gắn với mái, tạo cảm giác như đang xuất kích bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng có 9 phi công điều khiển chiếc “Én bạc” 4324, đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần, bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trên thân của chiếc MiG-21 in hình 14 ngôi sao màu đỏ, tượng trưng cho 14 máy bay địch bị bắn hạ. Chiếc máy bay này được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia ngày 14/1/2015.

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề. Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Chủ đề 2: Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858; Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945; Chủ đề 4: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1945 - 1954; Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975; Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến ngày nay.

Không gian rộng của bảo tàng mới không chỉ trưng bày các hiện vật mà giới thiệu nhiều hình ảnh tư liệu quý về các cuộc họp quan trọng, quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam; quá trình tổ chức chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị, cung cấp cho du khách cái nhìn tổng thể, chi tiết về các sự kiện.

Không nên biến bảo tàng thành chỗ để “phông bạt”

Trong những ngày qua, cao điểm, có ngày bảo tàng đón lượng khách kỷ lục lên tới khoảng 40.000 người. Việc thu hút lượng người đến bảo tàng đông “kỷ lục” là đáng mừng. Nhưng trong sự vui mừng ấy, đáng buồn là nhiều người thiếu ý thức khi đến với một nơi cần sự nghiêm ngắn như bảo tàng.

Chẳng hạn như cách đây ít ngày, dư luận dậy sóng về một cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng quay phim, chụp ảnh. Đoạn clip sau khi đưa lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Trong mấy ngày đầu mới mở cửa, không chỉ mình cô gái trên, một số người khác cũng đã leo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để chụp ảnh check-in.

Ngay khi phát hiện sự việc, phía Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, tất cả các lối lên không thuộc khu vực mở cửa trưng bày đã được chăng dây, đặt rào chắn và có biển thông báo “Không phận sự miễn vào”.

Từ phía bảo tàng, do mới đi vào hoạt động không tránh khỏi những sơ sót, vì thế mới có “kẽ hở” để một số người lợi dụng mà leo lên nóc nhà, hay đu bám, sờ vào hiện vật, leo trèo lên hiện vật trưng bày để chụp ảnh… Hiện nay, nhiều biện pháp đã được bảo tàng thắt chặt, ngăn chặn những hành vi không đáng có từ phía du khách khi tới bảo tàng.

Trước những hành vi quá lố của một số khách tham quan, đa số ý kiến đã chỉ trích hành động leo lên nóc bảo tàng, hay đu bám vào hiện vật… Có ý kiến cho rằng điều này bộc lộ lối sống “phông bạt” của một số người trẻ khi bất chấp sự an toàn, bất chấp quy định để cố tình tìm góc quay, góc chụp lạ nhằm câu view. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho con đu bám vào xe tăng cũng cho thấy ý thức chưa tuân thủ các quy định ở bảo tàng. Một tài khoản trên mạng đã bức xúc: “Đã vào bảo tàng lịch sử mà từ cha mẹ đến trẻ nhỏ đều vô ý thức. Cha mẹ là người lớn biết suy nghĩ, đi tham quan những nơi như vậy mà ý thức bằng 0 thì làm sao con trẻ nó nên người?”.

Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử cần phải gìn giữ. Bảo tàng cũng là nơi để nhắc nhở người ta nhớ về cuội nguồn lịch sử dân tộc. Đến bảo tàng đông là điều tốt, nhưng đến bảo tàng chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân, hay có ý khoe khoang là điều không nên. Từ câu chuyện trên, đã tới lúc gia đình, nhà trường cần dạy cho con trẻ một số kỹ năng khi đến bảo tàng, ở nơi công cộng. Nếu gia đình thi thoảng cho con đi xem triển lãm, đến với bảo tàng, hẳn các con sẽ có thêm những kỹ năng ứng xử cần thiết. Nếu nhà trường thay vì tổ chức những buổi dã ngoại rình rang, lặp lại hình thức và tốn kém mà đưa trẻ đến với bảo tàng, triển lãm… chắc chắn sẽ giúp cho trẻ hiểu hơn về lịch sử và văn hóa của dân tộc. Thói quen nên được hình thành ngay từ nhỏ, thay vì để mạng xã hội dẫn dắt hàng ngày…

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hinh-thanh-thoi-quen-van-hoa-khi-toi-bao-tang-158187.html
Zalo