Hiệu quả từ những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Linh hoạt lồng ghép chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình mục tiêu quốc gia là cách làm được huyện Tam Đường chú trọng thực hiện nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Tạo đòn bẩy, hỗ trợ người dân giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Về thăm các bản: Nà Tăm, Nà Hiềng và Coóc Noọc (xã Nà Tăm), chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà sàn khang trang ngay bên đường giao thông nông thôn được đổ bê-tông sạch, đẹp. Được biết, xã Nà Tăm có 8 bản, 728 hộ với hơn 3.800 nhân khẩu, 98% dân tộc Lào cùng sinh sống. Đời sống của nhân dân trước đây gặp nhiều khó khăn do độc canh cây ngô, lúa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Trước thực tế đó, hằng năm, xã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng bản; lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ sinh kế để hộ nghèo có vốn, giống, nông cụ sản xuất và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Cán bộ xã, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây, con giống và mô hình sản xuất thích hợp để tăng năng suất, sản lượng, thu nhập.
Đối với cây lúa, các hộ nghèo được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón; cán bộ chuyên môn của huyện, xã “cầm tay chỉ việc” trong thâm canh, tăng vụ. Hiện, toàn xã Nà Tăm gieo cấy hơn 300ha lúa 2 vụ, trồng 87ha mắc-ca. Từ năm 2015 đến nay, xã tập trung vận động bà con chuyển đổi diện tích nương, ruộng kém hiệu quả sang trồng chè. Nhà nước hỗ trợ cây giống, kinh phí thuê nhân công trồng cùng phân bón… Theo đó, diện tích chè đã lên tới 250ha (giống chè shan tuyết, kim tuyên và PH8); trong đó có 167ha chè kinh doanh. Từ nguồn vốn giảm nghèo, 2 năm gần đây, xã đầu tư mở rộng diện tích trồng 45ha dong riềng. Hỗ trợ bà con chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng ớt; liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chè, ớt, thóc cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn bà con bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) chăm sóc chanh leo.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn bà con bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) chăm sóc chanh leo.

Đồng chí Vàng Văn Kẻo - Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, xã lồng ghép triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, chú trọng hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm; hết năm 2024 có 55 hộ thoát nghèo, còn 7% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo”.
Gia đình ông Lò Văn Bun ở bản Coóc Noọc (xã Nà Tăm) trước đây thuộc diện hộ nghèo do sản xuất 1 vụ ngô, lúa địa phương mỗi năm, hiệu quả kinh tế thấp. Được cán bộ huyện, xã định hướng chuyển đổi 1ha nương, ruộng sang trồng dong riềng, Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng, gia đình ông làm theo và có thu nhập khá. Ngoài ra, ông còn nuôi vỗ béo trâu thịt. Tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 70 triệu đồng.
Ông Bun tâm sự: “Gia đình tôi được địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi thông qua tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; Nhà nước hỗ trợ máy cày, bừa đất, giống ngô, lúa và phân bón. Tôi chủ động tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề do xã phối hợp tổ chức và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Nhờ đó, cuối năm 2023, gia đình tôi ra khỏi diện hộ nghèo”.
Thực hiện giảm nghèo bền vững, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã Khun Há phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào để quần chúng nhân dân noi theo. Cùng với nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, nhân dân trong xã sản xuất trên 235ha chè, 175ha chanh leo, 55ha cây ăn quả, 420ha thảo quả.
Được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng từ 1 lên 2 vụ cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Bà con xã Tả Lèng tận dụng lợi thế tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên đẹp với núi rừng hùng vĩ và lưu giữ bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc Mông để phát triển du lịch cộng đồng. Năm qua, xã giảm 8% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của huyện Tam Đường những năm qua là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia. Trong đó, huyện, các xã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn và hằng năm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người dân vốn, giống, kinh nghiệm chuyển đổi giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao. Quan tâm, thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết với người dân, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2024, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai dự án trồng chè, chanh leo; nuôi trâu, ngựa thương phẩm và hỗ trợ máy cày, bừa cho hộ nghèo giải phóng sức lao động, nâng cao sản lượng lương thực. Nhờ đó, huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 6-7%/năm.
Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều, hằng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Huyện giám sát việc hỗ trợ các nguồn vốn giảm nghèo đảm bảo đúng người được hưởng lợi về cơ giới, gia súc và giống cây trồng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Diện mạo mới vùng nông thôn, nhất là bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện ngày càng khởi sắc, chất lượng sống của người dân từng bước nâng lên.

Thu Minh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-t%E1%BB%AB-nh%E1%BB%AFng-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-d%C3%A0nh-cho-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91
Zalo