Hiệu quả từ đề án tăng gia sản xuất, chế biến
Năm 2021, Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo Cục Quân nhu phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Đề án 'Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất (TGSX), chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030' (Đề án QN-21). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu (TCHC) về kết quả sau 3 năm thực hiện đề án.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, mục tiêu chủ yếu của Đề án QN-21 là gì?
Thiếu tướng An Phương Nam: Những năm qua, bên cạnh kết quả tích cực, công tác TGSX, chế biến tại các cơ quan, đơn vị còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Nhiều đơn vị quỹ đất TGSX hạn chế, chưa gắn với quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, thiếu tính ổn định, bền vững. Nguồn lực đầu tư cho TGSX so với nhu cầu chưa cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đồng bộ; dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao...
Để nâng cao hiệu quả công tác TGSX, chế biến, Cục Quân nhu tham mưu với TCHC xây dựng, triển khai Đề án QN-21, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Mục tiêu trọng tâm của Đề án QN-21 là: Triển khai nhân rộng các mô hình điểm trong toàn quân phù hợp với quy mô từng loại hình đơn vị, gắn với tiềm năng, lợi thế vùng miền; thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng TGSX, chế biến đồng bộ, an toàn, bền vững. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong TGSX, phấn đấu đơn vị bảo đảm tự cung cấp 100% nhu cầu rau xanh, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, 30-40% nhu cầu trái cây, 40-50% nhu cầu thịt bò, 50-60% nhu cầu cá. Nghiên cứu, ban hành biểu tổ chức biên chế phù hợp với từng cấp, từng loại hình đơn vị.
PV: Cục Quân nhu đã tham mưu với trên triển khai Đề án QN-21 như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng An Phương Nam: Trong giai đoạn 1, các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, học viện, nhà trường lựa chọn đơn vị đại diện khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng; triển khai xây dựng mô hình điểm tại 7 đơn vị; lựa chọn 3 đơn vị thí điểm tổ chức biên chế tổ TGSX, chế biến. Sau khi thống nhất về nội dung, TCHC chỉ đạo Cục Quân nhu ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình điểm, cách thức tổ chức trong từng khâu, từng bước, bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.
PV: Đề án QN-21 đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
Thiếu tướng An Phương Nam: Qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án QN-21 tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là các đơn vị xây dựng mô hình điểm về công tác TGSX, chế biến. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hiệu quả công tác TGSX, chế biến của các đơn vị thực hiện đề án đều vượt chỉ tiêu từ 15 đến 70%. Một trong những điểm mới, nổi bật so với trước đây, đó là các đơn vị xây dựng mô hình điểm đã căn cứ quy định, điều kiện thực tế để khảo sát, lập, bổ sung quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, trong đó bố trí phân khu chức năng TGSX, chế biến tập trung.
Trong trồng trọt, các đơn vị đã tiết kiệm được nguồn nước tưới, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều đơn vị đã tự chủ động được một phần nguồn cung cấp con giống an toàn; tự túc, cân đối, điều hòa được nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, bảo đảm an toàn đưa vào bếp ăn thường xuyên theo chu trình khép kín, hạn chế khai thác thực phẩm ngoài thị trường, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần bộ đội.
PV: Cần những nội dung, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Đề án QN-21 trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Thiếu tướng An Phương Nam: Các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đề án chặt chẽ, đúng quy định. Rà soát, bố trí quỹ đất lập quy hoạch khu TGSX, chế biến tập trung gắn với quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại; bố trí phân khu chức năng rõ ràng, phù hợp quy định chung của địa phương. Đề nghị các quân khu chỉ đạo bộ CHQS các tỉnh (thành phố) tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan huy động các nguồn lực cho TGSX, chế biến; hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, cây con giống, chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng.
Đề nghị thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng quy hoạch phân khu chức năng sử dụng đất quốc phòng; cân đối, điều chỉnh, ưu tiên bố trí thêm quỹ đất phù hợp để các cơ quan, đơn vị quy hoạch, bố trí khu TGSX, chế biến tập trung. Tăng ngân sách đầu tư TGSX, chế biến tập trung, triển khai đồng bộ, bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện bố trí chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản, chế biến thực phẩm tại các trường ngoài Quân đội để nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!