Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các ngành, địa phương đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp qua đó đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm nhanh và chắc theo từng năm đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm tốt công tác giảm nghèo.

TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI NGHÈO VƯƠN LÊN

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể theo các dự án thành phần của chương trình như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Lãnh đạo Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Lãnh đạo Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Gia đình chị Đặng Thị Nga ở thôn Cây Thị, xã Đạo Viện (Yên Sơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Được tạo điều kiện về nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn thêm anh em, họ hàng, gia đình chị đã đầu tư mua 2 con trâu sinh sản và phát triển hơn 2 ha rừng. Các thành viên trong gia đình chị còn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó mô hình trồng rừng và nuôi trâu phát triển ổn định, cuối năm 2023, rừng keo của gia đình chị được khai thác. Từ bán gỗ rừng trồng và trâu, gia đình chị thu về 160 triệu đồng.

Gia đình anh Ngô Văn Lý, dân tộc Mông ở thôn 8, xã Minh Hương (Hàm Yên) vừa được hỗ trợ làm nhà mới theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ ngày có nhà mới, gia đình anh đã “an cư lạc nghiệp” và đẩy mạnh phát triển kinh tế để tăng thu nhập. Anh Lý dột nát nữa, gia đình anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng để tăng nguồn thu, cố gắng thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.

Người dân thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) được hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) được hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai 84 dự án phát triển sản xuất, trong đó 20 dự án hỗ trợ trồng trọt, 62 dự án chăn nuôi, 1 dự án phi nông nghiệp với tổng số 2.964 hộ tham gia dự án, trong đó 1.554 hộ nghèo, 612 hộ cận nghèo, 107 hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số 2.148 hộ. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai gắn với quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, hộ gia đình, nhóm hộ, hợp tác xã, tham gia các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo công ăn việc làm, có sinh kế ổn định góp phần tăng thu nhập giảm nghèo bền vững. Đồng thời tỉnh còn triển khai hiệu quả các chính sách về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, về giải quyết việc làm, học nghề... Từ đó đã tạo động lực mạnh mẽ để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo mà Tuyên Quang tập trung thực hiện đó là công tác tuyên truyền về giảm nghèo, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Trong đó xác định mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Đại diện Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè cho người dân xã Tân Thành (Hàm Yên).

Đại diện Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè cho người dân xã Tân Thành (Hàm Yên).

Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình) cho biết: Công tác tuyên truyền đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo. Người dân từ chỗ ngại thay đổi đã tích cực áp dụng các mô hình sản xuất mới thay thế phương thức canh tác lạc hậu trước đây. Những mô hình thực hiện hiệu quả giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn xã được triển khai như: tư vấn hỗ trợ người dân đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động, mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng, nuôi lợn đen, vịt suối...

Nhiều hộ nghèo từ sự hỗ trợ, tiếp sức đã nỗ lực vươn lên. Ngoài các chương trình của Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo về đào tạo nghề, hỗ trợ cây con giống, triển khai các mô hình giảm nghèo… thì từ các nguồn lực xã hội hóa, hoạt động thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người nghèo có thêm động lực vươn lên.

Theo đồng chí Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương), thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ủy xã Kháng Nhật đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, trong đó xác định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng là một thế mạnh của địa phương giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Xã cũng đã triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với người trồng rừng như: tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi phát triển nghề trồng cây lâm nghiệp, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 năm 2017 của HĐND tỉnh... Hiện nay nghề trồng rừng đã trở thành một nghề chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế trên địa bàn xã ngày càng phát triển hơn nữa, xã đã về đích nông thôn mới vào năm 2023.

Thu hút đầu tư, tạo việc làm mới cho lao động giúp giảm nghèo hiệu quả. (Trong ảnh: Lao động làm việc tại nhà máy của Công ty
TNHH Sản xuất giày Chung JYE Tuyên Quang).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,45% đầu năm 2022 xuống còn 18,9% cuối năm 2022, trong năm giảm 4,55%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 37,31% xuống còn 30,15%, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 7% (huyện Lâm Bình giảm 7,39%, huyện Na Hang 9,89%). Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,9% xuống còn 14,03%, trong năm giảm 4,87%, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 30,15% xuống còn 22,03%, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 7% (huyện Lâm Bình giảm 7,59%, huyện Na Hang 8,15%). Mục tiêu năm 2024 toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,03% xuống còn 11,02%...

Những kết quả tích cực đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần hoàn thành các mục tiêu chung của toàn tỉnh. Điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), phấn đấu đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm trở lên. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản thiết yếu. Thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả, đi vào chiều sâu cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Song song với chủ trương, quyết sách hỗ trợ kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cần khơi dậy sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực của người dân trong vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, phát huy mọi nguồn lực tập trung thực hiện công tác giảm nghèo đảm bảo lâu dài, bền vững.

Đồng chí Lê Thế Đạt
Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình

Hỗ trợ kịp thời hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Bằng những nguồn lực hỗ trợ kịp thời đã giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống người dân trên địa bàn huyện ngày càng được đảm bảo, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của huyện từ 6.334 hộ, chiếm tỷ lệ 55,91% năm 2021, xuống còn 3.863 hộ, chiếm tỷ lệ 33,38% năm 2024. Có được kết quả trên, địa phương đã vận dụng phù hợp các giải pháp mang tính đột phá, như: mô hình phân công đảng viên, vận động xã hội hóa công tác giảm nghèo, từ đó chương trình giảm nghèo đã đem lại kết quả cao. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều bứt phá để giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Đồng chí Trần Văn Tú
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa

Giúp nông dân giảm nghèo bền vững

Nhằm giúp nông dân giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp Hội hướng dẫn, vận động nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, củng cố các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, như: phối hợp đào tạo nghề lao động nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cho vay phân bón trả chậm; tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh để nhân rộng. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, giúp đỡ hộ nông dân nghèo có địa chỉ;... Thông qua các chương trình, hoạt động của Hội và sự phấn đấu, nỗ lực của hội viên, nông dân đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Hoạch
Giám đốc HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình

Chung tay hỗ trợ người nghèo

Với trách nhiệm xã hội và tinh thần sẻ chia, hàng năm, HTX đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và gia đình chính sách. Chúng tôi dành tặng 50 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 200.000 đồng và 10 suất quà nhân dịp 27/7, mỗi suất 500.000 đồng, đồng thời tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của xã.

Cách đây 2 năm, HTX đã hỗ trợ 40 triệu đồng giúp gia đình ông Phùng Kim Đĩnh ở thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) xây dựng nhà ở. Năm 2024, ngoài tiền hỗ trợ của HTX, thì HTX đã kêu gọi thêm các mạnh thường quân được tổng số tiền 110 triệu đồng hỗ trợ làm nhà cho 2 hộ nghèo tại huyện Hàm Yên và Lâm Bình. Những đóng góp này là tấm lòng, trách nhiệm của HTX với cộng đồng và cũng là mong muốn của HTX được đóng góp, chung tay với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ người nghèo, vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hieu-qua-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-202347.html
Zalo