Hiệu quả từ các mô hình an toàn thực phẩm trong trường học

Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học đã trở thành vấn đề quan tâm của các bậu phụ huynh và nhà trường. Tại huyện Phù Ninh, nhiều mô hình sáng tạo của các trường học không chỉ đảm bảo ATVSTP mà còn góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và ý thức bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ.

Trường Mầm non Thanh Lâm nổi bật với mô hình “Nuôi gà sạch” được triển khai trong khu vực riêng biệt cách xa khu sinh hoạt của trẻ gần 200m. Với diện tích hơn 1.200m2, khu chăn nuôi được bố trí hợp lý và vệ sinh thường xuyên. Nhà trường nuôi hai loại gà chính là gà lấy thịt và gà đẻ trứng, bao gồm các giống như: Gà mía số 1 - Dabaco và gà mía Sơn Tây. Trung bình mỗi năm, khu chăn nuôi cung cấp từ 400 - 450kg thịt và lượng lớn trứng gà, đảm bảo nguồn thực phẩm tươi ngon cho bữa ăn của trẻ.

Mô hình “Nuôi gà sạch” của Trường Mầm non Thanh Lâm

Mô hình “Nuôi gà sạch” của Trường Mầm non Thanh Lâm

Nguồn thức ăn chăn nuôi là lúa, ngô, sắn đều được tự cung cấp từ vườn trồng tại nhà trường, kết hợp với chế độ chăm sóc đảm bảo như: Tiêm vaccine phòng bệnh, khử trùng chuồng trại định kỳ và điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ phù hợp. Mô hình này không chỉ đảm bảo ATVSTP mà còn giảm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày.

Công tác đảm bảo ATVSTP ở Trường Mầm non Thanh Lâm luôn được chú trọng

Công tác đảm bảo ATVSTP ở Trường Mầm non Thanh Lâm luôn được chú trọng

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Lâm chia sẻ: “Ý tưởng triển khai mô hình “Nuôi gà sạch” bắt nguồn từ mong muốn tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho các bữa ăn của trẻ ngay tại trường. Tận dụng diện tích đất rộng, chúng tôi đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rau, việc tự chủ nguồn thực phẩm không chỉ giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giảm thiểu chi phí cho nhà trường và phụ huynh học sinh”.

Cùng với đó, để đảm bảo ATVSTP trong trường học, nhà trường còn tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo tháng, lồng ghép những nội dung tuyên truyền về quy định vệ sinh ATVSTP; tác hại của việc mất vệ sinh ATVSTP đối với xã hội nói chung và với trẻ mầm non nói riêng; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hình thành nền nếp thói quen tốt, hành vi văn minh có lợi cho sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ, tạo môi trường an toàn, không có ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh xảy ra trong nhà trường.

Năm học 2024-2025, Trường Mầm non Phú Nham, huyện Phù Ninh có 191 trẻ với tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%. Mỗi ngày trẻ được ăn 1 bữa chính tại trường vào buổi trưa, với thực đơn được thay đổi hàng ngày, bảo đảm sự phong phú và đủ chất dinh dưỡng theo yêu cầu.

Mô hình “Vườn rau sạch cho bé” của Trường Mầm non Phú Nham đã cải thiện để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho trẻ

Mô hình “Vườn rau sạch cho bé” của Trường Mầm non Phú Nham đã cải thiện để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho trẻ

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho trẻ, nhà trường đã triển khai mô hình “Vườn rau sạch cho bé”. Công việc trồng rau do Công đoàn nhà trường và nhà bếp gieo trồng, chăm sóc. Nhà trường đã tận dụng rác thải hữu cơ như: Nước vo gạo, vỏ rau củ quả hàng ngày đem ủ mục làm phân hữu cơ chăm bón cho vườn rau.

Nhà trường tổ chức thu hoạch rau theo đợt, trung bình mỗi ngày vườn rau của trường cung cấp khoảng 8kg rau xanh các loại, phục vụ trực tiếp bữa ăn của trẻ. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí thực phẩm mà còn đảm bảo cơ cấu bữa ăn hàng ngày của trẻ với những loại rau xanh tươi ngon nhất.

Cô Nguyễn Thị Việt Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với việc trồng nhiều loại rau theo mùa, vườn rau mang lại một nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú cho cô trò trong trường. Bên cạnh đó, mô hình tạo điều kiện để các bé được trải nghiệm, rèn luyện, có ý thức về lao động, biết trân trọng những thành quả lao động gắn việc học đi đôi với hành, nhà trường gắn giáo dục với lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Cùng với mô hình “Vườn rau cho bé”, mô hình “Bếp ăn đảm bảo ATVSTP” cũng được trường chú trọng triển khai. Để triển khai hiệu quả mô hình, nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh và đơn vị cung ứng thực phẩm ký cam kết thực hiện mô hình.

Mô hình bếp ăn của Trường Mầm non Phú Nham được xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị, bố trí theo dây chuyền bếp một chiều

Mô hình bếp ăn của Trường Mầm non Phú Nham được xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị, bố trí theo dây chuyền bếp một chiều

Mô hình bếp ăn của trường được xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị, bố trí theo dây chuyền bếp một chiều. Bếp ăn có diện tích khoảng 150m2 khang trang, thoáng mát, có kho để nguyên liệu, trang bị tủ lưu mẫu thức ăn, dụng cụ lưu mẫu thức ăn theo quy định về ATVSTP. Các loại thực phẩm ký hợp đồng với nhà cung cấp luôn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, bếp ăn của trường cũng có đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý cũng như các bản cam kết về ATVSTP.

Nhà trường thường xuyên phối hợp với tổ giám sát ATVSTP, Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra việc thực hành đảm ATVSTP trong suốt quá trình nhập, bảo quản, sơ chế, chế biến, sử dụng. Tiến hành kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP. Mô hình bếp ăn của nhà trường đã được công nhận bếp ăn đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành y tế.

Qua những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh, các mô hình này đã khẳng định giá trị của việc gắn kết giáo dục với thực tiễn, giúp trẻ không chỉ được nuôi dưỡng khỏe mạnh mà còn hình thành nhân cách và ý thức bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên sự bền vững cho giáo dục toàn diện, cần được nhân rộng trong các cơ sở giáo dục trong và ngoài huyện.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-226190.htm
Zalo