Hiệu quả tín dụng chính sách tại Long An

Qua 10 năm Long An thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội' đã giúp hơn 400 nghìn lượt hộ gia đình, người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Long An thụ hưởng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội trong tiến trình xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp.

Gia đình ông Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (Bến Lức, Long An) đã xin ra khỏi hộ nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách xã hội.

Gia đình ông Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (Bến Lức, Long An) đã xin ra khỏi hộ nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là đòn bẩy quan trọng trong việc giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Long An có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm tựa của người nghèo

Gia đình ông Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (Bến Lức, Long An) có 4 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo.

Năm 2020, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức cho vay 50 triệu đồng để mua máy móc, cải tạo 2.000m2 đất vườn để trồng chanh không hạt. Kết quả sau hơn 2 năm trồng, vườn chanh cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm, gia đình đã chính thức vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Chí chia sẻ, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình đã có thu nhập ổn định từ cây chanh, lo được cho 2 con học xong đại học, có việc làm ổn định, gia đình đã xin thoát khỏi hộ nghèo. Trả hết nợ cũ, gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để thuê 5000m2 đất trồng chanh và mai vàng. Thành quả của mảnh vườn đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao trong thời gian tới.

Các bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức thăm gia đình ông Trương Trọng Chí.

Các bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức thăm gia đình ông Trương Trọng Chí.

Gia đình bà Trần Thị Hồng Hạnh, ấp 5, xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức) có 3 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo, chồng mất do tai nạn giao thông, một mình nuôi 2 con.

Năm 2010, bà Hạnh được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lợi hướng dẫn vay vốn tín dụng chính sách theo chương trình hộ nghèo, học sinh và sinh viên, với tổng số tiền 188 triệu đồng. Từ nguồn vay này bà dùng để trồng 250 cây chanh không hạt và nuôi 2 con ăn học. Thành quả bà đang thu về là trái “ngọt”, con gái đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Năm 2023, gia đình bà Hạnh chính thức thoát nghèo.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Thạnh Hòa (Bến Lức, Long An), cho biết, dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1 hơn 4,6 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Đa số thành viên trong tổ vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải tạo vườn, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh; một số hộ vay vốn trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên;... Người vay vốn tín dụng chính sách là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách… Tất cả bà con sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, con cái được đi học thành tài, việc làm ổn định.

Ông Phan Văn Bảy, ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (huyện Châu Thành, Long An) có 4 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính từ 1.000 mét vuông trồng thanh long và tiền làm thuê không đủ để lo cho 2 con ăn học. Năm 2017, con gái lớn ông Bảy đỗ Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình không có tiền nuôi con ăn, học đại học. Thời điểm đó, Ngân hàng chính sách xã hội xét cho vay 30 triệu đồng đã giúp con gái được tiếp tục học lên đại học. Năm 2018, con kế thi đỗ vào Trường cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình tiếp tục vay 55 triệu đồng để trang trải học phí và ăn ở cho con. Nhờ vốn tín dụng chính sách, 2 con của ông Bảy đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, tích lũy được tiền trả nợ ngân hàng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm gia đình ông Phan Văn Bảy, ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (huyện Châu Thành, Long An).

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm gia đình ông Phan Văn Bảy, ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (huyện Châu Thành, Long An).

Ông Lê Văn Tâm, Tổ trưởng tổ vay vốn - tiết kiệm ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (Châu Thành, Long An), cho biết: Ông Phan Văn Bảy là một trong số hơn 490 hộ còn dư nợ trên địa bàn xã Bình Quới sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội. Người dân vay vốn không cần thế chấp tài sản, lãi suất thấp đã giúp bà con nghèo có thêm cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế nông hộ. Hiện tại, dư nợ ủy thác tín dụng chính sách trên địa bàn xã gần 24 tỷ đồng, tăng hơn 17 tỷ đồng so với 10 năm trước. Nguồn vốn chính sách đã góp phần cùng với địa phương thực tốt tiêu chí giảm nghèo từ 2,6% năm 2014 xuống còn 0,11% năm 2024.

Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 400 nghìn lượt hộ gia đình, người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Long An vay hơn 6.260 tỷ đồng, tăng 4.113 tỷ đồng với thời điểm 2014.

Riêng trong 10 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có 42 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động cơ sở sản xuất kinh doanh, học sinh và sinh viên... vay vốn tín dụng chính sách, với tổng số dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, bằng 162,61% so với cùng kỳ năm 2023,

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An Nguyễn Thị Ánh Hồng triển khai thực hiện nguồn vốn quỹ thác 2024.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An Nguyễn Thị Ánh Hồng triển khai thực hiện nguồn vốn quỹ thác 2024.

Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 27 nghìn lượt hộ vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ cho vay xây dựng 488 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; hỗ trợ cho 604 người có công với cách mạng và người có thu nhập thấp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội để ở bảo đảm an cư lập nghiệp; hỗ trợ xây dựng 347 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới/cải tạo; hỗ trợ 81 nghìn lượt lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó có 159 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 31 nghìn lượt hộ gia đình vay vốn cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học tập; hỗ trợ 37 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 29.000 lượt lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; 62 người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện sản xuất kinh doanh, hòa nhập tốt với cộng đồng... Toàn tỉnh Long An hiện còn 124 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Huệ, Long An làm thủ tục cho người dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Huệ, Long An làm thủ tục cho người dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng. Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê Long An ngày thêm mới.

Để có thêm nhiều hộ dân được thụ hưởng từ nguồn chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là chương trình hỗ trợ tạo việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách xã hội, lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm...; nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho bổ sung đối tượng hộ dân vùng biên giới và hộ mức sống trung bình được thụ hưởng một số chương trình cho vay để sản xuất kinh doanh, xây dựng, sửa chữa nhà ở... để giúp Long An thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và triển bền vững.

THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-tai-long-an-post846576.html
Zalo