Hiệu quả nhân văn từ trồng rừng kinh tế
Phong trào trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương miền núi Phú Yên. Nhờ chính sách mới của Nhà nước, trong đó thực hiện Nghị định số 168/2016/NÐ-CP của Chính phủ, nhiều hộ dân được giao khoán quản lý bảo vệ, phát triển vốn rừng từ các nông, lâm trường… Ðiều này góp phần đẩy nhanh độ che phủ rừng, khôi phục môi trường, hệ sinh thái và phát triển kinh tế ổn định cho người dân.
![Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên hướng dẫn người dân kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng rừng. (Ảnh TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_14_51462090/380049b479fa90a4c9eb.jpg)
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên hướng dẫn người dân kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng rừng. (Ảnh TTXVN)
Gỗ rừng tăng giá, người trồng có thu nhập cao
Phú Yên đang vào vụ thu hoạch rừng trồng. Năm nay giá gỗ tăng cao, thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ có nhà máy thu mua 1.520.000 đồng/tấn, các công ty chế biến dăm gỗ xây dựng thêm nhiều nhà máy thu mua gỗ gần các vùng trồng rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng rừng vận chuyển, mua bán. Ngày ngày, trên các tuyến đường miền núi về xuôi, từng đoàn xe tải đang hối hả chở gỗ về các nhà máy.
Ông Lê Quốc Tính ở xã Xuân Quang 3 có 5 ha gỗ keo trồng đã 5-7 năm đang cho thu hoạch. Nhà có xe tải, ông chỉ thuê công chặt và chất lên xe chở về nhà máy. Các năm trước, ông phải chở gỗ từ Ðồng Xuân đi bán tại các nhà máy ngoài huyện, hoặc sang tỉnh Bình Ðịnh với quãng đường 70-100 km để bán, nhưng nay gỗ keo được thu mua ngay tại các nhà máy trong huyện. “Nhờ có nhiều nhà máy thu mua gỗ keo trên địa bàn, chi phí vận chuyển giảm và giá gỗ năm nay tăng cao, tính bình quân người trồng rừng sau khi trừ các khoản chi phí còn thu được 80-100 triệu đồng/ha”, ông Tính cho biết.
Theo thống kê, tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên 502.596,03 ha, diện tích có rừng 253.671,95 ha, trong đó, rừng tự nhiên 126.974,68 ha, rừng trồng 126.697,27 ha (bao gồm 3.012,19 ha rừng cao su). Diện tích rừng trồng cho khai thác bình quân là 3.500 ha/năm, sản lượng hơn 300.000 m3/năm. Nếu theo giá gỗ bán ổn định như hiện nay, mỗi năm người dân trồng rừng ở Phú Yên sẽ có nguồn thu 3.500-4.000 tỷ đồng.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng rừng đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào trồng rừng diễn ra khắp nơi, đẩy nhanh độ che phủ rừng, khôi phục môi trường, hệ sinh thái và phát triển kinh tế ổn định cho người dân.
Ông So Minh Thông, ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cho biết, gia đình ông được nhận 2 ha đất để trồng rừng (theo Nghị định số 168/2016/NÐ-CP của Chính phủ). Thấy trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế, năm nay ông So Minh Thông thuê thêm 4 ha đất của người dân trong thôn để tiếp tục trồng rừng.
Tương tự như gia đình ông So Minh Thông, trước đó vào năm 2018, tại thôn Tổng Binh, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cũng có 15 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền xã, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa giao khoán 50 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng. Ðến nay, rừng đã cho thu hoạch, có nguồn thu ổn định, giúp người dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
Phát triển rừng trồng bền vững
Tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trồng và kinh doanh gỗ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020…
Ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho biết, năm 2019, Phú Yên phê duyệt đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025 (Ðề án).
Ðề án triển khai tại 5 ban quản lý rừng phòng hộ, 2 ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 5.000 ha (trồng rừng kinh doanh gỗ lớn hơn 2.900 ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 347 ha, trồng lâm sản ngoài gỗ hơn 1.200 ha, trồng dược liệu hơn 459 ha), được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2017-2020 là hơn 3.500 ha, giai đoạn thứ hai từ năm 2021-2025 hơn 1.400 ha.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở NN&PTNT luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án và kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của rừng, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho tổ chức và người dân.
“Riêng năm 2024, các chủ rừng đã sử dụng các nguồn vốn sau khai thác rừng, vốn tự có, khuyến nông, khuyến lâm do Trung ương hỗ trợ... để trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với diện tích hơn 166 ha. Lũy kế đến nay đã trồng rừng gỗ lớn được khoảng 3.000 ha với các loài cây như: keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, giáng hương, dầu rái, sao đen…
Thấy được lợi nhuận kinh tế cao từ trồng rừng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng rừng…”, ông Lê Văn Bé nói.
Theo đánh giá tổng quan, diện tích rừng trồng, rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh từng bước được nâng lên. Năng suất rừng trồng bình quân khi khai thác chính từ 15-20 m3/ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt bình quân hơn 400.000 m3/năm. Diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC hơn 11.524,5 ha.
Trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp Phú Yên đề ra một số giải pháp để thực hiện công tác trồng rừng. Trước hết là rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có, xác định diện tích đất có điều kiện phù hợp với việc trồng mới, trồng lại rừng theo hướng thâm canh để kinh doanh gỗ lớn.
Về khoa học, công nghệ, cần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn giống; ưu tiên lựa chọn các giống cây trồng lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu và đa dạng hóa loài cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cần thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững; mở rộng đối tượng áp dụng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Về cơ chế, chính sách, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan vào nhiệm vụ phát triển trồng rừng gỗ lớn, đồng thời tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng...
Phú Yên sẽ phát triển vùng trồng rừng sản xuất gỗ lớn tập trung với diện tích hơn 1.000 ha; chuyển hóa gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 525 ha, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Tỉnh bổ sung diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn bảo đảm đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng rừng hằng năm.