Có lợi ích, có niềm tin, người dân sẽ sẵn sàng đầu tư
Có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư (vàng, ngoại tệ) là một trong những giải pháp Chính phủ nêu tại Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Ủng hộ giải pháp này, PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: Quan trọng là cơ chế, chính sách phải tạo ra lợi ích và bảo đảm quyền lợi cho người dân, để họ tin tưởng, dám bỏ tiền ra để đầu tư.
Nhiều cơ sở để đạt mục tiêu
- Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Chính phủ trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%). Ông nghĩ sao về mục tiêu mới này?
- Từ tháng 11.2024, bản thân tôi đã đưa ra những dự báo về tăng trưởng và phát triển kinh tế của năm 2025, trong đó có 2 phương án: mức thấp có thể đạt 6,8 - 7,3%, mức cao có thể đạt 7,3 - 7,8%. Vì thế, tôi cho rằng, việc Chính phủ sau khi cân nhắc, xem xét, đã đặt ra yêu cầu là thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng trên 8% là điều tốt.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_592_51463662/c528ab4e9b00725e2b11.jpg)
Đặt trong bối cảnh năm 2023, tăng trưởng của chúng ta chỉ đạt hơn 5%, năm 2024 là 7,09% thì mục tiêu trên 8% trong năm nay vẫn khiến nhiều người nghi ngờ, song tôi cho rằng vẫn có thể đạt được nếu như Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp cùng cố gắng, nỗ lực với quyết tâm cao nhất.
- Cơ sở nào để ông tin rằng đó sẽ là mục tiêu khả thi?
- Chúng ta đang có nhiều động lực cho mục tiêu này. Trước hết, thể chế lâu nay vẫn được nhắc đến là một trong những “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây nhiều phiền hà, trở ngại, làm tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, có thể thấy rõ cả Quốc hội, Chính phủ đều rất nỗ lực khắc phục điểm nghẽn này, với việc Quốc hội ban hành một loạt các luật sửa đổi có liên quan đến tài chính, đầu tư, như một luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính; một luật sửa 4 luật lĩnh vực đầu tư; Luật Đầu tư công (sửa đổi)… với rất nhiều cơ chế đột phá.
Về phía Chính phủ cũng đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; Thủ tướng cũng trực tiếp chủ trì các hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp, có những chỉ đạo ngay để tháo gỡ. Những điều đó đã củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh nước ta.
Đặc biệt, chúng ta đang trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, với sự quyết liệt, khẩn trương cao nhất của toàn hệ thống chính trị. Điều này làm giảm hàng chục nghìn đầu mối ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương, kéo theo đó là giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh vì thế cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Thêm một điểm đặc biệt nữa là năm nay, lần đầu tiên, Chính phủ đã ra nghị quyết giao rõ mục tiêu tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trên 8%. Đó chính là sự một sự thay đổi mang tính đột phá về thể chế, khi giao trách nhiệm cho người đứng đầu các ngành, địa phương phải tìm mọi cách để khơi thông tiềm năng, sức mạnh; vướng chỗ nào phải giải quyết ngay theo thẩm quyền hoặc phải báo cáo, đề xuất lên cấp cao hơn. Việc giao “KPI” tăng trưởng lần này sẽ vừa là sức ép vừa là động lực, để các cán bộ quản lý phải sâu sát hơn với thực tiễn, lăn xả vào thực tiễn, và cũng là thước đo cho năng lực của cán bộ.
Tập trung cho tăng trưởng xuất khẩu
- Để tăng trưởng trên 8%, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Liệu các giải pháp đó có đủ sức tạo ra sự đột phá, thưa ông?
- Có thể thấy, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ bao gồm: hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng xã hội; thúc đẩy xuất khẩu cũng như các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh… đã được đề cập từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, lần này, Chính phủ đã rất chi tiết, cụ thể về các nhiệm vụ, giải pháp cho từng nhóm vấn đề, định lượng bằng những con số rất cụ thể như phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Điều này sẽ là “kim chỉ nam” cho các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Để thực sự tạo ra đột phá đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất của toàn hệ thống nhằm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu. Trong đó, có mấy điểm cần đặc biệt chú ý.
Như đã đề cập, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Theo tính toán của chúng tôi, sẽ phải sửa khoảng trên dưới 200 luật cũng như ngần ấy quy định có liên quan đến hoạt động của nền kinh tế. Do vậy, việc sửa đổi các quy định liên quan cần phải đẩy nhanh hơn, bởi nếu gỡ được thể chế sẽ khơi thông nguồn lực, tạo thêm công ăn việc làm và hoạt động của nền kinh tế sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với hoàn thiện thể chế thì một yếu tố rất quan trọng là xuất nhập khẩu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay 12% trở lên là không hề đơn giản, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, chỉ cần chính sách của Mỹ thay đổi sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam bởi đây là thị trường chiếm tới gần 30% xuất khẩu hàng hóa nước ta trong năm qua. Do vậy, việc tìm kiếm thị trường ở 17 hiệp định thương mại tự do và các thị trường khác là hết sức cấp thiết, phải xác định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bộ Công Thương, các đại sứ quán và các cơ quan liên quan phải tích cực triển khai ngay từ quý I này, bởi khi tăng trưởng xuất khẩu thì sản xuất mới tăng.
Việc thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến (nhóm giải pháp thứ 6 - PV) rất quan trọng. Theo đó phải nhanh chóng thực hiện số hóa quản lý nhà nước, số hóa nền kinh tế và số hóa xã hội; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thủ tục, cũng chính là tạo ra sự công khai, minh bạch tốt hơn cho nền kinh tế.
Xanh hóa sản xuất, tiêu dùng cũng như tái chế phế thải là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. Xanh hóa cũng sẽ là đòn bẩy để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu. Số hóa và xanh hóa sẽ làm thay đổi trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, buộc phải đẩy nhanh và triển khai một cách thực chất các hoạt động xanh hóa, số hóa này.
- Một trong những giải pháp cụ thể được Chính phủ nêu ra là có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư, nhất là vàng, ngoại tệ. Theo ông, cần làm gì để huy động được nguồn lực nhàn rỗi này đóng góp cho sự phát triển đất nước?
- Đây là giải pháp không mới và không dễ, song rất cần và nên làm. Vấn đề quan trọng là cơ chế, chính sách phải tạo ra lợi ích và bảo đảm quyền lợi cho người dân, để họ tin tưởng, dám bỏ tiền ra để đầu tư.
Muốn vậy, đầu tiên và đơn giản nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ và bán cho người dân, đồng thời cho phép họ được quyền mua đi bán lại với lãi suất phù hợp. Tiếp đến, chúng ta có thể nghiên cứu để phát hành chứng chỉ vàng. Đây là điều chúng tôi đã đề xuất suốt từ năm 2011, khi bàn thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nếu có những biện pháp, cơ chế mang tính khuyến khích thì tôi tin, Nhà nước có thể huy động được dòng tiền nhàn rỗi trong dân để có nguồn lực đầu tư, phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn ông!