Hiệu quả mô hình 'Khu dân cư không phát sinh thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội'
Với mục đích đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh, thiếu niên (TTN), thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “Khu dân cư (KDC) không phát sinh TTN mắc tệ nạn xã hội (TNXH)”. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương, mô hình đã, đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát huy sức mạnh tự phòng, tự quản, tự bảo vệ của đoàn viên, TTN. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với lực lượng công an trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, TTN và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm, TNXH và tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, năm 2014, BTV Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH”.
Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các ban chuyên môn trực thuộc Tỉnh đoàn tham mưu, xây dựng và ban hành hướng dẫn nội dung thực hiện mô hình. Theo đó, mô hình được xây dựng trên cơ sở bảo đảm 5 tiêu chí, đó là: 100% hộ gia đình có con em trong độ tuổi TTN (từ 9 – 30 tuổi) trên địa bàn ký giao ước về việc “Phối hợp quản lý, giáo dục TTN không phạm tội và mắc TNXH”, 100% đoàn viên, TTN tại KDC ký cam kết không mắc các TNXH; có mô hình đội thanh niên xung kích (TNXK) bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở KDC hoạt động hiệu quả; có đoạn đường thanh niên tự quản luôn bảo đảm sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn; tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo đảm KDC không phát sinh TTN mắc TNXH; chi đoàn thanh niên đăng ký xây dựng KDC không phát sinh TTN mắc TNXH được đánh giá là chi đoàn xếp loại vững mạnh trong năm.
BTV Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn tiến hành khảo sát, lựa chọn 1 chi đoàn tại 1 KDC để triển khai xây dựng mô hình điểm. Cùng với đó, BTV Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn Thanh niên (ĐTN) Khối thi đua trực thuộc Tỉnh đoàn (Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh, Ban Thanh niên Công an tỉnh, Ban Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện giúp đỡ các chi đoàn xây dựng mô hình điểm thực hiện các tiêu chí bằng nhiều hình thức thiết thực, như: xây dựng các tuyến đường thanh niên tự quản “sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBDGPL) cho TTN tại KDC; hỗ trợ kinh phí xây dựng sân chơi cho TTN nhằm tạo môi trường giải trí, phát triển lành mạnh; thành lập các đội TNXK tại KDC phối hợp TTN tại gia đình; định hướng nghề nghiệp, tạo nguồn vốn vay ưu đãi giúp thanh niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng…
Tại các đơn vị chọn làm điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo đoàn thanh niên phối hợp với lực lượng công an cơ sở, MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí của mô hình. Kết quả, sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình điểm tại 6 chi đoàn với 6 KDC không phát sinh TTN mắc TNXH, thành lập 6 đội TNXH, với 105 thành viên tham gia; xây dựng 6 tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn” với tổng chiều dài trên 8km; tổ chức 65 buổi TTPBGDPL, thu hút trên 3 nghìn lượt đoàn viên, TTN tham gia; hỗ trợ xây dựng 6 điểm vui chơi cho TTN với tổng kinh phí trên 75 triệu đồng; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 46 thanh niên. Anh Vũ Trần Tùng Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ toàn tỉnh trong việc tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở. Với những kết quả đạt được, mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” đã được lựa chọn là 1 trong 10 mô hình tiêu biểu xuất sắc được biểu dương tại hội nghị tuyên dương các mô hình và cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” do Trung ương Đoàn phối hợp với Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân tổ chức năm 2015 và được thông báo, nhân rộng toàn quốc.
Tổ dân phố (TDP) Ngô Gia Khảm, phường Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) là địa bàn khá phát triển với các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, nhà trọ. TDP Ngô Gia Khảm cũng là địa bàn ghi nhận có đông TTN (chiếm 1/4 tổng số TTN phường Châu Sơn). Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về ANTT. Nhận diện rõ nguy cơ cũng như chủ động trang bị những kỹ năng phòng ngừa các loại tội phạm, TNXH, năm 2022, ĐTN phường Châu Sơn đã tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai, xây dựng mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” tại TDP Ngô Gia Khảm.
Theo đó, Chi đoàn TDP đã thành lập đội TNXK gồm 12 thành viên, là những đảng viên trẻ, thành viên Ban bảo vệ dân phố và những đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tích cực. Đội đã đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động các gia đình, công nhân thuê trọ có con em trong độ tuổi (9-30 tuổi) ký giao ước phối hợp quản lý con em trong độ tuổi TTN. Mặt khác, định kỳ phối hợp với Chi đoàn Công an phường tổ chức hoạt động TTPBGDPL trong đoàn viên, TTN. Nhờ đó, từ khi triển khai mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” đến nay, TDP Ngô Gia Khảm chưa phát sinh TTN mắc TNXH.
Chị Vũ Thị Kim Chi, Bí thư Đoàn phường Châu Sơn chia sẻ: Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả thiết thực, các cơ sở đoàn thường xuyên phối hợp với lực lượng công an phường đẩy mạnh các hoạt động TTPBGDPL cho TTN và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm, TNXH. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình đoàn viên, TTN; quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện cho đoàn viên, TTN có sân chơi lành mạnh, tránh nguy cơ bị rủ rê, lôi kéo vào TNXH.
Còn tại TDP Bình Long, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), đã 6 năm kể từ khi thành lập mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” không có TTN mắc TNXH, số TTN đang sống tại địa phương đều chí thú làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động phong trào và nói không với TNXH. Trước đây, TDP Bình Long cũng được xác định là địa bàn phức tạp về ANTT, một số đối tượng thường xuyên tụ tập đánh bạc, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Cùng với đó, tình trạng thanh niên lêu lổng, tụ tập, đánh nhau gây mất ANTT diễn ra thường xuyên, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, năm 2018, ĐTN thị trấn phối hợp với TDP xây dựng mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” với 9 thành viên. Để mô hình phát huy hiệu quả, ĐTN phối hợp với lực lượng Công an thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm và TNXH, nhất là tệ nạn ma túy đến các tầng lớp nhân dân.
Song song với công tác tuyên truyền, ĐTN triển khai các sân chơi bổ ích là hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; khích lệ tinh thần thanh niên khởi nghiệp, hướng thanh niên sống có mục đích, hoài bão và lý tưởng. Nhờ cách làm đó đã “gieo mầm” tích cực trong TTN. Đến nay, sau 6 năm, mô hình vẫn phát huy hiệu quả tích cực. Anh Nguyễn Duy Quyền, Bí thư Đoàn thị trấn Bình Mỹ cho biết: Mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” thực sự phát huy hiệu quả. Minh chứng rõ nét nhất là tại TDP Bình Long, từ khi triển khai mô hình đến nay tình hình ANTT được giữ vững, TNXH giảm mạnh. Mỗi thành viên trong đội TNXH đều thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, tích cực tuyên truyền người thân, gia đình và nhân dân, góp phần giảm thiểu số TTN mắc TNXH trên địa bàn. Phát huy tính hiệu quả từ mô hình, đến nay, ĐTN thị trấn đã xây dựng 8 mô hình ở các TDP với 72 thành viên tham gia. Thông qua mô hình còn thể hiện rõ nét trong việc phối hợp giữa tổ chức đoàn và lực lượng công an cơ sở trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm ngay tại địa bàn cơ sở.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, đến hết năm 2023, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thành lập được 186 mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” bảo đảm các tiêu chí đề ra tại 109/109 xã, phường, thị trấn. Từ năm 2014 đến hết năm 2023, các cấp bộ đoàn phối hợp với lực lượng công an tổ chức 3.615 buổi TTPBGDPL, thu hút trên 18 nghìn lượt đoàn viên, TTN và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các cấp bộ đoàn phối hợp giúp đỡ, cảm hóa 1.598 TTN chậm tiến, tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, duy trì 206 hòm thư tố giác tội phạm; hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết việc làm cho 317 thanh niên chấp hành xong án phạt tù, trong đó có 64 thanh niên được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua mô hình, nhân dân các địa phương đã cung cấp cho lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin có giá trị, điều tra triệt xóa nhiều ổ, nhóm phức tạo liên quan đến ANTT, trong đó, đã khám phá trên 600 vụ, hơn 1 nghìn đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Từ những kết quả mang lại có thể khẳng định mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác phối hợp bảo đảm ANTT ở địa bàn dân cư. Biện pháp thực hiện chủ yếu là tuyên truyền trong TTN tại các KDC hướng đến lối sống lành mạnh, tránh xa TNXH, nhất là tuyên truyền đến các nội dung có liên quan đến tác hại của ma túy, tín dụng đen, cờ bạc… Phát huy vai trò của mỗi ĐVTN là tuyên truyền hiệu quả nhất ở nơi mình sinh sống, đồng thời phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây cũng là cách làm mới, thể hiện tinh thần xung kích của ĐVTN trong việc tham gia giữ gìn ANTT ở địa phương bên cạnh những hoạt động tình nguyện có ý nghĩa khác. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai xây dựng mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” cũng gặp một số khó khăn nhất định. Một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc thành lập, xây dựng mô hình phần nào ảnh hưởng đến hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại cơ sở; một số chi đoàn tuy đã thành lập mô hình nhưng còn hoạt động mang tính hình thức dẫn tới tính hiệu quả chưa cao; trong quá trình thành lập việc phối hợp giữa các tổ chức đoàn với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương có nơi còn hạn chế; kinh phí hoạt động do các cơ sở đoàn chủ động hoặc vận dụng từ nguồn xã hội hóa nên chưa khuyến khích được tổ chức đoàn cơ sở xây dựng, thành lập mô hình.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và TNXH trong TTN, thời gian tới, việc thành lập mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp cùng vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Theo đó, tổ chức đoàn cơ sở cần chủ động phối hợp với lực lượng công an cơ sở tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động TTPBGDPL phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Đặc biệt, đến nay tỉnh ta đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh tại 100% xã, thị trấn; 100% xã, phường, thị trấn đều bố trí công an chính quy tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và đảm nhiệm chức danh phó bí thư đoàn kiêm nhiệm. Đây là điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tốt vai trò cầu nối giữa tổ chức đoàn và lực lượng công an cơ sở; gắn bó và làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động TTPBGDPL trong đoàn viên, TTN.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, bổ ích với từng lứa tuổi, tạo sân chơi bổ ích giúp TTN tránh xa các TNXH; quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn. Ngoài ra, BTV Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các khu vui chơi cho TTN tại KDC, phấn đấu đến năm 2025, 100% KDC trên địa bàn tỉnh đều có khu vui chơi đạt tiêu chuẩn do tổ chức đoàn xây dựng, trao tặng, qua đó góp phần tạo sân chơi, giải trí cho TTN, tránh xa TNXH.
Tuy nhiên, để phòng ngừa TNXH trong TTN, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp; thường xuyên cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh TNXH, tiêu cực, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý giáo dục con em mình; thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con; dành thời gian quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ với con. Mặt khác, bản thân mỗi TTN phải tự nhận thức và xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh và tích cực, chủ động phòng tránh TNXH.
Thực hiện: Trần Ích
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn
1534
06:45 10/03/2024
bình luận