Hiệu quả mô hình gác chắn của cựu chiến binh Bảo Hà
Mô hình trực cảnh giới điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh tại xã Bảo Hà (Bảo Yên) được cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và ngành đường sắt ghi nhận, đánh giá cao.
Đều đặn hằng ngày, cựu chiến binh Vũ Xuân Thường và cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiêu phân công nhau làm nhiệm vụ gác chắn tại điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh tại bản Liên Hà 5, còn 2 cựu chiến binh Vũ Tiến Nội và Trần Văn Phiên phân công gác tại điểm bản Liên Hà 6 (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên).
Việc bố trí người gác tại 2 điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh là một trong những nội dung mà Hội Cựu chiến binh xã Bảo Hà triển khai nhằm thực hiện kế hoạch của Hội Cựu chiến binh tỉnh về thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chương trình phối hợp của Ban An toàn giao thông và Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai về thực hiện cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông” giai đoạn 2018 - 2023.
Từ thực tế địa phương có 12 km đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai chạy qua, Thường trực Hội Cựu chiến binh xã đã khảo sát, chọn nội dung và địa bàn, xin ý kiến của Thường trực Đảng ủy và UBND xã, phối hợp với Công an xã và thành viên Ban An toàn giao thông xã để triển khai các nội dung cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Trong số 20 lối đi tự mở dẫn vào các trường học, điểm trường và Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 161, Hội Cựu chiến binh xã xác định 2 điểm có nguy cơ mất an toàn cao nhất (thuộc địa bàn bản Liên Hà 5 và bản Liên Hà 6) để tổ chức trực cảnh giới. Trước đây, tại 2 vị trí này thi thoảng xảy ra tai nạn giao thông, có vụ gây chết người.
Tháng 4/2019, điểm gác trực cảnh giới do Hội Cựu chiến binh xã Bảo Hà thành lập tại 2 vị trí này chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, Hội Cựu chiến binh xã đã vận động hội viên thuộc 2 chi hội cựu chiến binh Liên Hà 5 và Liên Hà 6 phát huy tinh thần xung phong, tự nguyện, qua đó lựa chọn được mỗi điểm 2 hội viên có đủ năng lực, sức khỏe, điều kiện để trực cảnh giới và duy trì đến nay, gồm 4 cựu chiến binh: Vũ Xuân Thường và Nguyễn Văn Chiêu (thuộc Chi hội Liên Hà 5), Vũ Tiến Nội và Trần Văn Phiên (thuộc Chi hội Liên Hà 6), mỗi người được hỗ trợ hơn 23.000 đồng/ngày. 4 hội viên trực được ngành đường sắt phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ trực cảnh giới. Tại mỗi điểm trực được Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng bốt gác, ngành đường sắt trang bị đèn, cờ hiệu, còi và cung cấp kế hoạch chạy tàu.
Tại 2 điểm này, bình quân mỗi ngày có 11 - 15 lượt tàu qua lại, riêng điểm Liên Hà 5 lên tới 20 lượt do gần Ga Bảo Hà, có cả việc xếp toa, dồn toa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiêu (bản Liên Hà 5) tâm sự: Thời gian đầu tổ chức trực cảnh giới có nhiều khó khăn. Nhiều người đi qua đây khi tàu sắp đến, thấy lực lượng trực ra tín hiệu dừng xe nhưng do sốt ruột chờ đợi nên một số người không chấp hành, cho rằng người trực nhiễu sự. Người thân cũng không muốn chúng tôi tham gia, bởi chúng tôi đều đã cao tuổi, có người còn mang di chứng chiến tranh trên người. 4 mùa nắng mưa, rét mướt, rồi đôi khi đá văng mạnh và nhanh như đạn bắn… rất vất vả, thậm chí nguy hiểm.
Nhận ra vấn đề này, Thường trực Hội Cựu chiến binh xã đã đến động viên, khích lệ những người tham gia trực gác và người thân của họ, đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân chung tay vì sự an toàn khi tham gia giao thông. Dần dần, người dân trên địa bàn hiểu ra và chấp hành sự hướng dẫn qua các điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh của người trực cảnh giới. Kể từ khi 2 điểm trực cảnh giới này đi vào hoạt động đến nay, tại 2 vị trí này không xảy ra tai nạn giao thông.
Hơn 5 năm qua, 4 hội viên tham gia trực cảnh giới luôn miệt mài, cần mẫn hằng ngày cống hiến vì cuộc sống cộng đồng. Mặc dù từ tháng 1/2024, mức hỗ trợ mỗi người thực hiện trực cảnh giới được nâng lên 41.000 đồng/ngày nhưng rõ ràng nếu không vì mục tiêu phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” thì mức hỗ trợ như vậy khó thu hút được người tham gia công việc này.
Khó khăn nữa là sau các trận bão, lũ năm 2023, đặc biệt là sau bão số 3 năm 2024, bốt gác tại bản Liên Hà 5 bị sạt chân đế, rơi xuống vườn bên dưới, các cựu chiến binh phải thuê cẩu lên, đặt tạm tại vị trí thuộc lòng đường dân sinh; rồi kính chắn bốt gác bị nứt, vỡ do đá văng. “Cần khoảng 2,5 triệu đồng để khắc phục vấn đề này nhưng chúng tôi chưa tìm được nguồn” - cựu chiến binh Vũ Xuân Thường (Chi hội Liên Hà 5) nói.
Mô hình trực cảnh giới điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh thuộc Chi hội Cựu chiến binh Liên Hà 5 và Chi hội Cựu chiến binh Liên Hà 6 được cấp ủy đảng, chính quyền, người dân trên địa bàn và ngành đường sắt ghi nhận, đánh giá cao. Hội viên Vũ Xuân Thường và hội viên Trần Văn Phiên được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”…