Giáo dục Stem - Khơi nguồn đam mê sáng tạo cho học sinh

Những năm gần đây, xu hướng giáo dục Stem cho học sinh được ngành GD-ĐT chú trọng, bởi đây là cách tiếp cận hiện đại giúp người học có kiến thức tích hợp liên môn, có kỹ năng làm việc, phát triển tư duy sáng tạo cũng như khả năng vận dụng giải quyết vấn đề thông qua việc học gắn liền với thực hành, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo từ trải nghiệm thực tế.

Ngày hội Stem tại trường THCS Lê Hồng Phong.

Ngày hội Stem tại trường THCS Lê Hồng Phong.

Từ những ý nghĩa thiết thực mà Stem mang lại trong giáo dục học sinh, những năm qua, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đã triển khai các tiết dạy, giáo dục liên môn hướng học sinh tới tư duy Stem, tạo ra những sản phẩm sáng tạo từ kiến thức lý thuyết trong nhà trường; tổ chức ngày hội Stem để các em học sinh thỏa sức đam mê khám phá, sáng tạo.

Tại trường Tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), ngày hội Stem đã trở thành một hoạt động ý nghĩa và ngập tràn niềm vui của các em học sinh cũng như các thầy cô giáo. Theo thầy Ông Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, giáo dục Stem trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học theo cách tiếp cận liên môn và học sinh có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt, rời rạc, Stem kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Stem giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày. “Ngày hội Stem không chỉ là nơi để các em sáng tạo mà còn với mục đích rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Đây cũng là cơ hội để học sinh được tham gia trải nghiệm các hoạt động khoa học lý thú, áp dụng kiến thức vào thực tiễn, rèn tính mạnh dạn, tự tin đối với cá nhân. Các em được thỏa sức sáng tạo, trau dồi kỹ năng qua từng sản phẩm, đáp ứng mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018”- thầy Ông Văn Sơn chia sẻ thêm.

Tại ngày hội Stem ở các trường, học sinh được trải nghiệm tự làm đồ dùng sáng tạo. Với quan điểm Stem không giới hạn ý tưởng, hầu hết các chủ đề gần gũi, cần thiết để các em dễ dàng tiếp cận như: bảo vệ môi trường, em yêu thích sáng tạo khoa học, ghép hình sáng tạo, chế tạo đồ dùng từ vật liệu tái chế... Các chủ đề đều được nhà trường, thầy cô giáo lên kế hoạch chuẩn bị cụ thể, chi tiết, cũng như có sự hỗ trợ để các em có thể tiếp thu và sáng tạo một cách tối đa.

Đa số những nguyên vật liệu phế thải có thể tái chế để tái sử dụng được các em học sinh tận dụng tạo ra các sản phẩm Stem như: cửa sổ đổi màu; đồng hồ chữ số La Mã; xe buồm; mô hình Toán học; lọ hoa; chậu cây cảnh mini; hộp bút; đồ chơi; các loại công cụ, dụng cụ, máy móc, thiết bị, sản phẩm, các thí nghiệm minh họa kiến thức đã học, các thí nghiệm vui, hữu ích,…

Mới đây, tại Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) đã diễn ra “Ngày hội Stem - Khơi nguồn sáng tạo” do Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng chủ trì tổ chức, thu hút sự tham gia đầy hứng khởi từ học sinh. Đây là sự kiện tiếp nối kết quả chương trình tập huấn giáo dục Stem cho học sinh gắn kết giữa trường ĐH với các trường phổ thông. Theo PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Giáo dục Stem kết hợp giữa khoa học kỹ thuật, công nghệ và Toán học là nền tảng quan trọng để đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ. Do đó, nhà trường phối hợp tổ chức Ngày hội và tập huấn cho học sinh nhằm định hướng, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng, nhất là tư duy sáng tạo. Qua đó truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu, ứng dụng Stem, từ đó giúp các em học sinh định hình, theo đuổi chặng đường chiếm lĩnh tri thức khoa học công nghệ trong tương lai... “Từ các sân chơi này, hy vọng sẽ là nơi phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng trẻ để tiếp thêm động lực cho học sinh phổ thông phấn đấu hướng tới những sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai”- PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng kỳ vọng.

Thầy trò trường Tiểu học An Phước với mô hình “xe buồm” tại ngày hội Stem.

Thầy trò trường Tiểu học An Phước với mô hình “xe buồm” tại ngày hội Stem.

Chia sẻ suy nghĩ về giáo dục Stem, em Nguyễn Đức Hưng - học sinh trường THCS Lê Hồng Phong phấn khởi cho biết: “Sau khi được thầy cô hướng dẫn, chúng em đã tự tay làm ra những sản phẩm Stem như mô hình xe điều khiển không dây bằng ứng dụng lý thuyết của bộ môn Toán, Vật lý, Mỹ thuật… kết hợp vật liệu kỹ thuật, em thấy rất vui. Thông qua hoạt động thực hành, thiết kế sản phẩm, chúng em còn được rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích, sáng tạo; hiểu hơn về ngành nghề kỹ thuật, chế tạo để chọn ngành, chọn trường trong tương lai”.

Để hình thành một thế hệ nhân lực mới sáng tạo, năng lực, ngành GD-ĐT không ngừng đổi mới các phương pháp giáo dục, dạy học. Và giáo dục Stem là một trong những lựa chọn có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện để học sinh có thể liên kết các môn học hiệu quả, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/giao-duc-stem-khoi-nguon-dam-me-sang-tao-cho-hoc-sinh-post304317.html
Zalo