Hiệu quả liên kết sản xuất rau màu vụ đông

Những năm gần đây, người dân sản xuất vụ đông trong tỉnh không còn phải lo tình trạng cây trồng đến kỳ thu hoạch không có thị trường tiêu thụ, thay vào đó thu hoạch đến đâu doanh nghiệp, HTX thu mua đến đó theo hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Người dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) chăm sóc cây cà rốt theo liên kết sản xuất.

Người dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) chăm sóc cây cà rốt theo liên kết sản xuất.

Vụ đông năm 2024–2025, người dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã liên kết với các doanh nghiệp trồng cà rốt, khoai tây, bí xanh và các loại rau... Theo đó, Công ty TNHH Xuân Minh (Hoằng Hóa) đã ký kết bao tiêu sản phẩm với hơn 100 hộ dân trồng 20ha khoai tây, 21ha cà rốt... Phần lớn diện tích liên kết được công ty đầu tư hệ thống tưới tự động, nên đạt năng suất cao. Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Minh (Hoằng Hóa) cho biết: “Bước vào sản xuất vụ đông, công ty đã tổ chức họp với các hộ dân về các điều kiện hỗ trợ sản xuất giữa hai bên và thống nhất ký hợp đồng liên kết. Công ty cung cấp giống, phân bón, các vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sản xuất cây màu theo hợp đồng. Đồng thời, công ty huy động nhân lực, máy móc làm đất, vun luống và gieo giống sẵn cho người dân chăm sóc và cuối vụ công ty trừ vào sản phẩm. Nhờ liên kết với nông dân công ty có nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho đối tác, người dân có đầu ra sản phẩm lâu dài, giá cả theo hợp đồng.

Tại xã Trường Xuân (Thọ Xuân), vụ đông năm 2024-2025, người dân đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân, trồng 70ha dưa leo theo hướng tập trung, quy mô lớn. Để cây dưa leo đạt năng suất cao, HTX đã tích cực bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Nhờ đó, cây dưa leo cho năng suất khoảng 42 tấn quả/ha, doanh thu ước đạt khoảng 160 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí người dân đạt lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha. Ông Lê Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: Trong vụ đông, toàn xã gieo trồng khoảng 150ha cây trồng các loại. Để ổn định đầu ra, HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với người dân theo phương châm thu hoạch đến đâu, thu mua cho bà con đến đó. Vì vậy, những năm gần đây phong trào sản xuất vụ đông của xã luôn đứng đầu huyện, một số diện tích rau màu cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, sản xuất vụ đông được các doanh nghiệp, HTX, người dân quan tâm đầu tư, thông qua việc liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Các hình thức liên kết chủ yếu, như: Doanh nghiệp trực tiếp thuê đất, mượn đất thời vụ để tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết với người dân. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã duy trì ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, các doanh nghiệp đã chủ động cung ứng giống, phân bón cho người dân sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất, nhiều diện tích sản xuất vụ đông ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương... cho thu nhập từ 200 - 230 triệu đồng/ha.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, HTX xây dựng mối liên kết sản xuất vụ đông bền vững, lâu dài với người dân. Điển hình, như: Công ty Orion Vina, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt, Công ty CP VIETPO... liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoai tây ăn tươi và chế biến. Các Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Á Châu Ninh Bình, Công ty TNHH Anh Thôi, Công ty TNHH Thành An Ninh Bình... liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhiều loại rau màu... Thông qua liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân các sản phẩm cây trồng vụ đông được tiêu thụ hết, không còn tình trạng ùn ứ nông sản, giá các loại cây trồng tương đối ổn định.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hieu-qua-lien-ket-san-xuat-rau-mau-vu-dong-234182.htm
Zalo