Hiệu quả khám, chữa bệnh cho người HIV bằng bảo hiểm
Bảo hiểm y tế lâu nay vẫn được biết đến là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; giúp người dân vượt qua khó khăn về tài chính khi ốm đau. Với những người HIV/AIDS, bảo hiểm y tế lại càng có ý nghĩa và tầm quan trọng không chỉ trong khám, chữa bệnh, mà cả trong việc được sử dụng thuốc ARV hàng ngày.
Trước đây, bệnh nhân HIV được uống thuốc ARV miễn phí từ nguồn viện trợ của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, nguồn viện trợ này không còn nên loại thuốc này đã được đưa vào danh mục thuốc người bệnh HIV được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT). Bệnh nhân HIV có thẻ BHYT được chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) và mua thuốc ARV. Đối với những người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi..., BHYT chi trả 100%.
Bác sĩ Lương Thị Hoa, Phó Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: BHYT đặc biệt cần thiết với bệnh nhân HIV, vì ngoài được lĩnh thuốc ARV để sử dụng hàng ngày, họ còn được làm nhiều xét nghiệm định kỳ. Cụ thể là với bệnh nhân đã điều trị ổn định, mỗi năm 1 lần, được xét nghiệm tải lượng vi rút HIV; 6 tháng một lần làm các xét nghiệm chức năng thận, tiểu đường, men gan, rối loại mỡ máu, X-quang thường quy…
Còn với bệnh nhân chưa ổn định, tần suất làm các xét nghiệm nhiều gấp 2 lần bệnh nhân ổn định. Trong khi đó, tính riêng xét nghiệm tải lượng vi rút HIV đã có giá khoảng 1 triệu đồng/lần; tổng các xét nghiệm định kỳ khác có giá khoảng 500 nghìn đồng/lần.
Đó là chưa kể, những bệnh nhân có biểu hiện bất thường sẽ phải làm những xét nghiệm liên quan khác để kịp thời phát hiện các loại bệnh có thể phát sinh. Do bị suy giảm miễn dịch nên nhiều bệnh nhân phải thường xuyên điều trị tại cơ sở y tế. Đăc biệt, với bệnh nhân bị kháng thuốc HIV, chuyển sang dùng thuốc bậc 2, nếu không có BHYT, thì số tiền phải tự chi trả cho mỗi tháng sẽ vào khoảng trên dưới 2 triệu đồng.
Anh T.V.H, một bệnh nhân HIV từ năm 2007, ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), hiện lấy thuốc ARV, cũng là cộng tác viên cộng đồng tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, chia sẻ: BHYT không chỉ giúp tôi có điều kiện sử dụng thuốc ARV hàng ngày, mà còn cứu sống tôi 2 lần khi phải cấp cứu và chuyển tuyến về Hà Nội chữa trị. Một lần tôi bị viêm gan C, sắp chuyển sang giai đoạn suy gan và bị hở van 2 lá; một lần tôi bị xuất huyết dạ dày, phải truyền 2 lít máu.
Có người cũng bị như tôi, nhưng do không có BHYT nên cứ một vài ngày, bệnh viện lại yêu cầu nộp tiền, lúc thì 5 triệu, lúc thì 10 triệu đồng, gia đình đó đã phải xin về vì quá tốn kém. Nhờ có BHYT chi trả phần lớn nên cả mỗi đợt điều trị tôi chỉ phải nộp trên dưới 7 triệu đồng. So với điều kiện kinh tế của phần đông bệnh nhân HIV, thì đó là số tiền rất lớn. - Anh T.V.H
Cũng nhờ những hiệu quả mang lại mà số bệnh nhân HIV tham gia BHYT ngày càng tăng. Trong khi năm 2019, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 70%, thì nay, với 701 bệnh nhân HIV đang lấy thuốc ARV tại Trung tâm Y tế thành phố, hơn 99% đã có thẻ BHYT. Số bệnh nhân còn lại chủ yếu do đang bị tạm giam, chờ ngày xét xử…
Cũng theo anh H và nhiều bệnh nhân HIV: Những lợi ích mà BHYT mang lại cho bệnh nhân HIV là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do phần lớn bệnh nhân HIV đều có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện cấp cho họ thẻ BHYT được hưởng 100% chi phí KCB.
Vì trên thực tế, mỗi lần lấy thuốc, họ đều phải trả thêm tiền. Nếu được cấp theo tháng, sẽ phải đóng 40 nghìn đồng, 2 tháng là 80 nghìn đồng và 3 tháng là 120 nghìn đồng. Có thể số tiền này với nhiều người không lớn, nhưng với nhiều bệnh nhân HIV, thì không phải ai cũng có khả năng chi trả.
Cũng từ thực tế này nên 9 y, bác sĩ Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên từ nhiều năm nay, mỗi tháng đều đóng quỹ 50 nghìn đồng để dành một phần giúp những bệnh nhân đến lấy thuốc hoặc phải làm thêm các xét nghiệm không đủ tiền nộp được vay, đến đợt lấy thuốc sau sẽ trả.
Ngoài ra, một số bệnh nhân HIV cũng mong muốn, ngành Y tế sẽ có các giải pháp đảm bảo nguồn cung thuốc tốt hơn để những người đã điều trị ổn định được lấy thuốc mỗi lần đủ 3 tháng, thay vì có đợt chỉ được 15-25 ngày, thậm chí là 7 ngày, khiến việc đi lại của họ rất vất vả, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như tốn kém thời gian, tiền bạc đi lại.
Bởi có không ít người, do lo ngại bị lộ danh tính nên lấy thuốc ở khác địa bàn, thậm chí có người ở Lạng Sơn, Bắc Kạn cũng về TP. Thái Nguyên lấy. Ngược lại, có người ở TP. Thái Nguyên lại đến các huyện hoặc tỉnh thành khác để lấy.
Có thể khẳng định, BHYT đã, đang và sẽ là cứu cánh của các bệnh nhân HIV/AIDS cũng như cho gia đình họ. Nhờ BHYT mà bệnh nhân HIV đã có thêm động lực, tinh thần để tuân thủ điều trị một cách hiệu quả, lâu dài. Rất mong các cấp, ngành sẽ quan tâm đến các đề xuất, kiến nghị của bệnh nhân HIV để việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân HIV tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới.